Chúng tôi không mất nhiều thời gian để suy nghĩ, khi cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 209 Hồ Đại Đồng hỏi có muốn đi cùng một chuyến vào rừng ở Sa Thầy (Kon Tum) không. Tại sao không?
Những lá khô lạo xạo ngập kín lối đi, rực lên cái màu đỏ ối trong nắng. Những thảm thực vật trải dài mỗi con suối qua. Đâu đó trên cao, ánh nắng len lỏi qua những tán cây bằng lăng soi tới. Chúng tôi đang ở giữa rừng già, vào những ngày cuối cùng của mùa khô Tây Nguyên. Một vài tiếng sấm đì đùng từ phía xa, báo hiệu cơn mưa sắp tới…
Hành trình của những người lính tóc bạc
Những CCB của Trung đoàn 209 vẫn có những chuyến đi rừng liên tục suốt 12 năm nay, kết hợp với lực lượng địa phương để khảo sát, tìm kiếm các vị trí nghi vấn có hài cốt liệt sĩ. Đây là một chuyến đi quen thuộc như rất nhiều chuyến đi khác của những người lính tóc bạc, để thực hiện một nhiệm vụ mà họ tự quyết định gánh lên mình, như một sứ mệnh với những đồng đội đã nằm lại. Với chúng tôi thì là lần đầu tiên ở lâu như thế giữa rừng già, giữa một doanh trại dã chiến.
Những chiến sĩ huyện đội Sa Thầy dựng lán trại dã chiến trong rừng Chư Mom Ray. Ảnh: Mai Nguyễn |
Ngay cả với một di sản ASEAN, ngay cả với một thảm mênh mông rừng già, dường như cũng đang trong cuộc vật lộn để chống lại sức huỷ diệt từ con người.
Chúng tôi hạ trại ở một thung lũng ven suối, độ cao chỉ tầm 750m. Ở đây có một rừng lồ ô bao quanh, sẽ dễ dàng hơn cho các sinh hoạt cá nhân và tiện để đi các hướng tìm kiếm.
Những người lính của huyện đội Sa Thầy nhanh chóng bắt tay vào công việc. Việc đầu tiên là phải có một lán trại để ổn định việc ăn ngủ. Lán trại hoàn thành trong một buổi chiều. Một chiếc bàn được kết từ những thân cây lồ ô, với những chiếc ghế buộc chắn chắn. Một bậc thang rải đá để việc đi lại lấy nước dưới suối thuận lợi. Những chiếc võng được mắc cẩn thận dưới mỗi tán cây, phía trên là những tấm tăng bộ đội, dự định sẽ che mưa che gió suốt thời gian trong rừng. A Thế - cậu lính trẻ đã kịp làm cho mình một giá đỡ bằng lồ ô để đặt balo và đồ dùng cá nhân. CCB Hồ Đại Đồng nhìn cậu, nheo mắt hóm hỉnh: "Chưa đi rừng nhiều nhỉ, đóng như thế này vẫn lỏng lẻo lắm". Những CCB dù tóc đã bạc, chân nhanh mỏi, vẫn có cái mẫn tiệp của những người đã quen rừng núi. CCB Nguyễn Xuân Ánh cẩn thận nhắc A Trao - cậu lính người Xơ - đăng - đi phía trước: "Đừng chặt cây gỗ, để cho nó còn lớn. Bẻ một góc xuống làm dấu cho người đi sau thôi".
Phía dưới suối, một bếp ăn dã chiến đã lập xong. Luyện, cậu lính có nụ cười hiền và nước da trắng trẻo đang tất bật cho bữa cơm chiều. Ở đây phải hoàn thành công việc trước khi những tia nắng cuối cùng không đủ sức xuyên qua đám lá. Mặc cho ai đó đang xuýt xoa về cái màu nắng tràn ngập khắp khu rừng, như rót mật từng ngóc ngách lán trại, Luyện vẫn nhễ nhại mồ hôi bên cái bếp củi. Chỉ cần ăn cơm muộn độ 10 phút, phải dùng tới đèn pin là lũ mối sẽ bay ra mở tiệc, Luyện biết mình phải đảm bảo giờ giấc của cả đoàn.
Hành trình tìm kiếm trong rừng Chư Mom Ray. Ảnh: Mai Nguyễn |
Ở góc khác, CCB Nguyễn Xuân Ánh đã hoàn thành quán cà phê riêng mình. Một cây củi khô đặt trên hai hòn đá, một phin cà phê đang tí tách những giọt cuối cùng như chờ chiều buông. Cả mấy ngày sau, dù bận rộn hay mệt mỏi đến đâu, ông cũng đều không quên những ly cà phê tối và những ấm trà thật đặc mỗi buổi sáng. Thong dong, bình thản, dứt khoát. Ông bảo năm đó đánh giặc trong rừng, tới cái ăn còn không đủ, vàng cả mắt, có những lúc cả tháng chỉ ăn rau rừng. Cốc cà phê khi ấy, là một sự xa xỉ rất lớn.
Đôi lúc, nửa đêm, chúng tôi nghe được cả tiếng lạo xạo trên là cây, mà đôi tai của thiếu tá Minh nói rằng đó là một con rắn nào đó chạy ngang. Anh không quét sạch lá dưới võng, để nếu có động tĩnh thảm lá khô sẽ có tiếng động.
Có lúc thì cả khu rừng động thật, đó là khi cơn mưa rừng ào tới giữa đêm. Những người lính bật dậy soi lại đồ đạc, dém lại tăng võng, thắt lại sợi dây cho chặt. Đầu võng của tôi rung rung, nhưng anh Minh nói không sợ. Lúc chăng võng, anh cẩn thận mắc một vòng dây qua cành cây cắm xuống đất. Anh nói như vậy nước chảy theo dây sẽ theo cành cây xuống đấy chứ không vào được võng chúng tôi.
"Công viên" giữa rừng sâu
Chư Mom Ray được đánh giá có tính đa dạng sinh học cao nhất trong hệ thống vườn quốc gia trên cả nước, và cũng là vườn quốc gia di sản ASEAN có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất.
Chỉ mới bước vào một góc nhỏ của Chư Mom Ray, nhưng đó đã là cả một thế giới khác. Chúng tôi đi từ những mảng đồi trơ khấc, chỉ có một cây bằng lăng núi cô đơn, tới những vạt cỏ gianh cao quá đầu người, rồi vào những mảng rừng xanh mướt, hay đứng dưới những tán cổ thụ vài người ôm dưới chân là thảm lá ẩm mục. Đào - một kiểm lâm già nói trong rừng này, hoa lan nhiều vô kể. Có cả một vương quốc lan sâu trong rừng, và ông bật mí cả về một khu rừng cây bằng lăng - loại bằng lăng lông cho hoa tím mỗi mùa hè - ở trên đỉnh núi.
"Thế gian làm gì có đường, người ta đi mãi mà thành đường thôi". Đường rừng cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Con đường mòn kéo dài, vệt bánh xe máy đã khoét thành một rãnh sâu, mấp mô. Con đường này vào mùa mưa đất sẽ keo đặc lại, còn mùa khô chỉ sau một trận gió là cây sẽ ào đến phủ lối. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng qua lại vệt đường đó. Có khi để chuyển hướng lên một ngọn đồi.
Thượng úy Trần Khắc Hải bảo nắng cháy, đường toàn lá khô thế này rất khó để đi xe máy vì trơn trượt. Chiếc xe Dream đã cũ, anh chỉnh sửa rất nhiều lần để có thể đi ở địa hình đặc biệt trong rừng. Chỉ độ vài cây số, nhưng mỗi ngày từ trung tâm thị trấn Sa Thầy tới khu vực hạ trại, anh Hải bảo tính xông xênh thì độ hai tiếng: "Đi về xong thì không cần tập gym, vì tay nó lên chuột hết rồi". Hải nhiều lần đi con đường này, trong nhiều năm cùng những CCB lên dãy núi này tìm đồng đội. Mỗi ngày anh đều chạy xe mang đồ tiếp tế cho cả đoàn, mang theo những cục pin dự phòng để mọi người có đèn soi ban đêm. Có lần anh đổi cái xe máy mới, thay cho cái xe đã quá cũ, nhưng được vài hôm thì lại đi tìm người mua để xin lại chiếc xe. Vì chỉ có nó, cái xe mất hết yếm, chằng chịt vết xước mới yên tâm vượt rừng với cục đá đằng trước xe mà thôi.
(Còn nữa)
Theo Mai Nguyễn (Dân Việt)