Sẵn sàng cho hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau 2 lần tổ chức thành công, hội đua thuyền độc mộc và liên hoan văn hóa cồng chiêng đã trở thành sản phẩm văn hóa-du lịch đặc trưng của huyện biên giới Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội lần thứ III (diễn ra từ ngày 4 đến 6-11) đã sẵn sàng.

Chu đáo, an toàn

Thông tin về chương trình, ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức-cho biết: Lễ hội sẽ diễn ra với rất nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn. Theo đó, sau chương trình văn nghệ quần chúng vào tối 4-11, lễ khai mạc diễn ra vào sáng 5-11 tại bãi bồi làng Dăng, xã Ia O. Cùng với hội đua thuyền độc mộc (vòng loại), người dân và du khách còn được tham gia liên hoan văn hóa cồng chiêng, chứng kiến phần thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, thi nhảy dân vũ. Chương trình kết thúc vào ngày 6-11 sau phần chung kết, trao giải đua thuyền cùng các nội dung phụ trợ.

Hội đua thuyền năm nay thu hút 30 đội đăng ký tham gia (năm 2020 có 16 đội). Ngoài ra, tất cả 13 xã trong huyện đều góp mặt tại liên hoan văn hóa cồng chiêng, thi tạc tượng gỗ dân gian; 20 đội thi dân vũ. Ban tổ chức còn khai trương gian hàng hội chợ nông sản địa phương với nhiều sản phẩm đa dạng đặc trưng, sản phẩm OCOP cùng nhiều gian hàng ẩm thực để phục vụ du khách. Nét mới của lễ hội năm nay là sự có mặt của một số địa phương lân cận như huyện Đức Cơ và Ia HDrai (tỉnh Kon Tum). Dự kiến có khoảng 13.000 lượt khách du lịch đến với lễ hội, tăng 3.000 lượt so với năm đầu tiên tổ chức.  

 Lãnh đạo huyện Ia Grai kiểm tra độ bền chắc của thuyền độc mộc trước khi bắt đầu hội đua. Ảnh: Lam Nguyên
Lãnh đạo huyện Ia Grai kiểm tra độ bền chắc của thuyền độc mộc trước khi bắt đầu hội đua. Ảnh: Lam Nguyên



Để chương trình diễn ra thành công, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách, Ban tổ chức đã huy động các phòng, ban, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện, phối hợp chặt chẽ. 2 xã Ia Khai và Ia O đã huy động 12 thuyền độc mộc của người dân và tập kết về bãi bồi ven sông để sửa chữa, bảo dưỡng, sẵn sàng cho hội thi. Đồn Biên phòng Ia O được giao nhiệm vụ chuẩn bị 1 ca nô hỗ trợ Ban tổ chức công tác chuẩn bị đường đua cũng như cứu hộ. Đội quản lý trật tự đô thị, xây dựng và môi trường huyện đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, xử lý rác thải. Bên cạnh lắp đặt biển thông tin nhắc nhở du khách nâng cao ý thức tham gia lễ hội, Ban tổ chức còn bố trí các thùng rác ở vị trí thuận lợi, chú ý thu gom, không để tồn đọng rác thải sau mỗi sự kiện. “Chúng tôi bố trí bãi đỗ xe phù hợp để tránh tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ; kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như yêu cầu chủ các gian hàng ẩm thực cam kết không “chặt chém” du khách nhằm đảm bảo phục vụ chu đáo, an toàn nhất”-Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định.  

Bảo tồn truyền thống gắn với phát triển du lịch

Bên cạnh quảng bá văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa trong sinh hoạt, lao động, kỳ vọng của Ban tổ chức là gìn giữ, bảo tồn thuyền độc mộc trước nguy cơ mai một. Ngoài khó khăn về vật liệu chế tác, hiện nay, thuyền độc mộc cũng gặp phải sự “cạnh tranh” với thuyền máy khi di chuyển xa, chở nặng.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ II diễn ra gay cấn, sôi nổi. Ảnh: Phương Linh
Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ II diễn ra gay cấn, sôi nổi. Ảnh: Phương Linh



Bà Lê Thị Phương Loan-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện-chia sẻ: Công tác bảo tồn, phát huy giá trị thuyền độc mộc chỉ có thể thực hiện tốt nhất từ phía chủ thể là người dân. Chính vì vậy, ngoài tuyên truyền, huyện xác định cần vận động người dân bảo tồn gắn với giải quyết lợi ích của họ. Trước mắt, tại hội đua thuyền độc mộc, Ban tổ chức hỗ trợ mỗi gia đình tập kết thuyền về tham gia chương trình 2 triệu đồng để sửa chữa, bảo dưỡng. Tại xã Ia Khai-quê hương “người lái đò trên sông Pô Cô” A Sanh, nơi còn lưu giữ số lượng thuyền độc mộc nhiều nhất huyện, công tác này cũng được chú trọng. Bà Nguyễn Mai Lương-Chủ tịch UBND xã-thông tin: Sau khi Di tích Bến đò A Sanh hoàn thiện, xã sẽ trưng bày thuyền độc mộc tại đây nhằm ghi dấu truyền thống lịch sử cách mạng, đồng thời quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc sắc của cư dân Jrai vùng sông nước.

Thông qua việc tổ chức định kỳ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và liên hoan văn hóa cồng chiêng, huyện Ia Grai còn giới thiệu đến du khách các điểm du lịch hấp dẫn của địa phương. Có thể kể đến ở đây như điểm du lịch lòng hồ thủy điện Sê San-thác Mơ (xã Ia O và Ia Khai), thác Ia Blố (xã Ia Khai), thác Ba Tầng và rừng lùn (xã Ia Tô), thác Chín Tầng (xã Ia Bă), tịnh xá Ngọc Lai và vườn dâu (thị trấn Ia Kha), đồi thông xã Ia Dêr… Đặc biệt là 2 di tích lịch sử cấp tỉnh gồm: Di tích Chiến thắng Chư Nghé (xã Ia Krai) và Di tích Bến đò A Sanh (xã Ia Khai). “Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị chủ động, nghiêm túc, chu đáo của Ban tổ chức và các cơ quan, ban, ngành, địa phương cùng với sự tham gia hưởng ứng, cổ vũ của đông đảo người dân, hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và liên hoan văn hóa cồng chiêng năm nay sẽ thành công rực rỡ, góp phần xây dựng hình ảnh thật đẹp trong lòng mỗi du khách khi đến với Ia Grai”-ông Đỗ Văn Đông kỳ vọng.

 

 LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm