Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Ra Giêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có một khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán, những ngày tháng Giêng ấm nồng và trong trẻo thường được gọi là “ra Giêng”.

Ra Giêng là khi mùa đông lạnh giá vừa đi qua, mùa xuân dịu dàng đang đến cùng khí vị ngọt ngào của đất trời. Những nụ hoa chúm chím trên cành, những chồi non tách vỏ xòe lộc biếc, tiếng chim đuổi nhau lích rích, chíp chiu trong vòm lá, sự sinh sôi tượng hình trong từng nõn búp, từng dòng nhựa chảy trong thân cành. Hơi xuân quyện trong hương hoa chanh, hoa bưởi nồng nàn, thơm ngát. Ra Giêng là những ngày đẹp nhất của mùa xuân.

Lòng người buổi ra Giêng cũng hệt như “khăn mới thêu”, phơi phới, hân hoan bao hy vọng và mộng ước. Những lo toan, dồn đuổi của áp lực công việc, của gánh mưu sinh chưa kịp đè nặng trên vai. Hay ít ra, người ta cũng đang tạm buông bỏ, cho thân, tâm nhẹ nhõm. Ra Giêng là lúc thích hợp để thực hiện những dự định lớn lao, những sự kiện trọng đại trong đời: làm nhà, ăn hỏi, khai trương, cưới vợ... “Ra Giêng anh cưới em”, “ra Giêng mở móng”, “ra Giêng mở hàng”… trở thành những câu nói quen thuộc với nhiều người trong chúng ta không biết tự bao giờ. Người ta tin và mong, mọi sự khởi đầu khi ra Giêng đều mang lại niềm vui và kết quả tốt đẹp.

Thế hệ trẻ ngày nay ít ai biết rằng, tháng Giêng lại thường là thời gian khởi đầu của những nỗi buồn lo ở phần đông các gia đình nông thôn Việt Nam thế kỷ trước. Dẫu Tết vừa đi qua, hoa mơ, hoa mận còn nở trắng vườn và những đợt lạnh còn lướt thướt kéo qua những ngày ẩm ướt đầu năm, nhiều người dân quê đã bắt đầu nỗi lo cơm áo đến thắt lòng. Niềm vui ngày Tết tan nhanh như một giấc mơ. Giữa những cánh đồng mờ sương, nông dân bì bõm lội bùn mò cua bắt tép. Tháng Giêng dài lê thê trong mưa phùn, rét và đói.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Đang là những ngày cuối Giêng. Lạ làm sao, những hàng cây trên đường lại miệt mài trút lá. Đâu phải mùa thu mà lá vẫn rơi ngập đường. Hình như có quá nhiều sự đổi thay ở cả thiên nhiên và con người. Cây cối vẫn ra hoa trổ lộc nhưng song hành cùng nó là sự tàn phai, héo úa giữa mùa xuân. Cuộc sống bây giờ no đủ hơn nên người ta không mấy bận lòng cái ăn cái mặc. Với nhiều người, nhiều gia đình, những cuộc du xuân bắt đầu từ mùng 2 Tết nối dài đến hết tháng Giêng.

Tuy nhiên, cuộc đời vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ, bất ổn khó lường, nằm ngoài những dự định tính toán của con người. Nhớ lại, tháng Giêng năm nào, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), cả nhân loại hoang mang, lo âu và sợ hãi. Đại dịch càn quét qua các quốc gia, gây nên những tổn thất nghiêm trọng về người và của, đặt ra những thách thức không nhỏ cho loài người trong việc kiềm chế và kiểm soát dịch bệnh. Và tháng Giêng này, khi năm mới vừa sang, 2 trận động đất kinh hoàng đã xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, biến những thành phố xinh đẹp thành đống hoang tàn đổ nát và cướp đi sinh mạng hàng chục ngàn người. Hiểm hoạ sinh tử phút chốc khiến mạng sống con người trở nên bé nhỏ, mong manh. Giàu sang, phú quý trở nên vô nghĩa khi tất thảy thành tro bụi chỉ trong chốc lát. Những diễn biến khó lường của thiên tai, dịch bệnh vẫn luôn rình rập đe dọa cuộc sống con người, khiến ta nghĩ nhiều hơn về giá trị sống và niềm vui sống đích thực. Nhớ lại những tháng năm qua và nghĩ về những năm tháng tới, không phải để so sánh hay lo âu, mà để trân quý hơn hiện tại, chắt chiu những giá trị sống quý báu mà ta đang sở hữu. Một hình hài khỏe mạnh, một tâm hồn đẹp đẽ, một bầu trời hòa bình và khả năng tự lao động ở mỗi người là tài sản vô giá của mỗi chúng ta và của cả đất nước này.

Tháng Giêng đang dần đi qua, trong niềm vui và nỗi buồn, như hàng cây trên đường vừa đâm chồi vừa trút lá. Thì hãy cứ tin và mong, những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với tất cả chúng ta.

Có thể bạn quan tâm