Rộn ràng vó ngựa Thì Thùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hàng trăm năm nay, cứ đến mùng 9 tháng Giêng, bên Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) lại rộn tiếng vó ngựa. Từ một sinh hoạt truyền thống của cư dân vùng cao nguyên An Xuân, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng giờ đây đã trở thành lễ hội văn hóa-thể thao cấp tỉnh, thu hút đông đảo du khách gần xa.
 Hội đua diễn ra trong sự cổ vũ của đông đảo khán giả. Ảnh: Thùy Chi
Hội đua diễn ra trong sự cổ vũ của đông đảo khán giả. Ảnh: Thùy Chi
Phải nói thật là trước đây, tôi cứ nghĩ ở nước ta chỉ có huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) tổ chức hội đua ngựa. Vậy nên khi nghe anh bạn đất Phú Yên bảo dưới đó có Hội đua ngựa Gò Thì Thùng được tổ chức từ hàng trăm năm nay, tôi ngạc nhiên lắm. Sẵn độ ra Giêng ngày rộng tháng dài, tôi dong xe xuôi đường 25 về xem hội. Vừa đi, tôi vừa nghĩ về những điều mới đọc được trên mạng, rằng Phú Yên một thời từng là thủ phủ ngựa của miền Trung và giống ngựa quý nơi đây rất được các vua triều Nguyễn ưa thích. Còn với cư dân vùng cao nguyên Gia Lai, cách đây hàng trăm năm, như một bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân thì những con ngựa Phú Yên đã là hình ảnh hết sức gần gũi: “Đầu thế kỷ XX, con đường từ Tuy Hòa, qua Cheo Reo lên Pleiku chỉ là một đường đất nhỏ. Những thương nhân người Kinh thường dùng ngựa để chở hàng hóa, nhu yếu phẩm và muối từ đồng bằng lên bán cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao”. Với một vùng đất nhiều ngựa, lại là giống ngựa quý như vậy, chuyện người dân đem ngựa ra đua tài, rồi biến nó thành lễ hội xem ra chẳng có gì lạ.
Nghỉ lại một đêm ở TP. Tuy Hòa, sáng mùng 9, chúng tôi dậy từ sớm rồi hòa vào dòng người xe đông đúc ngược lên cao nguyên An Xuân. Mất khoảng 1 giờ đồng hồ đi giữa cao nguyên điệp trùng xanh mướt rừng keo lá chàm, chúng tôi đã có mặt tại Gò Thì Thùng. Lúc này, xung quanh khoảng sân đua ngựa đã có hàng ngàn khán giả chen chân háo hức đứng chờ. Trong khu rừng keo gần đó, 32 chú ngựa của các xã thuộc huyện Tuy An và huyện Đông Hòa cũng đang gõ móng đợi phút đua tài. 
Hơn 8 giờ sáng, hội đua ngựa bắt đầu diễn ra trong sự phấn khích của đông đảo người xem. Những chú ngựa thường ngày quen thồ hàng, kéo xe nay tung vó chạy đua dưới sự điều khiển của các kỵ sĩ vốn quanh năm chỉ quen với công việc ruộng đồng. Chính sự nghiệp dư của cả người và ngựa này đã tạo nên sự thú vị đặc biệt cho cuộc đua. Ở đây, mỗi vòng đua đều chứa đựng sự bất ngờ mà những khán giả lần đầu theo dõi như tôi không thể nào tưởng tượng ra trước đó. Đấy là chuyện những chú ngựa bất ngờ trở chứng không chịu chạy sau hiệu lệnh xuất phát, hoặc chạy được nửa đường thì hất văng kỵ sĩ xuống đất rồi đứng yên một chỗ, thậm chí quay đầu chạy ngược trở lại hay lao ra khỏi đường đua khiến khán giả phải cười bò. Bởi thế nên, trong cả 8 đợt đua ở vòng 1 (mỗi đợt 4 chú ngựa), không có đợt nào có đủ 4 chú ngựa về đích.
Sau gần 2 giờ tranh tài với 3 vòng đua đem lại sự sảng khoái cho khán giả, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng Xuân Mậu Tuất đã khép lại với chiến thắng thuyết phục thuộc về chú ngựa số 01 của kỵ sĩ Lê Thành Trung (xã An Hiệp, huyện Tuy An). Đây là chú ngựa đã băng băng về đích đầu tiên ở cả 3 vòng đua. Trò chuyện với tôi, kỵ sĩ 41 tuổi Lê Thành Trung cho biết, anh đã hơn 20 lần cầm cương tham gia Hội đua ngựa Gò Thì Thùng và không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần giành chiến thắng chung cuộc.
Từ một sinh hoạt mang tính tự phát của người dân rồi được nâng tầm thành lễ hội văn hóa-thể thao cấp tỉnh, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng ngày càng được du khách gần xa biết tới và đón đợi mỗi dịp Tết đến Xuân về. Theo ông Lê Cao Bằng-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tuy An, trong tương lai, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng quy mô của hội đua ngựa này với sự tham dự của không chỉ các địa phương trong tỉnh Phú Yên mà cả các tỉnh khác ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Và đây được kỳ vọng sẽ trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, kết nối du khách đến xem hội đua ngựa với tour tham quan địa đạo Gò Thì Thùng-một di tích lịch sử cấp quốc gia-cũng như các danh lam thắng cảnh khác của huyện Tuy An.
Thùy Chi

Có thể bạn quan tâm