Sẻ chia yêu thương-kết nối cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với phương châm “Sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn”, bằng tinh thần tương thân tương ái, sự đồng cảm, ý thức trách nhiệm, nhiều nhóm từ thiện trên địa bàn tỉnh đã cùng chung tay, làm những việc có ích để đem đến niềm hạnh phúc, nghị lực cho nhiều mảnh đời bất hạnh, khó khăn trong xã hội.

Ấm lòng người bệnh
 

Ông Nguyễn Thế Diêu trao phần cơm cho bệnh nhân. Ảnh: Phan Lài
Ông Nguyễn Thế Diêu trao phần cơm cho bệnh nhân. Ảnh: Phan Lài

Nhiều năm nay, vào ngày 14 và 30 âm lịch hàng tháng, nhiều bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao-Phổi tỉnh, Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh lại cảm thấy ấm lòng hơn bởi những suất cơm chay thấm đượm nghĩa tình của các tăng ni, phật tử chùa Bửu Thắng. Trong 2 ngày của tháng này, vào khoảng 10 giờ 30 phút, hơn 800 suất cơm từ chùa lại được mang đến cho các bệnh nhân, mọi người lấy phiếu rồi xếp hàng ngay ngắn để lấy cơm miễn phí. Những suất cơm canh nóng sốt, mùi thức ăn tỏa lên ngào ngạt vơi đi nhanh chóng. Để có được những suất cơm thiện nguyện, các tăng ni, phật tử phải  tập trung đến chùa từ 5 giờ sáng để đi chợ, mua những thức ăn tươi ngon nhất cho bếp ăn từ thiện. Toàn bộ chi phí cho bếp ăn đều do các tăng ni, phật tử đóng góp. Giống như các bệnh nhân khác, khi nhận được suất cơm nóng hổi, bà Nguyễn Thị Mẫn (xã Ia O, huyện Ia Grai) đang điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) xúc động: Con cái đi làm ăn xa nên một mình tôi ra đây chữa bệnh, nhà nghèo, tiền khám-chữa bệnh đã rất tốn kém. Được nhà chùa phát cơm ngon thế này, chúng tôi mừng lắm vì đỡ được một bữa cơm là đỡ một khoản chi phí, cảm ơn nhà chùa nhiều lắm”.

Ông Nguyễn Thế Diêu-Tham gia Từ thiện tại chùa Bửu Thắng, cho biết: Đa số các bệnh nhân đến điều trị là những người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… và đều phải điều trị nội trú. Với tấm lòng thiện nguyện, những phần cơm do các phật tử nấu hoàn toàn bằng nguyên liệu chay nhưng đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân. Chúng tôi hy vọng, những phần cơm này sẽ chia sẻ giúp các bệnh nhân có thêm sức khỏe, nghị lực, niềm vui để chiến thắng bệnh tật”.

Xuất phát từ tấm lòng yêu thương và mong muốn chia sẻ khó khăn với các bệnh nhân, nhóm “Cơm từ thiện Pleiku” cũng chọn các bệnh viện để làm các công tác thiện nguyện. Đi vào hoạt động từ tháng 6-2013, đến nay, nhóm đã thu hút được hơn 30 thành viên cùng chung lý tưởng. Mỗi thành viên trong nhóm đều có độ tuổi, công việc khác nhau, người đã đi làm, người còn đang đi học, nhưng ở họ đều có chung một tấm lòng tương thân tương ái. Để duy trì hoạt động, nhóm tự nguyện đóng quỹ hàng tháng, đồng thời vận động từ nhiều nguồn khác nhau như người thân, bạn bè, các tấm lòng hảo tâm, người nào không có tiền thì có thể góp sức. Tuy mới hoạt động nhưng nhóm “Cơm từ thiện Pleiku” đã nỗ lực duy trì đều đặn công việc thiện nguyện suốt 2 năm qua, với 150-200 suất cháo vào các ngày thứ bảy, 300-400 suất cơm vào các ngày chủ nhật hàng tháng. Chị Lý Hồng Trị-Trưởng nhóm “Cơm từ thiện Pleiku” chia sẻ: “Chứng kiến các bệnh nhân xếp hàng ngay ngắn để nhận những phần cơm, suất cháo, trong đó, có cả các cụ già và trẻ em, nhìn gương mặt ai cũng vui vẻ, hạnh phúc, chúng tôi cảm thấy công việc của mình thực sự có ích, phần nào đó giúp đỡ họ có thêm nghị lực sống để chiến đấu bệnh tật. Đó cũng chính là động lực để chúng tôi cố gắng hơn nữa trong công tác thiện nguyện của mình”.

Kết nối những tấm lòng

 

Niềm vui của các bệnh nhân. Ảnh: Phan Lài
Niềm vui của các bệnh nhân. Ảnh: Phan Lài

“Họ là những báu vật nhân văn sống mà chúng ta còn rất ít cơ hội để được gặp gỡ. Họ không thể chờ đến ngày nhận được sự hỗ trợ hay hưởng một chế độ chính sách nào. Họ sống âm thầm, nghèo khổ và ra đi một cách lặng lẽ. Chúng ta phải làm gì đó để giúp đỡ họ”. Đó là những trăn trở của thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) khi chứng kiến nhiều nghệ nhân kể chuyện sử thi ngày càng già yếu, nguồn tư liệu sử thi Bahnar đang mai một dần. Vì thế, từ trang facebook cá nhân, anh Nguyễn Quang Tuệ đã khởi xướng chương trình “Chung tay bảo tồn sử thi Bahnar Tây Nguyên”, với mong muốn cộng đồng cùng chung tay đóng góp một phần vật chất lẫn tinh thần cho các nghệ nhân. Đây là một chương trình có ý nghĩa thiết thực, tạo được sự lan tỏa và bước đầu đã nhận được những hiệu ứng tốt đẹp. Vì thế, bắt đầu hoạt động từ tháng 5, chỉ trong một thời gian ngắn, chương trình đã nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Đến nay, chương trình đã nhận được hơn 70 triệu đồng, từ đó, chương trình đã “trả lương” cho 7 nghệ nhân (trong đó, có 4 nghệ nhân ở Gia Lai, 3 nghệ nhân ở Kon Tum), với số tiền 300.000 đồng/tháng. “Sự sẻ chia, ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm là minh chứng cho sự trân trọng, yêu quý sử thi Tây Nguyên. Đây chính là nguồn động viên, an ủi các nghệ nhân lúc tuổi đã “xế chiều”-Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ cho biết.

Cũng là một chương trình nhận được sự chung tay, hưởng ứng của cả cộng đồng, đặc biệt là các đoàn viên thanh niên, chương trình “Tư vấn-Tiếp sức mùa thi năm 2015” đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2015. Để giảm bớt áp lực và gánh nặng cho thí sinh và người nhà, công tác tổ chức, phục vụ tiếp sức mùa thi tại các cụm thi đã được các cấp bộ Đoàn hết sức quan tâm. Từ đầu tháng 6, Tỉnh đoàn đã triển khai nhiệm vụ cho các tổ chức Đoàn đi khảo sát ở các khu dân cư để  tìm chỗ trọ giá rẻ, miễn phí, đảm bảo mọi thông tin tư vấn thiết thực, chính xác, hỗ trợ cho thí sinh yên tâm, tập trung thi tốt. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn còn tổ chức tập huấn các kiến thức, kỹ năng cũng như  kinh nghiệm xử lý tình huống thực tế nhằm tạo tâm lý vững vàng để thí sinh có thể đạt kết quả cao. Với tinh thần xung kích, nhiệt huyết, sẵn sàng đón nhận thử thách, sức trẻ của các tình nguyện viên đã được phát huy cao độ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trao đổi với P.V, anh Nguyễn Hoàng Phong-Phó Bí thư Tỉnh đoàn, nhấn mạnh: Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015, Tỉnh đoàn đã huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ 16.240 suất ăn miễn phí cho thí sinh và người nhà; huy động được hơn 15 đơn vị vận tải hỗ trợ vận chuyển gần 1.000 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn từ Kon Tum, từ các huyện, thị xã về tại cụm thi liên tỉnh; phân bổ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp (21 triệu đồng) để hỗ trợ 1.100 suất ăn miễn phí tại các điểm thi có nhiều thí sinh khó khăn như: Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, Trường Cao đẳng Nghề, Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên, Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật. Có thể thấy, chương trình “Tư vấn-Tiếp sức mùa thi” đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, đó là tiền đề để chúng tôi cố gắng hơn nữa trong những kỳ thi tiếp theo”.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm