Phóng sự - Ký sự

Sông Mang chảy trong lòng biển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Gọi tên sông nhưng sông Mang (Quảng Ninh) nằm trên mặt biển, ước lệ đôi bờ núi non trùng điệp, đầu nguồn cảng Cái Rồng, cuối nguồn sông là Cửa Đối, ngoài kia, huyện đảo Cô Tô, Quan Lạn mênh mang giữa biển trời Đông Bắc của Tổ quốc.

 

Bến Minh Châu - sông Mang. Ảnh: ĐINH NGỌC HƯNG
Bến Minh Châu - sông Mang. Ảnh: ĐINH NGỌC HƯNG


Dòng trôi trong biển

Sông Mang được gọi tên trên mặt biển Cái Rồng-Cửa Đối có chiều dài 3km. Bây giờ, trở lại dòng Mang, không chỉ riêng tôi mà nhiều người, nếu đã biết lịch sử chiến công xưa, biết biển chỗ này được gọi tên là sông, đều mang một tâm trạng tự hào về quê hương đất nước, về những vùng non nước do tự nhiên sắp đặt đầy chiêm nghiệm.

Dòng sông ấy đang ôm trọn nhiều xóm làng trên những hòn đảo nhỏ dọc hai bên bờ. Bà Trần Thị Thìn, sinh sống ở thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh), kể rằng: “Trước đây, nhà cửa thơ thễnh lắm. Đây có mấy nhà, trong chân núi có mấy nhà. Cái gì cũng thiếu nhưng tình người không thiếu. Vậy, mới gắn kết, mới bao bọc được cho nhau”.

Nhiều người vẫn nhớ những lần về đất liền, rồi lần chờ ra đảo, do bão gió không có tàu, tâm lo, ruột buốt, đứng bờ cảng Cái Rồng nhìn thủy triều lên xuống, bọt nước chụm lại, chảy theo dòng như một... con sông.

Dọc sông Mang luôn gợi nhớ cho mỗi ai đã và đang sinh sống ở miền non nước này nhiều giá trị cuộc sống riêng biệt. Đảo nối tiếp nhau cứ như mâm ngũ quả đủ bốn mùa hoa trái. Bãi biển cát trắng đến nao lòng như Minh Châu hay Ngọc Vừng. Cát ở đây không chỉ là bãi cát đẹp mà còn là mỏ cát giá trị cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Từ bến đò sông Mang lên làng đảo Minh Châu, chạm vào mắt ta là cát, trảng cát trong rừng phi lao xanh ngắt, cát trong rừng cây trâm cổ thụ chắn sóng - rừng cây mà người dân nơi đây gọi là thần mộc giữ làng.

Những bờ bãi trù phú từ bồi đắp, từ miền thổ nhưỡng tự nhiên ban cho Minh Châu, Quan Lạn... nguồn sinh kế giá trị sá sùng. Chị Nguyễn Thị Chiêm, người đào sá sùng cho biết: “Dân ở đây gọi bãi mồi. Đào nó để bán cho khách, chúng tôi không ăn”. Nói xong, chị cười. Sá sùng, hay còn gọi là sa trùng, giống như con giun sống trong cát - có giá trị kinh tế cao mà ngàn đời dân làng Minh Châu, Quan Lạn đã được thừa hưởng từ kho báu biển cả. Đó là nguồn hải sản tự nhiên vô cùng quý giá. Nhưng mấy năm nay, công ty khai thác cát đã lấn sâu khai thác vào những bãi mồi này, bà con của làng biển đang đứng trước những sự mất mát nguồn thu nhập trời cho.

 

Sông Mang bến bình yên. Ảnh: PHẠM HỌC
Sông Mang bến bình yên. Ảnh: PHẠM HỌC


Sông Mang mang tôi ra biển

Theo câu thơ của Nguyễn Trãi xưa khi ông trên con đường đi điền dã: “Lộ nhập Vân Đồn san phục san/Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan” (Đường vào Vân Đồn núi non trùng điệp/Trời đất sắp đặt như một kỳ quan).

Người lớn tuổi ở Quan Lạn phỏng đoán rằng nếu Nguyễn Trãi từng đến đây thì có thể ông đã từng đi theo vết chân của cư dân lâu đời vùng này. Thế nên Nguyễn Trãi tả từng đến dốc Ba Ngơi, nên hẳn dân cư nơi đây cũng đã theo hành trình ấy. Gọi là dốc Ba Ngơi vì dù đã rời đò sông Mang lên đảo rồi, nhưng con đường trên các làng đảo vẫn là cuốc bộ và đến tầm đó nghỉ tức là đã đi qua ba ngọn núi trên đảo, theo đó gọi tên là Ba Ngơi.

Bây giờ các đảo đã có thay đổi, con đường nối các đảo đã được Nhà nước và nhân dân cùng làm. 20 năm trước chúng tôi phải mất 4 đến 5 tiếng đồng hồ vật vã trên những chiếc tàu gỗ ra đảo, bây giờ đã có những chiếc tàu lớn có sức chở vài trăm người. Nếu như ngày trước các xã đảo đều không có điện lưới, cả làng có một nhà có công trình phụ bảo đảm vệ sinh thì bây giờ các làng đảo, xã đảo đã thích nghi với đời sống hiện đại khi có điện lưới quốc gia.

Ngành du lịch dịch vụ phát triển. Đến các làng đảo dọc sông Mang bây giờ chúng ta không phải bỡ ngỡ với đời sống của người ở đảo xa, ở nơi kém phát triển, mà chúng ta sẽ gặp tất cả những gì tiên tiến, hiện đại của đất liền. Có điện, có phương tiện vận tải đi và đến rất thuận lợi, và hơn hết, người làng đảo còn đón nhận các chương trình khuyến nông, khuyến công của Nhà nước.

Viết đến đây lại nhớ bà Thìn đầu nguồn sông Mang, ở bến Cái Rồng, nhớ cảnh ngón tay lướt, miệng tủm tỉm, mặt cau, rồi nghe bà lẩm nhẩm bảo bây giờ học đòi, xí xớn. Nhưng ai cũng hiểu rằng, đổi thay là quá nhanh, quá chóng vánh...

Giờ, nhiều xã đảo đã được công nhận là xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đạt được các tiêu chí này cũng không dễ dàng gì, bởi lẽ, phải có được đủ các tiêu chí về điện, đường, trường, trạm và các thiết chế văn hóa xây dựng nông thôn mới. Vì thế, nếu ai lâu rồi chưa có dịp trở lại các làng đảo dọc tuyến sông Mang huyền thoại này sẽ vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Bởi làng đảo giờ chẳng khác phố thị là mấy.

Cuộc sống của những làng đảo nằm dọc theo sông Mang như trong câu chuyện cổ tích với ai đã từng sinh ra và lớn lên ở đây, hoặc đã đến và ở lại gắn bó với nơi này. Nơi đây là một miền non nước cẩm tú cùng những mùa lễ hội thiêng liêng, gắn liền với những chiến công nhà Trần năm xưa. Trên xã đảo Quan Lạn vẫn còn nguyên các thiết chế văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ lâu đời là đình, miếu, chùa Quan Lạn, là những chuyện huyền thoại của các vị tướng phò vua cứu nước.

Mỗi khi ta xách túi về thành phố lại như trào dâng một miền thương nhớ nơi đảo còn in dấu cha ông của nghìn năm đã đến và ở lại, lập làng, lập xã. Nhiều năm thăng trầm mới có ngày hôm nay con dân thênh thang trên những con tàu hiện đại đi dọc sông Mang và thỏa thuê ngắm trời nước. Dòng Mang đã và vẫn bồi đắp nên những xóm làng trù phú trên vùng vịnh Bái Tử Long huyền thoại.

Sông Mang có thể bạn còn chưa biết, chưa đến, nhưng sông Mang vẫn bền bỉ lưu dấu nhiều câu chuyện lịch sử, trở thành dòng sông với những cột mốc văn hóa của vùng biển đảo này.

Viết đến đây, lại không thể không nhớ bà Trần Thị Thìn. Nhớ giọng năm nào bà nói oang oang, chẳng sợ mất lòng ai: “Em gái tôi ở đảo Cô Tô. Em trai ở đảo Quan Lạn. Những lúc nhớ nhà, muốn về nhà lại dõi mắt về cửa Đối. Nhiều người lý sự sông gì mà sông. Thương họ nông cạn. Không là sông tại sao lại có cửa sông. Sông Mang của cha ông”.

Bà Thìn ghê gớm vậy, nhiều yêu thương con sông, bến nước. Nên mới thương cho những ai nông cạn.

Sông Mang đó, giấu những con người tài hoa dưới những cánh rừng trâm già cỗi. Sông Mang đó, giấu những người mẹ, người chị chờ chồng, rồi cặm cụi bên chân núi, phía biển, với những chuyến tàu gỗ chậm chạp đi về. Sông Mang ấy, niềm tự hào, niềm yêu thương của những ai đã đến và đi qua, dù chỉ là một thoáng rồi đi.

Theo VŨ THẢO NGỌC (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm