Thời sự - Bình luận

Sự đánh đổi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đánh đổi là lựa chọn đổi mục tiêu này để đạt được mục tiêu khác, nhưng dường như thường mang nghĩa tiêu cực nhiều hơn. Biết là vậy, song vì nhiều lý do mà con người ta chấp nhận một cuộc “mặc cả” đầy bấp bênh như thế với tương lai của chính mình.

Gần đây, có một khái niệm được nhắc đến khá nhiều trong ngành nông nghiệp nước ta, đó là “nông nghiệp đánh đổi”. Nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn cũng đã kéo theo việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh. Trong khi đó, nhiều nơi lại xảy ra tình trạng lãng phí, như lãng phí nước. Điều này vừa đẩy chi phí sản xuất lên cao, vừa gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại Gia Lai, thực trạng này cũng không hiếm. Kết quả là đất đai bị suy thoái, cây trồng chất lượng không cao. Vòng tuần hoàn độc hại đó cứ lặp đi lặp lại hết năm này đến năm khác.

“Đánh đổi thường mang nghĩa tiêu cực nhiều hơn, nhưng vì nhiều lý do mà con người ta vẫn chấp nhận”. Ảnh nguồn internet

“Đánh đổi thường mang nghĩa tiêu cực nhiều hơn, nhưng vì nhiều lý do mà con người ta vẫn chấp nhận”. Ảnh nguồn internet

Lãnh đạo ngành chủ quản nhìn nhận hệ lụy của nền “nông nghiệp đánh đổi”, đó là: đánh đổi môi trường tự nhiên, hệ sinh thái; đánh đổi sức khỏe cộng đồng và của chính người nông dân; đánh đổi hình ảnh, thương hiệu nông sản của địa phương mình. Lẽ ra phải theo đuổi mục tiêu “chi phí sản xuất thấp, sản phẩm chất lượng cao” thì mọi thứ đang diễn tiến theo chiều ngược lại. Một trong những nguyên nhân đã được chỉ rõ, đó là tình trạng “chính sách pháp luật, đề án, kế hoạch ở trong phòng lạnh, còn người nông dân ở ngoài đồng”. Từ sự đánh đổi chua chát này, ngành nông nghiệp đang có những định hướng để sớm khắc phục, trong đó lấy phát triển nông nghiệp hữu cơ làm nòng cốt.

Nhìn rộng ra, những cuộc đánh đổi như thế còn khá nhiều. Tại một hội thảo mới đây về triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng-phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long, một chuyên gia đã cảnh báo: Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay cần rất nhiều vật liệu xây dựng, dẫn tới việc khai thác vô tội vạ từ các con sông khiến nhiều bờ sông bị sạt lở, vùng đồng bằng sông Cửu Long phải gánh chịu hệ lụy nặng nề. “Làm sao vấn đề vật liệu xây dựng phải có chiến lược nằm trong tổng thể. Nếu không chúng ta phải đánh đổi rất ghê gớm, đánh đổi bằng nhiều vùng nông thôn tuyệt vời, bằng nhiều con sông bị hủy hoại”-chuyên gia này khẳng định.

Con người luôn đối mặt với sự đánh đổi mỗi ngày. Chọn sự tiện lợi nên con người phải đối mặt với túi ni lông, rác thải nhựa tràn ngập. Những cánh rừng ra đi, thiên tai bão lũ kéo về. Sự xa cách, mất kết nối, thậm chí là đứt gãy thế hệ xảy ra khi các thiết bị công nghệ “chiếm sóng” ngày càng phổ biến trong các gia đình.

Ở góc nhìn hẹp hơn, trong cuộc sống thường ngày, đôi khi ta cũng rất dễ chấp nhận đánh đổi thứ này để lấy một thứ khác, dù cái giá phải trả rất đắt. Phổ biến nhất là đánh đổi sức khỏe để nắm bắt thành công. Tuổi thanh xuân nên người trẻ thường hào phóng với sức khỏe của mình. Song, đây cũng lại là giai đoạn cần khẳng định mình qua vị trí công việc, mức thu nhập, hơn hết là chi phí cho gia đình. Vì vậy, nhiều người sẵn sàng “phá sức” mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài.

Một người quen của tôi khi nhìn lại sự đánh đổi đó đã không khỏi ân hận. Là người nhanh nhạy, sáng tạo, vừa tốt nghiệp đại học vài năm là anh đã mở công ty riêng. Đam mê và dồn hết tâm huyết cho công việc, hầu như đêm nào cũng đến 1-2 giờ sáng anh mới ngủ. Ăn uống thất thường, ít quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thời gian dài. Khi ở thời điểm thành công rực rỡ nhất đời người, anh nhận tin sét đánh sau một đợt khám tổng quát. Thời gian sống chỉ còn tính bằng tháng. Anh đang có tất cả, chỉ thiếu một thứ, đó là sức khỏe. Trầm ngâm thật lâu, mắt anh ngấn nước khi nói: “Giờ mới thấy mấy đứa con cần mình chứ không cần tiền của mình. Bản thân mình đã là cả thế giới của con”.

Chậm lại một chút, nhìn xa hơn một chút, có lẽ chúng ta sẽ có những lựa chọn đúng đắn hơn, bớt đi những hẫng hụt, tiếc nuối. Không đợi đến lúc phải nói 2 tiếng “giá như”.

Có thể bạn quan tâm