Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Siết chặt quản lý dạy thêm-học thêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dạy thêm-học thêm ngoài nhà trường là hoạt động nhằm giúp học sinh củng cố lại kiến thức đã học cũng như thu nhận những kiến thức nâng cao. Tuy nhiên, hiện nay, việc dạy thêm-học thêm đang bị nhiều cơ sở, cá nhân biến tướng, làm trái quy định của địa phương và ngành Giáo dục và Đào tạo.

Kiểm tra là ra vi phạm

Công tác thanh-kiểm tra việc dạy thêm-học thêm được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các Phòng GD-ĐT tiến hành khá thường xuyên (gồm: kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm tra khi có đơn thư khiếu nại đích danh hay nặc danh và khi có phản ánh của phụ huynh học sinh). Tuy vậy, vẫn có những chủ cơ sở dạy thêm, giáo viên dạy thêm vi phạm quy định.

 

Cấm dạy thêm-học thêm các môn văn hóa đối với học sinh Tiểu học. Ảnh: N.G

Tại TP. Pleiku-địa bàn được coi là “nóng” nhất trong công tác này vẫn thường xuyên có những trường hợp vi phạm bị thu hồi giấy phép, yêu cầu tạm dừng việc tổ chức dạy thêm.

Gần đây nhất, trong đợt kiểm tra hồi tháng 9 vừa qua, Phòng GD-ĐT TP. Pleiku đã thu hồi giấy phép của bà Trương Thị Tuyết Bông (15 Ký Con, phường Yên Thế) vì chưa thực hiện nghiêm túc các quy định dạy thêm-học thêm.

Cụ thể, cơ sở này chưa thực hiện đúng quy định về công khai niêm yết thời khóa biểu, danh sách giáo viên dạy thêm; hồ sơ quản lý dạy thêm của chủ cơ sở chưa khoa học, việc thu tiền học phí học thêm còn giao cho giáo viên từng nhóm thu; cơ sở vật chất của địa điểm dạy thêm chưa đảm bảo.

Hàng năm, khi nghe có dư luận phản ánh, Phòng GD-ĐT TP. Pleiku cũng kịp thời can thiệp, chấn chỉnh tình trạng giáo viên “gợi ý” cho học sinh đi học thêm ở nhà.

Mới đây, cơ quan này cũng đã làm việc với 1 giáo viên của 1 trường Tiểu học có dấu hiệu gợi ý học sinh đi học thêm nhằm ngăn chặn ngay việc tổ chức dạy thêm trái quy định. “Trong quá trình làm việc, Phòng GD-ĐT đã yêu cầu giáo viên, Hiệu trưởng nhà trường viết cam kết lần 2 về việc phải chấp hành nghiêm quy định cấm dạy thêm-học thêm dưới mọi hình thức ở bậc Tiểu học, đặc biệt là với học sinh học 2 buổi/ngày; ngoại trừ những cơ sở dạy môn năng khiếu cho học sinh Tiểu học được cấp phép”-ông Nguyễn Hồng Trinh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD-ĐT TP. Pleiku, cho biết.

Tại huyện Mang Yang, theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện về tình hình dạy thêm-học thêm, qua đợt kiểm tra hồi tháng 9 có 2 cá nhân tự ý tổ chức dạy thêm sai quy định đã bị xử lý, chấn chỉnh và phải viết cam kết không tái phạm. Năm học 2017-2018, Phòng GD-ĐT huyện Mang Yang chỉ cấp phép cho 2 cá nhân được tổ chức dạy thêm.

Từ thực tế ở TP. Pleiku và huyện Mang Yang có thể thấy, dù cơ quan có thẩm quyền thường xuyên kiểm tra, giám sát nhưng nhiều cơ sở, cá nhân vẫn cố ý vi phạm quy định dạy thêm-học thêm, khiến công tác quản lý khó càng thêm khó.

Cần sự phối hợp từ nhiều phía

Việc dạy thêm-học thêm hiện đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội bởi bên cạnh những cơ sở, cá nhân thực hiện đúng quy định thì còn có nhiều trường hợp biến tướng, vi phạm. Về phía thủ trưởng các đơn vị giáo dục, họ luôn mong muốn nhận được sự phối hợp của gia đình học sinh để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định dạy thêm-học thêm.

Nói về vấn đề này, thầy Trương Tiến Sỹ-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku), bày tỏ: “Trên cương vị là người đứng đầu, người chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề của đơn vị, tôi không thể nào chấp nhận việc một cá nhân vì tư lợi mà làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường do cả một tập thể gây dựng. Do đó, nếu nhận được bất kỳ một sự phản hồi nào, từ bất kỳ kênh thông tin nào, chúng tôi cũng sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh, xử lý ngay. Bên cạnh đó, trong công tác này, nhà trường rất cần sự phối hợp của phụ huynh học sinh để góp phần tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh, một tập thể sư phạm có đạo đức nghề nghiệp”.

 

Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: “Quản lý dạy thêm-học thêm là một bài toán khó vì đụng đến lợi ích cá nhân của một nhóm người, nhưng không phải vì khó mà không giải. Trong năm học này, Sở GD-ĐT sẽ làm quyết liệt bằng nhiều biện pháp như rà soát lại toàn bộ những cơ sở được cấp phép, cơ sở nào không còn đảm bảo, có dấu hiệu sai phạm thì thu hồi; xây dựng quy chế phối hợp, tiến hành ký kết với UBND các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời phát hiện những tổ chức, cá nhân vi phạm bằng cách cung cấp cho chính quyền địa phương danh sách những cơ sở dạy thêm được cấp phép, qua đó thông tin kịp thời cho Sở GD-ĐT về những giáo viên vi phạm quy định dạy thêm-học thêm”.

Về phía Sở GD-ĐT, trong tháng 10 này, Sở sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở dạy thêm-học thêm đã được cấp phép tại TP. Pleiku và huyện Chư Sê, nếu cơ sở nào vi phạm quy định sẽ bị thu hồi giấy phép dạy thêm.

Cùng với đó, Sở sẽ tiến hành ký kết văn bản phối hợp quản lý dạy thêm-học thêm với UBND các huyện, thị xã, thành phố gồm: TP. Pleiku, Chư Sê, An Khê và Ayun Pa, những địa phương được xem là “điểm nóng” trong hoạt động này. Mục đích của việc ký kết này nhằm thực hiện có hiệu quả những quy định về dạy thêm-học thêm; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý các cơ sở dạy thêm-học thêm theo quy định tại Quyết định số 23/2012/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm