Thời sự - Bình luận

Sẽ không để bất động sản đóng băng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Dòng tiền vẫn sẽ vào bất động sản. Nhưng sẽ đến đúng “địa chỉ” để không xảy ra “bong bóng” bất động sản, nhưng cũng không để “đóng băng” thị trường.

 

Thị trường bất động sản đã có một nửa cuối năm 2022 ảm đạm, đang chờ đợi chính sách để phá băng trong năm 2023. Ảnh: Quỳnh Mai
Thị trường bất động sản đã có một nửa cuối năm 2022 ảm đạm, đang chờ đợi chính sách để phá băng trong năm 2023. Ảnh: Quỳnh Mai



Buổi họp báo của Ngân hàng nhà nước hôm qua nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Sự quan tâm này không có gì lạ, nhất là đối với bất động sản. Người ta nói “Tiền mặt là vua”. Nhưng bất động sản nửa cuối 2022 thì đúng là thảm hoạ. Cửa tín dụng cực kỳ… hẹp. Giao dịch rất ít. Rất lắm lời kêu cứu, kiến nghị. Và thậm chí, người ta nói tới tình trạng “đóng băng”, khi thanh khoản gần như ngừng trệ.

Hôm qua, quan chức Ngân hàng nhà nước cho biết, sau công điện của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ rủi ro đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...

Một mặt vẫn kiểm soát chặt chẽ, mặt khác, vẫn chỉ đạo đáp ứng cho nhu cầu nhà ở của người dân, dự án bất động sản khu công nghiệp; dự án bất động sản nhà ở sắp bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong buổi họp báo hôm qua nói trong thời gian tới, Ngân hàng nhà nước sẽ phối hợp tổ chức diễn đàn về tín dụng cho thị trường bất động sản; để qua đó tìm các giải pháp để thị trường này phát triển lành mạnh, không để "bong bóng" nhưng cũng không để "đóng băng".

Bất động sản đang đóng góp tới 13,67% GDP. Đây là khu vực kinh tế lan tỏa trực tiếp đến 40 ngành nghề kinh tế quan trọng như xây dựng, vật liệu xây dựng, công nghiệp, du lịch, lưu trú… và cả tài chính, ngân hàng nữa. Các chuyên gia tính toán, khi khu vực bất động sản tăng thêm 1.000 tỉ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các nhóm ngành này là 1.192 tỉ đồng.

Một đồng kích thích tạo ra hơn một đồng.

Nhưng không chỉ vậy, bất động sản còn là thuế nữa. Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết số thu thuế chuyển nhượng bất động sản 2022 đã đạt hơn 41.000 tỉ, tăng 20.000 tỉ, tức là hơn gấp đôi so với số thu 2021.

Đúng là không thể để đóng băng một khu vực kinh tế lớn, có ảnh hưởng chung đến toàn nền kinh tế và công ăn việc làm của hàng chục ngàn lao động được.

Dòng tiền sẽ phải như thế nào để không xảy ra “bong bóng”, nhưng cũng không để “đóng băng”. Rất khó. Khó, nhưng vẫn phải làm, vì đó mới là đường đi đúng của dòng tiền.



https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/se-khong-de-bat-dong-san-dong-bang-1131848.ldo

Theo Đào Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm