Săn mây ở 3.046 m

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chẳng dám nói đến niềm vinh quang như cách ví von trong bài hát Đường đến vinh quang của nhạc sĩ Trần Lập, rằng “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi/Để ta khắc tên mình trên đời…”, nhưng cảm giác chinh phục một đỉnh núi và săn được mây theo cách nói của các “phượt thủ” hay người leo núi (trekker) luôn luôn tuyệt vời đối với những ai vừa vượt qua vô vàn thách thức trong hành trình đi, leo, lội, thậm chí là bò. Cũng tuyệt vời không kém khi chúng ta được ngắm nhìn sự hùng vĩ của núi rừng Việt Nam, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số hiền lành, chân chất và cách làm du lịch mạo hiểm của họ.
 
Biển mây trên đỉnh Ky Quan San ở độ cao 3.046 m.
Biển mây trên đỉnh Ky Quan San ở độ cao 3.046 m.
Chinh phục độ cao
Đỉnh cao nhất của dãy Ky Quan San  (Lào Cai) - người Pháp ghi tên núi trên bản đồ là Ky Kouân Chan, còn khách du lịch gọi là Bạch Mộc Lương Tử - có độ cao 3.046 m và được xem là đỉnh núi cao thứ tư tại Việt Nam, sau Phan Xi Păng (3.143 m) cũng ở Lào Cai, Pu Si Lung (3.083 m) và Pu Ta Leng (3.049 m) đều ở Lai Châu. So với những đỉnh đã được nhiều trekker chinh phục như Lảo Thẩn (Lào Cai), Tả Liên Sơn (Lai Châu), Nhìu Cồ San (Lai Châu - Lào Cai), Tà Xùa, Lùng Cúng, Tà Chì Nhù (Yên Bái), Ky Quan San được đánh giá là địa hình hiểm trở, khó leo và hành trình dài, khoảng 30 km cả đi và về trong ít nhất ba ngày, hai đêm so với trung bình hai ngày, một đêm ở cung đường khác. Cũng vì thế mà phải chờ đến khi mùa mưa bão ở Tây Bắc giảm bớt, khi thời tiết bắt đầu hanh khô kể từ tháng 9 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, chúng tôi mới quyết định chọn Ky Quan San để thử sức.
Do đường lên đỉnh từ phía huyện Phong Thổ (Lai Châu) được đánh giá là rất khó khăn, việc di chuyển từ phía Lào Cai có vẻ hợp lý hơn. Vậy là chúng tôi bắt đầu hành trình dài 300 km từ Hà Nội lên TP Lào Cai trong đêm, rồi nghỉ lại ở đó đến sáng hôm sau, và có mặt ở xã Sàng Ma Sáo của huyện Bát Xát sau quãng đường khoảng 50 km. Từ UBND xã Sàng Ma Sáo, cậu porter (người khuân vác) người bản Nậm Pẻn 2 là Phàng A Nhè dẫn tất cả đi khoảng 3 km nữa, qua các con dốc cao nằm uốn lượn giữa mênh mông những ruộng bậc thang để tới thẳng chân núi. Chúng tôi gửi xe ở đó, gặp cậu porter thứ hai là A Khoa và bắt đầu hành trình leo núi của mình, trong một tâm trạng vừa háo hức vừa lo âu vì những gì sắp phải trải qua.
Quả thực, khoảng 800 m leo đầu tiên gần như đã đánh gục mọi quyết tâm của chúng tôi, khi những chiếc ba lô nặng khiến tất cả phải thở nặng nhọc vì chưa quen địa hình trơn trượt và dốc sau cơn mưa một ngày trước. Và chẳng cần chờ ba chúng tôi than vãn xong, A Nhè cho biết, con dốc cao này vốn được gọi là “dốc bỏ cuộc” vì đã có không ít người rút lui ngay khi mới tới đây. Ngược lại, nếu đã qua được con dốc, thử thách đầu tiên sẽ không làm nản lòng những ai quyết tâm đặt chân lên mốc 3.046 m và vượt qua con dốc “tuyệt vọng” còn khó khăn hơn thế.
 
Bữa trưa ngay trên đường leo núi của đoàn (ảnh trên).
Bữa trưa ngay trên đường leo núi của đoàn (ảnh trên).
Tuy nhiên, khi quyết định chọn Ky Quan San, chúng tôi cũng đã chấp nhận hành trình đi, leo 30 km trong ba ngày, hai đêm với một điểm dừng nghỉ duy nhất ở độ cao 2.100 m. Vấn đề đồ ăn, nước uống và quần áo sẽ rất quan trọng bởi không thể chất cả ba chiếc ba-lô lên hai chiếc gùi của A Nhè và A Khoa khi họ còn phải mang lương thực của năm người trong ba ngày. Vậy là ba chúng tôi phải sắp xếp đồ đạc lại một lần nữa, chỉ mang những vật dụng thiết yếu như nước uống, lương khô, kẹo ngậm, sô-cô-la, quần áo, thuốc men, găng tay và đèn sạc rồi cho tất cả vào một ba-lô. Quyết định này về sau cho thấy chúng tôi đã hành động đúng bởi rất khó để di chuyển trong 10 km lên lán nghỉ, vượt qua nhiều con dốc đứng với một chiếc ba-lô trên lưng. Đành rằng với những trekker thực thụ hay với các porter, điều đó quá đơn giản nhưng với khách du lịch hay cụ thể là với chúng tôi, nếu vì trọng lượng chiếc ba-lô mà làm chậm hành trình, chúng tôi cũng đâu còn thời gian trải nghiệm, quan sát chung quanh, ghi lại những hình ảnh đẹp đến khó tin của khu rừng tre, vầu, từng cây cổ thụ, những dòng suối, thác nước như dải lụa mềm mại mầu trắng nổi lên giữa rừng xanh. 
Trải nghiệm khó quên
Gây ấn tượng hơn cả với chúng tôi trong suốt cung đường là những cây cổ thụ lộ rõ vẻ khắc nghiệt của thiên nhiên, khi nhiều cành mọc cong queo như rồng như rắn, cố vươn ra phía có ánh sáng mặt trời, còn thân thì đầy rêu bám, nhìn rất ma mị như mô tả trong bộ truyện siêu thực Harry Potter. Thực ra thì những thảm rêu mọc khắp nơi đã tạo nên một hình ảnh quen thuộc của những khu rừng nguyên sinh, và sờ vào chúng rất êm, khiến người ta không thể không nhớ đến những câu thơ trong bài Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi, như: “Côn Sơn có đá rêu phơi/Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm”. Vì vậy mà khu rừng cổ thụ luôn có vẻ huyền ảo, lạnh lẽo với những rêu xanh bám đầy cây, cành trong sương mù nhưng lại rất rực rỡ khi có ánh mặt trời chiếu vào bởi trông thân cây như được dát một lớp áo khoác mới lấp lánh sương. 
Dĩ nhiên, cứ mải mê ngắm nhìn rừng cổ thụ, rừng trúc, nơi chỉ có tiếng lá xào xạc trong không gian yên tĩnh và gợi lại hình ảnh Lý Mộ Bạch giao đấu với Ngọc Kiều Long ở khu rừng tre trong bộ phim Ngọa hổ tàng long hay chỉ đơn giản ngồi trên vách đá ở sống lưng khủng long ngắm mây lững lờ trôi, hít thở không khí trong trẻo của núi rừng, nhâm nhi cảm giác của tự do, tự tại, chúng tôi sẽ chẳng kịp đến lán nghỉ trước trời tối hay lên đỉnh và lại xuống lán nghỉ ngay trong ngày. Thật may là tất cả vẫn duy trì thể lực và nhịp bước để theo kịp hai porter của mình. Và may hơn nữa là trong một hành trình như thế này, chúng tôi có những porter như vậy đồng hành, hỗ trợ bởi ẩn dưới vóc dáng nhỏ bé của A Nhè (sinh năm 1996) và A Khoa (sinh năm 1999) là sức khỏe phi thường. Họ có thể mang trên vai chiếc gùi nặng từ 40 đến 50 kg mà vẫn đi băng băng, leo dốc đá như những chú dê núi và không hề thở dốc. Tuyệt vời không kém là họ cũng chuẩn bị đồ ăn rất ngon, lo lắng, quan tâm đến từng vấn đề mà chúng tôi băn khoăn. Nhờ đó, sau sáu giờ, chúng tôi đã kịp lên trạm dừng chân ở độ cao 2.100 m để nghỉ ngơi qua đêm và không phải mò mẫm đi trong ánh đèn sạc gắn trên đầu; được trải nghiệm bữa tối giữa không gian thanh vắng dưới bầu trời đầy sao; được ngắm bình minh trên núi Muối và chạm tay vào biển mây trên đỉnh Ky Quan San cao 3.046 m.
Nên nói thêm là không phải phượt thủ hay trekker nào cũng có thể săn mây thành công như vậy bởi đã gọi là “săn mây” đồng nghĩa mây chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian nhất định vì sau đó sẽ là màn sương mù dày đặc phủ kín tất cả. Vì thế, khoảnh khắc hiếm hoi thay đổi bất thường theo thời tiết này luôn được các phượt thủ hay trekker săn đón ở những địa điểm săn mây nổi tiếng  vùng Tây Bắc, như Mù Cang Chải, Tà Xùa (Yên Bái), Y Tý, Hầu Thào, đỉnh Phan Xi Păng, Ky Quan San… Chúng tôi lựa chọn Ky Quan San không chỉ vì dãy núi nằm giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu được các phượt thủ ví là “đại dương mây trắng” hay “thiên đường trên mặt đất” mà còn vì để săn mây, chúng tôi sẽ phải vượt qua nhiều thử thách ở những địa hình khác nhau như rừng tre, vầu; rừng trúc; rừng cổ thụ hay những vách đá cheo leo phủ đầy rêu xanh…
Rõ ràng, chuyến đi bộ, leo trèo 30 km này không phải là cuộc hành xác như suy nghĩ của nhiều người mà là dịp cho những ai muốn đối mặt với thử thách để biết được ngưỡng chịu đựng của bản thân, khám phá tiềm năng nội tại, học hỏi các kỹ năng sinh tồn, kỹ năng di chuyển và trên hết là tận hưởng vẻ đẹp nguyên sơ, sự hùng vĩ của núi rừng, thiên nhiên. Và như lời ca của nghệ sĩ Đen Vâu trong bài hát Đi theo bóng mặt trời thì “Chỉ là ai cũng có những ngày trẻ/Rồi thì cũng sẽ già nua/Những ngày mà chân chưa mỏi/Có tiền cũng khó mà mua...”.
Phát triển du lịch cộng đồng
Không rõ loại hình trekking hay hành trình bằng đường bộ, đi bộ leo núi nhiều ngày có ở Việt Nam từ bao giờ nhưng ở Ky Quan San, khoảng năm 2015 bắt đầu có người leo sau khi có thông tin về dự án xây dựng tuyến cáp treo Phan Xi Păng. Đây là thông tin được A Nhè chia sẻ và điều thú vị là chàng trai từng tốt nghiệp Trường cao đẳng nghề Lào Cai này chính là con rể của Thào A Tủa, sinh năm 1983, một trong những porter đầu tiên của dãy Ky Quan San. Trong khi đó, porter đi cùng A Khoa, người bản Ky Quan San, lại là em rể của A Nhè.
Vào thời điểm chúng tôi từ trên lán nghỉ đi xuống thì A Tủa đang dẫn một đoàn khách đi lên và sẽ xuống theo hướng Lai Châu. Mặc dù không gặp được anh nhưng theo lời người con rể, từ năm 2015, A Tủa và một số porter khác như Sòng A Trư, Tráng A Tủa… đã dựng một lán trại ở độ cao 2.100 m làm chỗ ăn nghỉ cho  trekker, trước khi một lán nghỉ khác quy mô hơn được dựng trên đỉnh núi Muối cách đó không xa. Do họ được xem như những người đi tiên phong trong làm du lịch mạo hiểm ở Ky Quan San, bất cứ ai muốn leo núi đều thường liên hệ đặt tua với các porter này. Nếu ít khách, họ sẽ trực tiếp dẫn đi; nếu đoàn đông, họ sẽ chia sẻ công việc với những người trong gia đình và trong bản. Cách làm này giống như loại hình du lịch cộng đồng đang phổ biến hiện nay, khi cư dân bản địa là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch, cũng chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra. 
Cũng vì thế mà những porter ở Ky Quan San nói riêng hay những porter nói chung hiện nay ở các cung leo núi khác không chỉ là người gùi đồ đơn thuần như trước. Đối với chúng tôi, A Nhè và A Khoa giống như những hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho các trekker địa điểm tham quan, trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa với nhiều sinh hoạt đời thường và các món ăn dân dã đậm chất địa phương. Họ biết sử dụng máy ảnh, điện thoại để chụp ảnh cho khách; biết lập Facebook để chia sẻ hình ảnh các chuyến đi. Và họ cũng rất biết cách gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, các di sản thiên nhiên tại địa phương, trong đó dễ thấy nhất là ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng trên mỗi con đường chúng tôi đi qua. Đổi lại, thu nhập từ du lịch được họ trích một phần để xây dựng, sửa sang lán trại hoặc được dành để bảo vệ môi trường, cũng như giúp họ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao cuộc sống bên cạnh việc làm ruộng, trồng cây hay chăn nuôi. Theo A Nhè, vào mùa leo núi, thu nhập của anh dao động trong khoảng sáu triệu đồng/tháng, một con số khá cao so với mức sinh hoạt của người dân bản Nậm Pẻn 2 nơi anh sinh sống.
Tuy nhiên, để mô hình du lịch mạo hiểm phát triển hơn nữa ở Ky Quan San, nhất là về khía cạnh dịch vụ, người dân các bản của xã Sàng Ma Sáo rất cần có sự giúp đỡ của chính quyền trong việc hướng dẫn, tập huấn họ thực hiện các loại hình kinh doanh, phục vụ và bảo hiểm. Đi liền với đó là  sự hài hòa, cân bằng giữa khai thác du lịch và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái theo hướng bền vững.
Mặc dù vậy thì đối với nhiều trekker như chúng tôi, vẻ nguyên sơ của Ky Quan San là quá đủ hấp dẫn với tất cả vì chẳng ở đâu, chúng tôi được chìm đắm giữa thiên nhiên bao la, giữa mầu xanh ngút ngàn của cây lá, mắt thì nhìn ra không gian rộng lớn, chân bước qua các dạng địa hình, tai lắng nghe sự tĩnh lặng của rừng già và tâm hồn thanh thản như mây, như gió. Trải nghiệm ấy khiến chúng tôi quên mất cảm giác đau nhức, mỏi nhừ toàn thân khi rời Ky Quan San, chỉ còn đọng lại trong lòng tất cả sự thôi thúc, háo hức về một hành trình mới trong thời gian rất gần ở Pu Ta Leng. Hoặc cũng có thể là Pu Si Lung hay Tả Liên Sơn.
Bài và ảnh: MẠNH HÀO (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm