Sa Pa - Lần hẹn đầu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ/ Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương/ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên). Đi rồi mới thấy không phải ngẫu nhiên mà Chế Lan Viên dành tình cảm cho quê hương đất nước nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng bằng những vần thơ sâu lắng, đong đầy cảm xúc như vậy.
 

Vẻ đẹp của Sa Pa trong sương mờ.
Vẻ đẹp của Sa Pa trong sương mờ.

Tây Bắc của hai đứa tôi, sinh viên vừa tốt nghiệp tự thưởng cho mình chuyến đi để trải nghiệm, để thấy Việt Nam còn đẹp lắm- đó là những ruộng bậc thang đẫm mình trong sương sớm, là những nụ cười hồn nhiên, chân chất của con người nơi đây - Sa Pa. Một Sa Pa hiền hòa, khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của mẹ thiên nhiên.

5 giờ sáng khi cảnh vật vẫn bị sương mù bao phủ làm trắng xóa cả một vùng, chúng tôi đã có mặt tại nhà thờ Đá, cùng theo chân anh hướng dẫn viên bắt đầu khám phá Sa Pa bằng chuyến đi bộ đường dài 20 km trong một ngày. Bạn bè ai cũng nghĩ hai đứa bị "hâm dở" hoặc nghi ngờ về sức khỏe không đủ tốt để đi du lịch theo kiểu này. Nhưng không, hai chúng tôi đã làm được. Một Lao Chải, một Tả Van, một Mường Hoa hiện ra trước mắt với những ruộng lúa xanh rờn bên núi đồi trập trùng, cùng chùm tia nắng vàng vọt xuyên qua những áng mây trắng lượn lờ trên sườn núi đúng kiểu “thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.

 

Vẻ đẹp ruộng bậc thang Sa Pa.
Vẻ đẹp ruộng bậc thang Sa Pa.

Trung tâm thị trấn là nơi tập trung hàng quán cà phê, khách sạn, nhà hàng các kiểu, huyên náo tiếng chuyện trò của khách du lịch khắp nơi đổ về. Cách thị trấn Sa Pa khoảng chục cây số, bên kia sườn đồi là những ngôi nhà lụp xụp, chừng vài ba gian nằm gọn giữa núi rừng Tây Bắc đại ngàn.

Đằng trước nhà là một đám trẻ nhỏ người Dao đỏ chân không, mặt lấm lem đất cát cùng chơi đùa, thỉnh thoảng vẫy tay “Hello”, “Hi” khi gặp khách du lịch. Đoàn chúng tôi đi qua một ngôi nhà, anh hướng dẫn viên chợt nán lại vài phút trò chuyện với một em gái nhỏ. Cô bé mỉm cười không trả lời, chỉ tiếp tục nhìn vào sách mải mê đọc tiếng Anh.

 

Hoa Sa Pa.
Hoa Sa Pa.

Ngắm vẻ đáng yêu của lẽ trẻ, tôi tự hỏi mình, không hiểu trẻ em nơi đây có đủ ăn no, mặc ấm và được sống đúng với lứa tuổi ‘búp non trên cành’? Đi được hơn mười cây số thì mặt trời cũng lên tới đỉnh đầu, chúng tôi nghỉ chân và dùng cơm tại một nhà hàng nhỏ không tên. Nhìn ra bậu cửa sổ có anh mèo già nheo nheo mắt đang nằm phơi nắng, dưới kia là cậu bé người H’Mông không hiểu tiếng Kinh nhưng lại có thể hỏi han tiếng Anh với đôi bạn người nước ngoài. Sa Pa bỗng dưng thật thú vị.

Khi những tia nắng vàng yếu ớt ngả dài trên ruộng lúa, những dải mây uể oải lướt thân mình qua mấy ngọn núi cũng là lúc chúng tôi cảm nhận được sự rã rời. Một bữa cơm giao lưu thân tình giữa trời đông của những con người tạm gác nơi đông đúc, khói bụi của thành thị để thả mình nơi núi rừng Sa Pa trong lành mà cũng đầy hoang dại thì đáng quý biết bao.

Trên là trời sao, dưới là cỏ mát, chúng tôi ngồi trên những tảng đá nhỏ quây quần bên đống lửa, chậm rãi thưởng thức món khoai lang nướng ngọt lịm. Nghe cặp vợ chồng Tây kể về cuộc hành trình 8 tháng ở Việt Nam, nghe anh chị người gốc Hà Nội thầm thì muốn dành thời gian bên nhau tận hưởng cuộc sống thế này nhiều hơn nữa. Tiếng róc rách của suối, tiếng râm ran của lũ côn trùng lúc này dường như cũng đang muốn ngân nga câu chuyện của chính mình.

 

Sa Pa từ trên cao.
Sa Pa từ trên cao.

Có lẽ những bản hòa ca của thiên nhiên nơi đây đã ru chúng tôi vào giấc ngủ say nồng. Khi đứa bạn nằm bên vẫn còn đang ngái ngủ thì tôi quyết định dậy sớm để ngắm bình minh. Tôi thở chầm chậm để hít thật sâu mùi của núi rừng nơi sương đêm còn vương lại trên những cành hoa dại. Sau bữa ăn sáng đơn giản, anh hướng dẫn viên đưa chúng tôi tiếp tục khám phá Sa Pa.

Anh nói: “Ở đây có nhiều hướng dẫn viên, thấy người dân tộc mời khách mua vòng tay, ví thổ cẩm… thì liền xua tay đuổi đi. Nhưng anh nghĩ dù sao họ cũng chỉ buôn bán, còn là người tạo nên nét đẹp của những ruộng nương, góp phần cho nét văn hóa Sa Pa thêm đặc sắc, nên chúng ta muốn mua ủng hộ thì có thể trả giá, được thì mua không được thì cũng không sao cả!". Thiết nghĩ, nếu người địa phương ở đây có cơ hội được phổ cập giáo dục đầy đủ, được đào tạo chuyên sâu các kỹ năng du lịch, ngoại ngữ… Họ có khả năng trở thành những hướng dẫn viên chuyên nghiệp, xuất sắc quảng bá về chính mảnh đất họ sinh ra. Nếu làm được điều đó thì còn gì bằng, nhấ là khi Sa Pa đang trở thành khu du lịch quốc gia?!

Sau khi thưởng thức món lẩu cá tầm, chúng tôi lang thang hàng giờ ở chợ đêm để chọn cho mình những thức quà của Sa Pa. Mười giờ đêm hai đứa leo lên xe trở về Hà Nội tiếp tục cuộc hành trình khám phá thủ đô yêu dấu.

Không có ngôn từ nào đủ hay cũng không có chiếc máy ảnh nào đủ xịn để tôi có thể kể hết cho bạn nghe, cho bạn nhìn thấy những vẻ đẹp bất tận hay những trải nghiệm đáng quý Sa Pa của chúng tôi. Nhưng hai đứa con của miền Nam sẽ vẫn nhớ về Sa Pa còn đượm hương lá thuốc pha nước tắm của người Dao, hình ảnh những cô gái người H’Mông, Tày, Dzáy với chiếc gùi trên lưng và miệng líu lo tiếng Anh tự hào về quê hương mình. Chúng tôi nhớ về nóc nhà Đông Dương Fansipan, với cả tứ đại đỉnh đèo Ô Quy Hồ lộng gió có hai mẹ con người dân tộc cùng những ống cơm lam bên bếp thịt nướng nóng hổi mưu sinh qua ngày.

Kỳ Vy/laodong

Có thể bạn quan tâm