Phóng sự - Ký sự

Săn lùng các đội tàu sát thủ đại dương - Kỳ 3: Chiêu 'hồn Trương Ba, da hàng thịt'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuối tháng 5-2020, Hội đồng Ngư dân đánh bắt bằng thuyền quốc gia Ghana (GNCFC) đã gửi thư ngỏ cho Ủy ban Thủy sản Ghana phản đối ba tàu cá Trung Quốc Yu Feng 1, Yu Feng 3 và Yu Feng 4 mới cập cảng Tema và đang chờ Ủy ban Thủy sản cấp giấy phép
Cá đông lạnh đóng thành khối bán ở cảng Elmina (Ghana). Đây là cá do tàu đánh bắt công nghiệp Trung Quốc tận thu trên vùng biển Ghana - Ảnh: EJF
Cá đông lạnh đóng thành khối bán ở cảng Elmina (Ghana). Đây là cá do tàu đánh bắt công nghiệp Trung Quốc tận thu trên vùng biển Ghana - Ảnh: EJF
Thư ngỏ nhấn mạnh việc cấp phép mới cho tàu cá Trung Quốc sẽ phá vỡ kế hoạch quản lý nghề cá và làm trái quy định của chính phủ năm 2012 về cấp phép đánh bắt cho tàu cá mới.
Tây Phi là khu vực duy nhất trên thế giới có sản lượng tiêu thụ thủy sản giảm do có quá nhiều tàu cá đánh bắt bất hợp pháp.
Tiến sĩ IBRAHIMA CISSÉ làm việc cho Greenpeace
Núp bóng Công ty Ghana
Quỹ Công lý môi trường của Anh (EJF) đánh giá sản lượng khai thác cá ở Ghana đã giảm đến 20% trong 20 năm qua. Nguyên nhân chính do cách khai thác "saiko". 
Các tàu lưới kéo công nghiệp Trung Quốc tận thu các loài cá mà ngư dân Ghana thường đánh bắt thủ công như cá mòi, cá đù rồi cấp đông và bán cho tiểu thương địa phương. Cách đánh bắt này được gọi là "saiko".
Trong báo cáo đầu tiên về "saiko" ở Ghana được công bố hồi tháng 6-2019, EJF ghi nhận gần 100.000 tấn cá được đánh bắt theo kiểu "saiko" trong năm 2017 ở Ghana, chiếm 40% sản lượng cá đưa về cảng. 
Theo tính toán, nếu 100 tấn cá được đánh bắt bằng ghe máy truyền thống mang lại việc làm cho 60 ngư dân Ghana thì đánh bắt "saiko" chỉ giải quyết được 1,5 lao động.
Ngư dân Kofi Nkrumah ở Elmina làm quần quật suốt tuần chỉ bắt số cá đủ chi tiêu trong hai ngày. Trong khi đó, một tàu cá Trung Quốc có thể thu hoạch 26 tấn cá mỗi ngày, tương đương 400 lượt đi biển của Nkrumah. 
Hậu quả nhãn tiền là tiền chui vào túi các công ty thủy sản Trung Quốc và an ninh lương thực bị đe dọa vì hầu hết cá đánh bắt đều là cá nhỏ.
Ông Steve Trent, giám đốc điều hành EJF, phân tích: "Tàu lưới kéo Trung Quốc kiếm hàng triệu USD bằng cách đánh bắt bất hợp pháp hơn 50% sản lượng đánh bắt công nghiệp ở Ghana. Đánh bắt "saiko" khiến nguồn cá dự trữ của Ghana sụp đổ và mang lại nghèo đói cho dân".
Trong chuyến khảo sát kéo dài hai tháng trong năm 2017, nhiều lần tàu Esperanza của Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace cùng đại diện bốn nước Tây Phi (Senegal, Guinea, Sierra Leone và Guinea-Bissau) đã băng qua hàng ngàn xác cá chết nổi trên mặt nước. Đó là số cá bị tàu cá Trung Quốc vất đi để đánh bắt cá có giá trị hơn. 
Ngư dân Ghana đã đi ghe máy đến thu gom số cá còn ăn được, đặc biệt là cá đù. Thái độ vồ vập của ngư dân tương phản hoàn toàn với hành động phung phí của tàu cá Trung Quốc. Chuyến khảo sát ghi nhận có hơn 50% số tàu bị phát hiện đánh bắt bất hợp pháp là tàu Trung Quốc...
Ghana cấm đánh bắt "saiko" nhưng trên thực tế "saiko" vẫn tồn tại do các công ty thủy sản Trung Quốc sử dụng chiêu "hồn Trương Ba, da hàng thịt". 
Tương tự các nước châu Phi khác, pháp luật Ghana bắt buộc tàu đánh bắt công nghiệp phải do công dân Ghana sở hữu, quản lý và cấm doanh nghiệp Ghana liên doanh với nước ngoài trong khai thác thủy sản công nghiệp. 
Để đối phó, các công ty Trung Quốc bèn "lót tay" nhờ công ty Ghana đứng tên giấy tờ. Theo EJF, hơn 90% tàu cá có giấy phép ở Ghana đều là tàu do người Trung Quốc núp bóng.
Tháng 2-2019, tàu cá Trung Quốc Meng Xin 29 bị bắt quả tang đang... đổ số lượng lớn cá con xuống biển! Bốn tàu cá Meng Xin 2, Meng Xin 5, Meng Xin 16 và Meng Xin 29 liên tục bị xử phạt vì đánh bắt bất hợp pháp. 
Theo điều tra của nhà báo Anh Mona Samari công bố vào tháng 9-2019, các tàu vi phạm kể trên đều là tàu của Công ty Dalian Mengxin Ocean Fisheries ở Trung Quốc nhưng giấy phép do công ty của Ghana đứng tên. Công ty Ghana chỉ là bình phong vì đăng ký địa chỉ hộp thư chứ không có trụ sở cụ thể.
Dalian Mengxin Ocean Fisheries có 17 tàu ở Ghana và 5 tàu ở Sierra Leone. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, công ty này sở hữu 35 tàu, nằm trong danh sách các doanh nghiệp thủy sản đánh bắt xa bờ được hưởng trợ cấp ưu đãi về đóng tàu, nhiên liệu, thuế.
Cảnh lựa cá đổ bỏ trên tàu Bo Yuan của Trung Quốc. Ảnh do nhà nhiếp ảnh Pháp Pierre Gleizes chụp ở Tây Phi năm 2017, được triển lãm ở Paris vào tháng 9-2019
Cảnh lựa cá đổ bỏ trên tàu Bo Yuan của Trung Quốc. Ảnh do nhà nhiếp ảnh Pháp Pierre Gleizes chụp ở Tây Phi năm 2017, được triển lãm ở Paris vào tháng 9-2019
Vì sao nguồn cá Tây Phi cạn kiệt?
Theo đánh giá của trung tâm dữ liệu FishSpektrum ở Tây Ban Nha (nền tảng dùng để nhận dạng tàu cá), Trung Quốc có khoảng 600 tàu cá đánh bắt dọc Tây Phi và hơn 70% số tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở châu Phi đang thả neo tại Tây Phi. 
Từ bờ biển Mauritania, ban đêm có thể nhìn thấy nhiều tàu giã cào sáng đèn suốt đêm.
Chuyên gia về tội phạm môi trường xuyên quốc gia Peter Stoett ở Đại học Công nghệ Ontario (Canada) nhận xét: "Đánh bắt bất hợp pháp ở Tây Phi là một trong những đặc điểm khét tiếng nhất của tội phạm môi trường hiện nay. Khét tiếng vì có nước ngoài tham gia và liên quan đến nhiều lĩnh vực".
Ông Duncan Copeland - giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Trygg Mat Tracking của Na Uy (chuyên cung cấp thông tin nghề cá) - mô tả các đội tàu Trung Quốc được chế tạo như "cắt bằng dao bếp", nghĩa là giống nhau như tạc. 
Tàu nào cũng có cùng kích thước, cùng cấu trúc, cùng ngư cụ, cùng nước sơn, tên tàu cũng giống nhau, chỉ khác con số như Meng Xin 2, Meng Xin 5. 
Ông nhận xét: "Đây là nguy cơ lớn để đánh tráo thông tin nhận dạng tàu, hợp thức hóa sản lượng cá đánh bắt bất hợp pháp và gian lận giấy tờ".
Năm tàu Meng Xin 18, 19, 20, 23 và 24 của Công ty Dalian Mengxin Ocean Fisheries đánh bắt ở Sierra Leone đã từng bị phạt 90.000 USD do không gửi báo cáo đánh bắt hằng ngày, đánh bắt trong vùng biển cấm, sử dụng ngư cụ trái quy định và đánh bắt trong vùng biển của ngư dân truyền thống.
Liberia có bờ biển dài nhất Tây Phi. Từ tháng 2-2017, quân đội Liberia bắt đầu hợp tác với Tổ chức bảo tồn đại dương Sea Shepherd (Mỹ) tuần tra trên biển. 
Thiếu tướng tham mưu trưởng Prince Johnson nhận xét: "Phần lớn tàu bị bắt vì khai thác bất hợp pháp là tàu Trung Quốc hoặc tàu châu Á". Các đội tàu Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt với tàu của Hàn Quốc, Nhật, châu Âu, Nga do nguồn cá ngày càng khan hiếm.
Ngoài vấn đề đánh bắt bất hợp pháp còn có vấn đề đánh bắt quá hạn ngạch theo thỏa thuận ngầm giữa các quốc gia châu Phi ven biển với chủ tàu cũng như theo các hiệp định đối tác nghề cá bền vững (SFPA) giữa Liên minh châu Âu với một số nước châu Phi. 
Thay vì xây dựng đội tàu đánh cá công nghiệp riêng, hầu hết các nước châu Phi ven biển lại thích nhượng quyền khai thác để đổi lấy hỗ trợ kỹ thuật và tài chính. Một dải đánh bắt được chuyển nhượng có thể kéo dài tới 370km.
Tổ chức Lương-nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính bán quyền khai thác đã mang về 400 triệu USD mỗi năm nhưng nếu các nước châu Phi trực tiếp khai thác có thể thu được 3,3 tỉ USD, tức cao hơn gấp 10 lần.
Tháng 2-2020, một tài liệu nghiên cứu với tiêu đề Đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và các chương trình phối hợp do Nhóm làm việc cấp cao về kinh tế đại dương bền vững đặt hàng đã được giới thiệu tại hội nghị Liên minh châu Phi.
Nghiên cứu đánh giá đánh bắt IUU là cửa ngõ dẫn đến nhiều tội phạm khác bao gồm buôn lậu, gian lận, vi phạm lao động và nhân quyền.
Nghiên cứu ghi nhận tài nguyên biển được mua bán bất hợp pháp đã gây thiệt hại về thu nhập cho các hộ gia đình ở Tây Phi 593 triệu USD mỗi năm.
Trên thế giới có năm nền kinh tế chiếm 90% hoạt động đánh bắt xa bờ. Trung Quốc có đội tàu lớn nhất nhưng sai phạm nhiều nhất nên đứng hạng chót trong bảng xếp hạng chỉ số đánh bắt IUU.
Kỳ tới: Tận diệt thủy sản giữa biển khơi
Theo HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm