Cuộc thi phóng sự, ký sự Gia Lai 50 năm đổi mới và phát triển

Rmah Mich chàng trai Bahnar nặng lòng với văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù mới bước qua tuổi 30 nhưng anh Rmah Mich-Phó Bí thư Đoàn xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) được dân làng gọi là nghệ nhân.

Bởi lẽ, chàng trai Bahnar này đã chứng tỏ tài năng và sự khéo léo khi chế tác nhiều nhạc cụ dân tộc như: đàn t’rưng, ting ning, đàn goong; giỏi đánh cồng chiêng và hát dân ca.

Người giữ hồn nhạc cụ dân tộc

Chiều cuối tuần, trong ngôi nhà rông làng Hek (xã Chư A Thai), anh Mich hướng dẫn các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tập đánh cồng chiêng. Thanh âm của các loại nhạc cụ: đàn goong, t’rưng, cồng chiêng cùng hòa tấu tạo nên một bản nhạc rộn ràng, tươi vui.

Anh Mich kể: “Hoạt động này diễn ra vào chủ nhật hàng tuần. Những bài chiêng mọi người đều thuộc nhưng vẫn luyện tập để nhuần nhuyễn hơn. Đây cũng là sân chơi để kết nối những bạn trẻ đam mê âm nhạc truyền thống của dân tộc”.

Tranh thủ lúc giải lao, anh Mich dẫn chúng tôi về thăm nhà. Đó là ngôi nhà đơn sơ mang đậm nét đặc trưng của người Bahnar nằm sau lưng ngôi nhà rông truyền thống. Các loại nhạc cụ: ting ning, sáo, đàn t’rưng... cùng những bằng khen, giấy khen được treo trang trọng trên tường.

Chàng trai Bahnar say sưa kể về cấu tạo của từng nhạc cụ, về âm nhạc truyền thống. Và anh Mich không quên biểu diễn vài giai điệu qua một số nhạc cụ cho chúng tôi nghe.

Anh Rmah Mich yêu thích âm thanh rộn ràng, tươi vui của chiếc đàn t’rưng. Ảnh: P.L

Anh Rmah Mich yêu thích âm thanh rộn ràng, tươi vui của chiếc đàn t’rưng. Ảnh: P.L

Anh Mich tâm sự: “Hồi còn bé, mình được bố cho đi xem các buổi tập luyện cồng chiêng của dân làng. Bố mình đánh chiêng giỏi và biết chế tác nhạc cụ dân tộc. Mình được hun đúc niềm đam mê từ bố và các nghệ nhân. Thấy mình có năng khiếu, các nghệ nhân đã chỉ dạy cách chế tác nhạc cụ, trong đó, đàn t’rưng là nhạc cụ mình yêu thích nhất. 25 tuổi, mình chơi được nhiều nhạc cụ và hát những bài dân ca”.

Nâng niu chiếc đàn t’rưng trên tay, anh Mich cho biết: Việc chế tác một cây đàn t’rưng không hề đơn giản. Anh phải lên tận núi cao chọn những ống nứa thẳng từ 3 năm tuổi trở lên, thân không bị sâu, không bị nứt. Sau đó, nứa được phơi khô khoảng 3 tháng rồi mới chế tác. Những ống nứa dài, ngắn, nhỏ, to xếp theo thứ tự để tạo thành một thang âm đặc trưng. Khâu thẩm âm cho từng ống nứa rất quan trọng, gọt giũa ống nứa phải tỉ mỉ cho đến khi thanh âm phát ra “ưng cái bụng” nhất mới thôi.

"Mình yêu thích đàn t’rưng bởi âm thanh mộc mạc, tự nhiên. Khi bắt đầu chế tác, mình làm sai nhiều lắm, âm thanh không được chuẩn. Với sự hướng dẫn của những người cao tuổi trong làng, mình vừa làm vừa rút kinh nghiệm”-anh Mich chia sẻ.

Tương tự, các loại nhạc cụ: đàn goong, sáo... cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, dụng công trong quá trình chế tác. Qua đôi bàn tay khéo léo của anh Mich, các loại nhạc cụ cho âm thanh vang vọng tự nhiên, làm say lòng người nghe. Không chỉ ở xã Chư A Thai mà ở các xã lân cận, mỗi khi có lễ hội cần nhạc cụ dân tộc để biểu diễn, mọi người đều đến cậy nhờ anh Mich.

Cùng với nhạc cụ dân tộc, những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của các bài dân ca đã ngấm vào người, trở thành đam mê của anh Mich. Anh tìm đến người già trong làng vừa sưu tầm các bài dân ca, xin chỉ dạy kỹ thuật hát. Tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi toàn tỉnh lần thứ VI-2023, anh Mich nhận được sự khen ngợi của Ban giám khảo khi thể hiện bài “Ring kông Alơng Lyem” (Vang vọng núi rừng).

“Năm 2013, mình học lớp thanh nhạc tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Việc có thêm kiến thức, kỹ năng giúp mình thuận lợi hơn trong việc chế tác nhạc cụ dân tộc và hát dân ca”-anh Mich bộc bạch.

Nhờ sự dìu dắt của anh Rmah Mich, nhiều người trẻ ở xã Chư A Thai đã có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: P.L

Nhờ sự dìu dắt của anh Rmah Mich, nhiều người trẻ ở xã Chư A Thai đã có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: P.L

Tình yêu và tâm huyết mà anh Mich dành cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống thật đáng khâm phục. Nhắc đến sự nỗ lực của chàng trai trẻ, Trưởng thôn Đinh Yinh nhận xét: “Mich còn trẻ nhưng rất chịu khó học hỏi để bảo tồn và quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc Bahnar. Học theo Mich, nhiều thanh niên trong làng cũng có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống”.

“Tiếp lửa” cho thế hệ trẻ

Để gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng, anh Mich đã tập hợp ĐVTN trong làng để thành lập đội cồng chiêng. Song việc làm này không hề dễ dàng do nhiều ĐVTN chỉ yêu thích âm nhạc điện tử. Không nản chí, anh Mich cùng người già, người có uy tín đến từng nhà vận động, thuyết phục 30 ĐVTN tham gia đội cồng chiêng. Các thành viên đều được anh Mich và các nghệ nhân lớn tuổi tận tình chỉ dạy hát dân ca cũng như chơi nhạc cụ truyền thống.

Khoảng sân trước căn nhà rông trở thành điểm sinh hoạt, luyện tập của đội cồng chiêng làng Hek. Trong các lễ hội văn hóa, đội cồng chiêng làng Hek tự tin trình diễn, thu hút sự chú ý theo dõi của mọi người.

“Cách truyền đạt của Mich rất dễ hiểu, dễ nhớ. Nhờ đó mà mình đã biết đánh chiêng và chơi một số loại nhạc cụ dân tộc. Tham gia đội cồng chiêng, mình có cơ hội biểu diễn, giới thiệu cho mọi người biết về văn hóa đặc sắc của dân tộc Bahnar”-anh Đinh Myên cho hay.

Theo chia sẻ của anh Mich, khâu thẩm âm rất quan trọng, quyết định chất lượng âm thanh của nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Phan Lài

Theo chia sẻ của anh Mich, khâu thẩm âm rất quan trọng, quyết định chất lượng âm thanh của nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Phan Lài

Không chỉ có công thành lập đội cồng chiêng làng Hek, anh Mich còn hướng dẫn ĐVTN làng Pông (xã Chư A Thai) kỹ thuật biểu diễn cồng chiêng. Các đội cồng chiêng đều tập luyện khá đều đặn vào dịp cuối tuần hoặc vào buổi tối. Tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ thanh thiếu nhi lần thứ VI-2023, đội cồng chiêng do anh Mich dẫn dắt đạt giải A toàn đoàn.

Làng Trớ (xã Chư A Thai) được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh chọn triển khai mô hình “Làng thanh niên 2 không, 2 có” cấp tỉnh. Với khả năng và uy tín của mình, anh Mich đã tuyên truyền, vận động 30 ĐVTN làng Trớ tham gia câu lạc bộ cồng chiêng, góp phần hoàn thiện tiêu chí “có đội nhóm thanh niên giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc”.

Bên cạnh đó, anh Mich còn huy động ĐVTN trong xã tham gia các hoạt động tình nguyện: đổi công gây quỹ; làm hàng rào khu vực nhà rông của làng Trớ; hỗ trợ di dời chuồng trại gia súc giúp các hộ khó khăn góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Với sự tâm huyết, nỗ lực, năm 2019, anh Rmah Mich cùng các thành viên đội cồng chiêng xã Chư A Thai giành giải nhất nội dung diễn xướng cồng chiêng, hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ tại Hội thi văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số huyện Phú Thiện lần thứ XI; năm 2023 giành giải A phần hát dân ca và trình diễn cồng chiêng; giải nhất toàn đoàn tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi toàn tỉnh lần thứ VI.

Năm 2020, anh Mich là cá nhân duy nhất của tỉnh được tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu; lễ tuyên dương do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Chị Ksor H’Mloan-Bí thư Huyện Đoàn Phú Thiện-chia sẻ: “Tình yêu với văn hóa truyền thống của anh Mich thì ai cũng biết. Tài năng hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc của anh Mich đã được minh chứng qua việc đạt giải cao tại các hội thi, liên hoan do các cấp, các ngành tổ chức. Anh là người “thắp lửa” đam mê và dìu dắt các bạn trẻ gắn bó với âm nhạc dân tộc. Không những thế, anh còn là cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt huyết, làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết ĐVTN”.

Nói về dự định trong thời gian tới, anh Mich cho biết: “Càng đi sâu tìm hiểu, mình càng say mê văn hóa truyền thống của dân tộc. Mình sẽ tiếp tục chế tác nhạc cụ dân tộc, sưu tầm các bài dân ca và học thêm kỹ thuật chỉnh chiêng. Mình rất vui khi nhìn thấy các bạn trẻ trong làng hào hứng tập luyện cồng chiêng và chơi nhạc cụ dân tộc. Mình sẵn lòng chia sẻ, hướng dẫn cho những ai có đam mê và muốn khám phá văn hóa truyền thống của người Bahnar”.

Chia tay chúng tôi, anh Mich tiếp tục cùng các thành viên đội cồng chiêng làng Hek tập luyện. Âm thanh của cồng chiêng, t’rưng, đàn goong… vang vọng khắp một vùng.

Có thể bạn quan tâm