Phóng sự - Ký sự

Săn loài ong kịch độc: Tìm kiếm và phục kích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ong đất là loại ong kịch độc. Vết chích của loài ong này không chạy chữa kịp sẽ tím đen, khô quắt. Một đàn ong đất có thể hạ gục một con trâu lớn. Là loại ong ăn thịt, không hút nhụy hoa, luyện mật cho đời nhưng sức hấp dẫn của nhộng ong béo ngậy, được giá khiến thợ săn ong không sợ đương đầu...
 
Lù A Kiều đang tìm tổ ong đất
Chiếc lông gà trắng bí mật
Mùa săn ong đất diễn ra tùy theo vùng nhưng ở miền núi phía Bắc, thích hợp nhất vẫn là mùa thu. Bởi, ong đất thường xây tổ vào mùa xuân; đến mùa thu, trong tổ đã đầy những những nhộng ong béo ngậy - thứ mà các thợ săn ong cần tìm.
Qua giới thiệu của nhiều người dân địa phương, tôi làm quen với một tốp thợ săn ong đất có tiếng ở xóm Hạ Sơn, phường Minh Khai, TP Hà Giang. Trưởng nhóm là Lù Văn Hưng, người dân tộc Giáy, 40 tuổi. Hưng vốn sống ở một bản vùng cao của huyện Yên Minh, cũng thuộc tỉnh Hà Giang. Từ hơn 10 tuổi, Hưng đã theo chân cha và bậc đàn anh trong bản đi rừng, săn ong đất. Chuyển về ngoại thành TP Hà Giang sinh sống, bao quanh là núi, nhiều ong đất, nghề cũ chưa quên nên Hưng tổ chức một tốp săn ong đất, thành viên cũng là dân đồng rừng thiện nghệ hoạt động nhiều năm nay.
Theo lịch hẹn, tôi gia nhập nhóm của Hưng để thực hiện cuộc săn ong. Thử thách đầu tiên là tìm kiếm mục tiêu. Khác với các loài ong mật, hay ong Vò Vẽ làm tổ trên cây, tổ của ong đất nằm dưới lòng đất, không thể nhìn thấy được. Vì thế, ong đất có một tên khác là “thổ phong”. Nhưng đó không phải là vấn đề quá khó với dân chuyên nghiệp. Tổ ong có thể nằm kín dưới đất nhưng những con ong thợ phải đi kiếm mồi và việc của thợ săn ong là phát hiện và lần theo ong thợ để tìm về tổ ong.
 
Tổ ong đã lộ ra sau 1 giờ làm việc mệt nhọc
Sau khoảng 30 phút luồn rừng, phát hiện thấy vài con ong đất dập dờn trong bụi cây, nhóm của Hưng dừng lại, bắt đầu bài binh bố trận. Đoạn dây nhỏ màu trắng được lấy ra, một đầu cột con cào cào đã chết (có thể thay bằng chuồn chuồn, châu chấu...), đầu kia cột một chiếc lông gà màu trắng. Bộ công cụ này được gài hờ vào một cành cây khô và cắm ở vị trí cao.
Không phải đợi quá lâu, loại ong ăn thịt nhanh chóng ngửi thấy mùi tanh của con cào cào đã tử vong và lao đến. Là loài ong ăn thịt khỏe nên một con ong đất có thể cắp cả con mồi lớn bằng cơ thể mình bay về tổ. Lúc này, chiếc lông gà trắng được cột trong sợi chỉ cũng lập là bay theo. Và đây là lúc các thợ săn ong phải căng mắt, vừa chạy, vừa nhìn trên trời để về tổ ong. “Chạy theo, có khi ngã oành oạch, nhưng nguy hiểm nhất là chạy quá gần, ong xòe cánh, lao vào, đốt thẳng vào mặt lại càng nguy hiểm hơn” - Hưng kể.
Có những tổ ong ở gần thì việc bám đuổi không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, có những tổ ong đất ở xa, người săn ong phải chạy hơn 1 giờ để truy lùng. Cũng có lúc, người đi săn bám đuổi không kịp con ong dẫn đường, bị mất dấu, coi như mất cả ngày công. “Có những tổ ong đất, tôi từng phải mất cả tháng trời mới phát hiện ra- Hưng kể.
Cuộc “tập kích” về đêm
Phát hiện ra tổ ong nhưng không dễ “ăn” ngay mà phải chờ màn đêm buông xuống mới có thể hành sự. Lù A Kiều, thành viên trẻ nhất nhưng đã tỏ ra kinh nghiệm đáo để: “Ai chẳng muốn “xử” luôn ban ngày cho sáng sủa, gọn gàng, nhưng chưa trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, ong lại “tiu” cho. Bắt vào ban đêm, ong cũng khó tìm đường mà đốt” - Kiều nói.
Hôm đó, khi trời nhá nhem tối, Lù Văn Hưng, cùng với Lù A Kiều và Vàng A Dinh, Hoàng Văn Toản thêm tôi nữa luồn rừng bắt ong. Tiếng là chuẩn bị đồ nghề nhưng cũng không có gì ghê gớm lắm, chỉ gồm cuốc xẻng, mấy bó đuốc và cái chậu nhựa. Riêng tôi là thành viên mới nên được “ưu ái” trang bị thêm quần áo bảo hộ, còn các thành viên khác cũng chỉ áo quần bình thường, có anh còn mặc quần cộc.
 
Bộ dụng cụ để nhử và tìm đến tổ ong
Tổ ong nằm giữa lưng chừng núi. Cả đoàn phải mò mẫm từng bước, có khi phải bò. Một hồi lổm ngổm trong đêm, đoàn đi săn cũng đến được tổ ong. Việc đầu tiên của những tay thợ săn là phải tìm chính xác cửa chính và cửa thoát của tổ ong. Việc đầu tiên là bịt cửa thoát và bắt đầu “tác nghiệp” ở cửa chính.
Lù Văn Hưng và Vàng A Dinh cẩn thận lấy cuốc, xẻng tỉa từng thửa đất ở cửa chính lên. Đang cặm cụi đào đất, Hưng bất ngờ dừng lại, ra tín hiệu. Cả đoàn vội tắt đèn pin và ngừng trao đổi. Màn đêm tối mịt, côn trùng râm ran. “Đàn ong đất đánh hơi thấy nguy hiểm, bởi vậy, mọi người cố gắng không phát ra tiếng động để chúng không chú ý. Lúc này, việc đào đất phải hết sức nhẹ nhàng và cẩn thận, tránh kích động đàn ong. Chẳng may đàn ong biết có người mà bay ra khỏi tổ, thì anh phải tắt ngay đèn pin và giữ im lặng để tránh bị ong tấn công” - Lù A Kiều rỉ tai.
Một lúc sau, khi thấy an toàn, mọi người lại tiếp tục quay trở lại công việc. Anh Hưng đào sâu xuống đất khoảng nửa mét, tổ ong đất dần hiện ra. Ngay lúc này, anh Hoàng Văn Toản và Lù A Kiều châm đuốc, để đuốc sát ngay miệng hang. Khói từ bó đuốc sộc vào trong tổ làm ong ngất đi. Anh Hưng và Dinh đào đến đâu, anh Toản gí sát bó đuốc đến đó.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau, tổ ong đất to bằng hai bàn tay dần hiện lên. Ong chúa và đàn ong thợ bị ngạt khói, lăn quay trong tổ. Vàng A Dinh từ từ đưa tay cầm tổ ong lên, rồi cẩn thận đặt vào chậu nhựa. Cầm trên tay tổ ong với những con nhộng màu trắng đục, béo, nhung nhúc, anh Dinh cho biết: “Khói sẽ làm ong chúa bị ngạt và ngất đi, nhưng sau đó, chúng sẽ tỉnh lại và đi làm tổ ở một nơi khác”.
Đồng hồ đã chỉ quá nửa đêm, đoàn thợ săn ong đất nghỉ ngơi một lát, rồi lại men theo các lối mòn để đến tổ ong tiếp theo.
Ong đất, còn gọi là “ong bắp cày”, “thổ phong”, “mã phong” có tên khoa học là  Discolia vittifronts Sch. Loài ong này hay làm tổ dưới đất nên thường gọi là “ong đất”. Tuy nhiên, nó còn có thể làm tổ trong thân cây mục. Thân ong có màu nâu đen, nên một số người còn gọi là “ong đen”. 
Nguyễn Thắng (TP) (Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm