Kinh tế

Sẵn sàng cho vụ ép mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn nửa tháng qua, nông dân trồng mía khắp các huyện phía Đông tỉnh đang hối hả, rộn ràng chuẩn bị cho một vụ thu hoạch mới. Nhà máy Đường An Khê cũng đã lên kế hoạch thu mua, nâng công suất và áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân cho mùa vụ sau.
 

 Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B

Ông Nguyễn Hoàng Phước-Trưởng phòng Nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê cho biết: Năm nay, trong tổng diện tích 22.000 ha vùng mía nguyên liệu bao gồm 3 huyện: Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và thị xã An Khê thì Nhà máy Đường An Khê được quy hoạch 16.000 ha. Theo kế hoạch, vụ ép sẽ diễn ra từ ngày 15-11-2013 đến 20-4-2014.

Mặc dù năm nay giá đường thấp nhưng Nhà máy vẫn tiến hành thu mua với mức giá 900.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường (CCS). Dự kiến vụ ép này, Nhà máy sẽ thu mua trên 900.000 tấn mía để đảm bảo công suất ổn định 10.000 tấn mía cây/ngày. Hiện tại đã có hơn 1.500 hộ nông dân đã ký hợp đồng bán mía cho Nhà máy với mức giá trên. Nhà máy cũng đang tiến hành thu hoạch theo sản lượng đăng ký theo trình tự vùng sâu, vùng xa, vùng mía chín trước. Quá trình thu mua diễn ra công khai, minh bạch và được công bố rộng rãi để nông dân yên tâm.

Đặc biệt, năm nay Nhà máy không khống chế xe chở mía như mọi năm mà sẽ quản lý xe bằng cách cấp logo theo từng trạm, từng vùng. Cách làm này tránh tình trạng độc quyền xe và giảm cước vận chuyển. Mặt khác, tại mỗi xã vùng nguyên liệu cũng đã có hơn 150 xe sẵn sàng phục vụ cho việc vận chuyển mía về tới nhà máy. Bên cạnh đó, Nhà máy còn hỗ trợ 100.000 đồng/xe vận chuyển mía từ vùng nguyên liệu về tới nhà máy. Để duy trì giá mía ổn định, Nhà máy cũng kiên quyết thực hiện theo tiêu chuẩn: chín và sạch. Đảm bảo hai tiêu chuẩn này vừa có lợi cho người trồng mía vừa đem lại hiệu quả cho Nhà máy.

Bên cạnh đó, Nhà máy cũng đã xây dựng kế hoạch đầu tư về chiều sâu cho các vùng nguyên liệu sau khi thu hoạch. Để tăng năng suất cho vụ mùa sau, Nhà máy đã mua thêm 20 máy cày công suất lớn. Hiện tại, toàn Nhà máy đang có hơn 100 máy cày đất phục vụ cho các hộ trồng mía. Với mức giá hỗ trợ cày đất bằng máy cày của Nhà máy thấp hơn so với thuê máy ngoài hoặc làm thủ công, các hộ trồng mía vừa tiết kiệm được chi phí, sức lao động mà năng suất mía lại tăng 20-30%.

Ngoài ra, Nhà máy cũng tiến hành hỗ trợ nông dân đưa vào gieo trồng giống mía mới như LK92-11, K95-84, K95-156,… để nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu. Từ hiệu quả 300 ha cánh đồng mẫu lớn đã thực hiện với quy mô 7-20 ha/mẫu cho năng suất 120-170 tấn/ha, năm nay Nhà máy mở rộng quy mô với hơn 1.000 ha. Thực hiện cánh đồng mẫu lớn, nông dân trồng mía sẽ được hỗ trợ đầu tư máy móc cày bừa, 1 tấn phân/ha với tổng chi phí 40 triệu đồng/ha (không tính lãi suất). Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ phân bùn để cải tạo đất.

Cũng theo ông Phước, bước vào vụ ép, Nhà máy Đường An Khê đang vấp phải tình trạng tự do lập trạm thu mua của Nhà máy Đường Bình Định và Nhà máy Đường Kon Tum. Ông Phước cho biết: “Trong tổng diện tích 22.000 ha vùng nguyên liệu mía thì Nhà máy Đường An Khê được quy hoạch 16.000 ha, Nhà máy Đường Bình Định là 6.000 ha, còn Nhà máy Đường Kon Tum không có trong quy hoạch. Việc thu mua ồ ạt với mức giá thấp của một số nhà máy đường nói trên đang gây bất lợi cho nhà đầu tư chân chính như Nhà máy Đường An Khê”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm