Cuộc thi phóng sự, ký sự Gia Lai 50 năm đổi mới và phát triển

Những viên ngọc quý của làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng uy tín và tài năng, đội ngũ già làng, trưởng thôn, nghệ nhân, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có công rất lớn trong việc bài trừ hủ tục, gìn giữ bản sắc văn hóa và phát huy các giá trị di sản. Họ thực sự là những viên ngọc quý và được dân làng tôn trọng.

“Gạn đục khơi trong” cho văn hóa

Đã qua 73 mùa rẫy nhưng bà Rcom H’Guach-Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ 6 (phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) vẫn tinh anh, nhanh nhẹn. Là người hiểu rõ phong tục, luật tục, pháp luật, bà đã phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết thành công nhiều vụ việc, góp phần loại trừ hủ tục, mê tín dị đoan ra khỏi cộng đồng.

Mới đây, ở địa phương xảy ra chuyện một gia đình người Jrai “đổ tội” cho người họ hàng ở làng bên dùng “ma lai”, “thuốc thư” khiến con gái họ đau ốm. Bà H’Guach kể: “Nghe chuyện, mình lập tức gặp mặt 2 bên để phân xử. Mình phân tích: Do cha mẹ lấy nhau cận huyết thống khiến con chậm phát triển, đau ốm thường xuyên, người gầy gò, suy nhược. Đổ tội cho người họ hàng “ma lai” là trái đạo lý, gây mất đoàn kết, còn đe dọa đánh họ và đòi bồi thường của cải là trái pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm minh. Nghe mình phân tích, đôi bên đã chọn cách bắt tay hòa giải”.

Bà Rcom H’Guach (giữa) tham gia lớp bồi dưỡng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, bài trừ hủ tục lạc hậu. Ảnh: H.N

Bà Rcom H’Guach (giữa) tham gia lớp bồi dưỡng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, bài trừ hủ tục lạc hậu. Ảnh: H.N

Bà H’Guach cho biết thêm, việc nhiều đứa trẻ không khỏe mạnh, khuyết tật do cha mẹ cận huyết thống lấy nhau không phải là chuyện hiếm trong cộng đồng người Jrai. Hàng chục năm trong vai trò người uy tín, làm công tác hòa giải, bà luôn kiên trì phân tích cho người dân hiểu nguyên nhân và nhấn mạnh phải thực hiện nếp sống mới, tin tưởng vào bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh cho những đứa trẻ kém may mắn.

Đồng thời, bà dùng chính những câu chuyện đó tuyên truyền, vận động để dân làng hiểu về những hậu quả khôn lường của việc lấy nhau theo luật tục, kết hôn sớm mà cùng nhau xóa bỏ, xây dựng nếp sống văn hóa.

Bản thân sống mẫu mực, hiểu biết văn hóa, tập quán và kiến thức pháp luật nên bà H’Guach trở thành người uy tín tại cộng đồng. Kể từ khi chồng mất đến nay gần 30 năm, bà ở vậy nuôi 5 người con ăn học. Trong đó, 4 người là đảng viên.

Người mẹ Jrai trải lòng: Trước đây, nhà chỉ có một ít ruộng rẫy nên không đủ nuôi đàn con đông đúc, có khi phải đi vay nợ bà con trong làng. Người con trai cả nằng nặc xin nghỉ học để phụ giúp mẹ nhưng bà không đồng ý. Đến nay, cả 5 người con của bà đều có cuộc sống ổn định. Trong đó, 1 người là giáo viên THPT, 1 là Công an xã, 1 là thôn đội trưởng. Các con trưởng thành, có thu nhập giúp mẹ trả hết nợ mới lo cho cuộc sống riêng mình. Sự hiếu thảo đó là quả ngọt sau bao năm vất vả vì con của người mẹ đảm đang.

Tâm nguyện của bà H’Guach giờ đây là toàn tâm toàn ý cho công tác xã hội. “Mình chỉ sợ sức khỏe không cho phép để đi nhiều nữa. Có thường xuyên sâu sát đời sống của người dân thì mới nắm bắt đầy đủ tình hình, sự đổi thay trong cuộc sống của họ, nhất là lớp trẻ. Phải làm sao để thế hệ trẻ biết yêu quý, giữ gìn phong tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp, còn cái gì xấu phải đấu tranh bài trừ, xóa bỏ”-bà H’Guach tâm sự.

Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng, bà H’Guach được Giám đốc Công an tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tuyên dương, khen thưởng vì những đóng góp trong công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc, gìn giữ bản sắc văn hóa… Bà còn được mời tham dự hội nghị toàn quốc biểu dương điển hình tiên tiến người cao tuổi trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2016-2021 do Bộ Công an và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp tổ chức.

Khôi phục vốn quý

Nếu những người lớn tuổi khẳng định vị thế “gừng càng già càng cay” thì thế hệ trẻ lại có những đóng góp cho văn hóa trên tinh thần kế thừa và phát huy. Đó là câu chuyện của nghệ nhân trẻ Ksor Mang-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa).

Anh Mang có cha là nghệ nhân nên từ nhỏ đã biết những bộ chiêng Arap truyền thống quý hiếm của người Jrai. Tiếng chiêng Arap ngân vang có thể đánh thức linh hồn vạn vật. Nhưng cồng chiêng cổ mai một dần, chỉ còn trong câu chuyện của người già. Thế hệ trẻ bây giờ chuộng âm nhạc điện tử, chơi nhạc trên những dàn chiêng cải tiến.

Anh tâm tình: “Cha mình vẫn thường nói, mất tiếng chiêng Arap là mất mát bản sắc của người Jrai. Vì vậy, mình luôn trăn trở khôi phục dàn chiêng truyền thống quý báu này”.

Nghệ nhân Ksor Mang biểu diễn bài dân ca cổ “Đam Thơi” tại 1 sự kiện văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: H.N

Nghệ nhân Ksor Mang biểu diễn bài dân ca cổ “Đam Thơi” tại 1 sự kiện văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: H.N

Tháng 6-2023, từ nguồn vốn của Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, xã Ia Rtô được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp 1 bộ chiêng Arap truyền thống.

Ksor Mang là người trực tiếp lên TP. Pleiku tiếp nhận và đưa chiêng về. Anh kể: “Mình nhờ người già trong làng tập luyện cho đội chiêng trẻ, nhưng nhiều người đi lại khó khăn, sức khỏe suy giảm nên không kham nổi. Còn khi vận động thanh niên tham gia đội chiêng, họ hỏi ngược lại mình: “Tập xong có rượu, có mồi không?”. Mình có đứa con trai cũng đam mê văn nghệ. Mình nhờ nó gọi tụi nhỏ trong làng đến tập chiêng, hát hò. Dần dần, không khí vui nhộn đã thu hút đám thanh niên trai trẻ.

Trong vòng gần 1 tháng, mình cùng một số người già tập cho đội chơi được bài nhạc chiêng “Pẽ trong loai” (Hái cà đắng). Đây là bài nhạc chiêng cổ của người Jrai. Tiết mục này sau đó được đem đi biểu diễn trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) được nhiều người đánh giá cao. Có động lực, đội chiêng tiếp tục tập thêm bài chiêng cổ “Mơ nhum tơ bai” (Uống rượu cần).

Theo nghệ nhân trẻ, kết quả nêu trên không chỉ nhằm khôi phục những bài chiêng cổ, mà còn đánh dấu sự hồi sinh của cồng chiêng truyền thống trong đời sống thế hệ trẻ. Chơi chiêng Arap khó hơn nhiều so với chiêng cải tiến. Nghệ nhân Ksor Mang lấy sự kiên nhẫn, hiểu biết về văn hóa để thuyết phục, động viên những tay chiêng trẻ của làng.

Anh chia sẻ: “May mắn tham gia lớp chỉnh chiêng của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, mình hiểu thêm chiêng truyền thống của người Jrai quý giá như thế nào trong gia tài cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên. Thế hệ trẻ phải giữ gìn di sản quý ấy. Mình còn được cha truyền dạy cho nhiều bài nhạc chiêng cổ, các nghi thức trong lễ hội truyền thống như lễ cầu mưa, mừng lúa mới”.

Phát huy di sản

Vùng đất phía Đông tỉnh có Trưởng thôn Đinh Văn Quý (làng Đak Asêl, xã Sơn Lang, huyện Kbang). Già làng Đinh Hmunh cho biết: Người được dân làng tin tưởng bầu làm trưởng thôn phải có uy tín, hiểu biết văn hóa của dân tộc Bahnar. Quý còn giỏi hơn khi biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống, biết đánh cồng chiêng, làm kinh tế giỏi. Quý còn tiên phong làm du lịch, giúp dân làng Đak Asêl khai thác phát triển du lịch từ di sản vốn có.

Trưởng thôn Đinh Văn Quý cùng phụ nữ Bahnar trong trang phục truyền thống. Ảnh: NVCC

Trưởng thôn Đinh Văn Quý cùng phụ nữ Bahnar trong trang phục truyền thống. Ảnh: NVCC

Anh Đinh Văn Quý phân tích: Làng Đak Asêl có lịch sử hình thành lâu đời, nằm trên tuyến đường Trường Sơn Đông, xung quanh có lợi thế là các thắng cảnh thiên nhiên như: thác K50, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

“Đặc biệt, người dân vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị nghệ thuật, kiến trúc, ẩm thực truyền thống, sinh hoạt văn hóa gắn với cồng chiêng đặc sắc… có thể khai thác, phát triển du lịch cộng đồng rất tốt. Du khách đến đây không chỉ trải nghiệm cảnh đẹp núi rừng hoang sơ, hùng vĩ mà còn được sống trong không gian văn hóa độc đáo của những ngôi làng giữa đại ngàn Trường Sơn”-anh Quý chia sẻ.

Trong 5 năm qua, anh Quý hợp tác với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Bitour (TP. Hồ Chí Minh) và một số đơn vị lữ hành đưa du khách về địa phương, tạo việc làm cho người dân.

“Mỗi tuần, mình phối hợp với đối tác phục vụ khoảng 60-70 du khách, tạo việc làm cho khoảng 50 người dân làng Đak Asêl với mức thu nhập 500-800 ngàn đồng/người/ngày. Họ có mặt trong tổ ẩm thực truyền thống, đội cồng chiêng, xoang, dẫn khách tham quan, trải nghiệm rừng, thác… Từ các hoạt động này, bà con càng có ý thức bảo vệ và khôi phục di sản văn hóa của dân tộc”-anh Quý cho hay.

Ông Phạm Cao Thái-Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch): “Gia Lai là điểm đến có nhiều trải nghiệm đối với du khách. Để giữ gìn bản sắc văn hóa, khai thác di sản để phát triển du lịch, đội ngũ già làng, nghệ nhân, người uy tín có vai trò rất quan trọng. Lời nói, hành động, quan điểm, nhận thức của họ luôn có sức nặng với cộng đồng, được người dân dễ tiếp nhận và tin tưởng.

Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ già làng, nghệ nhân, người uy tín; khuyến khích họ tiếp tục truyền tải chính sách, chủ trương đến với người dân, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phát triển văn hóa; đồng thời, tiếp tục tạo ra những giá trị mới, góp phần phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Có thể bạn quan tâm