Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Ràng buộc chặt trách nhiệm người đề cử ở đại hội đảng các cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc quy định rõ ràng trách nhiệm của người giới thiệu, người đề cử tại đại hội như thêm một cơ chế kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng “thỏa thuận đề cử”, chạy chức, chạy quyền, đồng thời tránh để “lọt” những người không đủ tiêu chuẩn được giới thiệu để tranh thủ phiếu bầu.

 

Các đảng viên bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Tuấn Lương
Các đảng viên bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Tuấn Lương



Tránh tình trạng giới thiệu kiểu “xuề xòa”, nể nang

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Hướng dẫn số 03-HD/TW hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng. Hướng dẫn này có những sửa đổi, bổ sung nhằm thể hiện chặt chẽ hơn nguyên tắc tập trung - dân chủ trong công tác cán bộ.

Trong đó, hướng dẫn này nêu rõ trách nhiệm của người đề cử trong việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội (Điều 11) được quy định cụ thể: Tại đại hội, người đề cử nhân sự tham gia cấp uỷ phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp uỷ của người mà mình đề cử.

“Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tuỳ theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng” - Hướng dẫn 03 nêu rõ.

Phân tích về quy định này, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) - cho rằng: Đây là một bổ sung quan trọng xuất phát từ thực tiễn thực tế qua các kỳ đại hội. Việc này sẽ nhằm nâng cao được trách nhiệm của người đề cử, người giới thiệu trong việc giới thiệu nhân sự. Đồng thời, quy định này là một bước để công tác cán bộ được chặt chẽ, hoàn thiện hơn.

Theo ông Hà, về công tác bầu cử trong Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã có Quyết định 244-QĐ/TW ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng với nhiều quy định chặt chẽ.

Theo đó, khi đã thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy trình chuẩn bị danh sách đề cử thì các ủy viên cấp ủy triệu tập Đại hội sẽ không được tự ứng cử, cũng như không nhận đề cử ở Đại hội nữa. Tuy nhiên, ràng buộc này không ngăn cản hoàn toàn quyền đề cử, tự ứng cử ở Đại hội. Bởi khi ra Đại hội, đại biểu vẫn có thể giới thiệu đảng viên khác và đảng viên không phải là cấp ủy viên triệu tập đại hội vẫn có quyền tự ứng cử, nhận đề cử để xem xét đưa vào danh sách bầu cấp ủy khóa mới. Như vậy, việc giới thiệu, đề cử, nhận đề cử, tự ứng cử tại Đại hội như thế không phải qua các quy trình chặt chẽ như số ứng viên đã nằm trong danh sách do cấp ủy chuẩn bị sẽ có thể dẫn tới những thiếu sót.

“Từ thực tiễn, các nhiệm kỳ đại hội trước đây, có xuất hiện một số trường hợp như giới thiệu theo kiểu “xuề xòa” nể nang nhau dẫn đến chọn sai cán bộ. Do vậy, hướng dẫn này nhằm nâng cao trách nhiệm của người giới thiệu. Đảng viên có quyền giới thiệu nhưng cũng phải có trách nhiệm về ý kiến của mình. Người giới thiệu phải cân nhắc, suy nghĩ kỹ, phải nắm chắc về trường hợp mình giới thiệu chứ không phải vì thân quen, tình cảm…” - ông Hà nói và nhấn mạnh rằng, phải nâng cao trách nhiệm của những người giới thiệu nhân sự nói chung và trách nhiệm của người giới thiệu tại đại hội nói riêng để tránh tình trạng phe cánh, lợi ích nhóm.

Thêm cơ chế kiểm soát tránh tình trạng “thỏa thuận đề cử”

Cùng quan điểm, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, công tác nhân sự là một trong những yếu tố quyết định thành công của đại hội. Các quy chế về bầu cử và ứng cử trong Đảng cũng đã khá rõ ràng và có nhiều quy định chặt chẽ.

Mới đây, Ban Bí thư ban hành Hướng dẫn số 03 về một số vấn đề cụ thể trong thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định đó. Đặc biệt, Đảng quy định rõ trách nhiệm người đề cử trong việc giới thiệu nhân sự cấp ủy tại đại hội. Nếu có sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định của Đảng.

Theo ông Tiến, việc quy định rõ ràng trách nhiệm của người giới thiệu, người đề cử tại đại hội giống như thêm một cơ chế kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng “thỏa thuận đề cử”, chạy chức, chạy quyền đồng thời tránh để “lọt” những người không đủ tiêu chuẩn được giới thiệu để tranh thủ phiếu bầu.

 


Điều 13 Quyết định 244, ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành T.Ư khoá 11 về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng quy định việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư:

1- Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.

2- Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy.

3- Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.

Tr.V

https://laodong.vn/thoi-su/rang-buoc-chat-trach-nhiem-nguoi-de-cu-o-dai-hoi-dang-cac-cap-794228.ldo

 

Theo Ái Vân (LĐO)

Có thể bạn quan tâm