Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Sách cho thiếu nhi: Nhiều khoảng trống cần lấp đầy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều loại hình thông tin, giải trí xuất hiện, sách đang có xu thế trở thành thứ yếu đối với bạn đọc nhỏ tuổi. Hơn nữa, khi nhắc tới những ấn phẩm dành cho lứa tuổi của mình, trẻ em chủ yếu chỉ nói tới truyện tranh nước ngoài.

Một trong những nguyên nhân khiến sách dành cho thiếu nhi của các tác giả Việt Nam trở nên “lép vế” hơn nằm ở chính bản thân sự chậm đổi mới của nó.

 

 

Những lối đi cũ mòn

Thị trường sách cho thiếu nhi ở Việt Nam chủ yếu bao gồm sách văn học và truyện tranh. Tuy nhiên, trong khoảng năm năm trở lại đây, ở mảng sách văn học thiếu nhi, những tác phẩm tạo được tiếng vang, để lại ấn tượng mạnh cho người đọc không nhiều, ngoại trừ một số tác phẩm gây "sốt" của Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần...

“Đó là một thực tế không khó để nhận ra. Mặc dù các tác giả Việt Nam đã có nhiều cố gắng tìm tòi nhưng những sáng tác hiện nay của họ vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các em, cả về mặt số lượng và chất lượng,” bà Lê Phương Liên, Phó trưởng ban Văn học Thiếu nhi-Hội Nhà văn Việt Nam nói.

Theo thống kê của Nhà xuất bản Kim Đồng, một trong những đơn vị đứng đầu trong việc cung cấp các loại sách dành cho thiếu niên nhi đồng, sách văn học thiếu nhi của các tác giả trong nước xuất bản mỗi năm chỉ chiếm khoảng 20% số lượng sách văn học thiếu nhi nói chung.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cũng cho hay, tỷ lệ "nội" ở đơn vị mình chiếm khoảng 20%-25% tổng số đầu sách hàng năm...

Bà Liên phân tích: “Việc trẻ em không tìm thấy sự hấp dẫn từ những sáng tác của các nhà văn Việt Nam cũng không phải là điều khó hiểu. Bởi các tác giả vẫn thường lặp lại những đề tài cũ mòn, những môtip, cách xây dựng nhân vật quen thuộc kiểu như câu chuyện cảm động về cô bé mới lớn phải luôn sống trong mâu thuẫn, giằng xé nội tâm về các mối quan hệ phức tạp trong gia đình,…”

Nhiều tác phẩm mới ra đời trong thời gian gần đây như “Tấm Cám" (Vũ Kim Dũng), “Trận chiến giữa rừng xanh” (Nguyễn Toàn Thắng),… thực tế cũng chỉ là sự khai thác lại những tích truyện dân gian cũ. Những tác phẩm này đều thiếu vắng hơi thở cuộc sống đương đại và những thủ pháp hiện đại, chưa phát huy cao độ đặc trưng ngôn ngữ của loại hình này.

Riêng với truyện tranh, thể loại vốn thu hút sự quan tâm chú ý rất lớn của bạn đọc nhí, các tác giả vẫn “đi về” trên những “cung đường xưa”. Các thể tài chủ yếu được khai thác vẫn là truyện dân gian, truyện lịch sử và truyện đồng thoại.

Những tác phẩm gây được tiếng vang vẫn là loạt truyện "Thần đồng đất Việt" hay seri truyện "Danh tác Việt Nam" - dự án chuyển thể sang truyện tranh những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt nam như "Chí Phèo", "Chị Dậu", "Chiếc lược ngà"...

“Đó là những lối mòn kịch bản mà truyện tranh Việt chưa thoát ra được. Thêm vào đó, sự kể tả, minh họa cho lời thoại của các họa sỹ còn khá đơn điệu. Điều đó dẫn đến thực tế là trẻ em Việt Nam vẫn thích truyện tranh nước ngoài hơn”, họa sỹ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Theo họa sỹ, có một thực tế không thể phủ nhận được là truyện tranh nước ngoài đáp ứng về ngôn ngữ hình ảnh tốt hơn truyện tranh Việt. “Lứa tuổi của các em thích khám phá những điều mới lạ, ấn tượng thị giác là điều rất quan trọng”, họa sỹ cho biết.

Thêm vào đó, nhiều tác giả khi sáng tác còn thiếu cảm xúc, ý tưởng lạ để làm cho câu chuyện của mình trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

Theo thống kê của Công ty cổ phần phát hành sách thành phố Hồ Chí Minh (với 60 nhà sách trong toàn quốc, được biết đến là hệ thống phát hành sách lớn nhất Việt Nam) từ tháng 5 trở lại đây, các sản phẩm truyện tranh nằm trong tốp 10 loại sách bán chạy nhất hoàn toàn là truyện tranh Nhật Bản, bao gồm: "Conan", "Shin-Cậu bé bút chì" và "Doreamon".

“Ở nhiều tác phẩm, các họa sỹ Việt Nam thể hiện dấu ấn của sự tiếp cận cách thức tạo dựng không gian, hình sắc,… của những nước có nền truyện tranh phát triển trên thế giới. Đó là một hướng đi đúng đắn và tín hiệu đáng mừng; bởi trên con đường hội nhập, chúng ta không thể không học hỏi. Tuy nhiên, họ vẫn chưa vượt qua được những hạn chế tồn tại lâu nay”, ông Đoàn cho biết thêm.

Lối đi nào cho sách thiếu nhi Việt Nam

Trên thực tế, “trong khi trẻ em vẫn luôn ‘khát’ sách” (theo lời bà Lê Phương Liên) thì lực lượng các nhà văn viết cho thiếu nhi và các họa sỹ vẽ cho thiếu nhi lại không nhiều.

“Các thế hệ trước đã làm xong phần việc của họ và bây giờ, cần tiếp tục có những thế hệ mới. Tuy nhiên, có một bước hẫng, một khoảng cách thế hệ mà chúng ta chưa bổ sung được”, họa sỹ Lương Xuân Đoàn nói.

Đồng tình với quan điểm đó, bà Phương Liên cho rằng: Nếu so với tên tuổi những tác giả viết cho thế hệ trước như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng,… ta có cảm giác thế hệ kế tiếp chưa làm được như thế hệ cha anh mình đã làm. Họ chưa có được những đóng góp cho mảng sách dành cho thiếu nhi được như thế hệ trước”.

“Phải làm sao để có được những tác phẩm như ‘Dế mèn phiêu lưu ký,’ 70 năm sau vẫn luôn tươi mới, hấp dẫn. Đó là điều mà bất cứ người cầm bút nào cũng cần suy nghĩ”, bà Liên trăn trở.

Trung tuần tháng 11 vừa qua, một cuộc trao đổi nghiệp vụ kéo dài hai ngày về kỹ năng sáng tác tiểu thuyết đồ họa (một phương pháp sáng tác truyện còn khá mới mẻ ở Việt Nam) đã được tổ chức tại Hà Nội. Điều đó cho thấy những nỗ lực của các tác giả Việt Nam trong việc từng bước tiếp cận những thành tựu hiện đại để tự làm mới mình.

“Những hoạt động như vậy cũng sẽ tạo ra được môi trường thuận lợi để các hoạt động sáng tác, sáng tạo của các tác giả phát triển, giúp họ vượt qua những hạn chế lâu nay, thu hút bạn đọc trở lại với sách "made in Vietnam". Chúng ta phải thay đổi từng ngày chứ đừng nói là từng năm”, họa sỹ Đoàn nói.

Không chỉ có vậy, theo ý kiến của bà Lê Phương Liên, “Chúng ta cũng cần có những cơ chế quản lý phù hợp, thúc đẩy đam mê sáng tạo của người cầm bút đồng thời đảm bảo cuộc sống cho các tác giả. Bởi nhiều nhà văn nói rằng, họ khó sống bằng nghề. Muốn sáng tạo, trước hết, họ cũng phải sống đã”!

Bàn về vấn đề định hướng kỹ năng đọc cho trẻ em, Tiến sỹ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh cho rằng: Người lớn cần hình thành cho trẻ em thói quen đọc sách, định hướng cho các em những kỹ năng đọc sách đúng; từ đó sẽ giúp các em yêu quý trở lại những cuốn sách, thúc đẩy được nhu cầu đọc của các em.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm