Nước là nguồn sống của con người. Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nước càng có vị trí vô cùng quan trọng. Trong tâm thức của bà con, bên cạnh các vị thần núi, thần sông thì thần lúa, thần nước luôn luôn gần gũi và hiện diện trong đời sống của cộng đồng. Bởi vậy, xưa kia ở Tây Nguyên đã xuất hiện các vị thần quyền: Pơtao Puih (Vua Lửa), Pơtao Ia (Vua Nước)…
Vì thế, trong hệ thống các nghi lễ truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên thì nghi lễ cúng giọt nước/bến nước của người Jrai, cũng như nghi thức cúng bắc máng nước của người Xê Đăng trước đây được cộng đồng rất xem trọng.
Phục dựng lễ cúng giọt nước ở làng Krêl (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ). Ảnh: Phương Linh |
Nét tương đồng đầu tiên phải kể đến là nội dung lời khấn. Dù là trong nghi lễ cúng giọt nước/bến nước hay bắc máng nước, các chủ tế đều gọi tên các vị thần: thần núi, thần sông, thần đất, thần nước... về đây chứng kiến với các lễ vật dâng lên đầy đủ. Xin các vị thần cho dân làng có nước sạch, trong lành quanh năm để mọi thành viên được khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, bội thu, để gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở đầy sân…
Về thời gian diễn ra nghi lễ, cả cộng đồng Jrai và Xê Đăng đều thường bắt đầu từ cuối mùa thu hoạch lúa (khoảng tháng 10, 11 dương lịch) hay vào đầu mùa gieo hạt (vào khoảng cuối tháng 3, 4 hàng năm). Tính cố kết cộng đồng hiện hữu khi tất cả mọi người trong làng đều cùng tham gia chuẩn bị cho lễ cúng, từ công đoạn vệ sinh trong nhà đến quanh buôn và đường làng đến giọt nước, đồng thời góp vật chất như gạo, heo, gà, rau… và cùng nhau ăn uống, vui chơi sau nghi lễ.
Tuy nhiên, người Jrai hay Xê Đăng lại có những cách thức sử dụng nguồn nước khác nhau nên nghi thức lễ cúng cũng có sự khác biệt. Tại vùng Nam sông Ba, các buôn làng người Jrai thường ở gần các con sông, suối, có vùng đất bằng phẳng hơn nên họ chọn vị trí để làm bến nước hoặc giọt nước. Làng Xê Đăng thường ở các lưng chừng đồi cao nên họ phải tìm ra mạch nước từ núi để bắc máng dẫn nước về làng sử dụng.
Do vậy, hàng năm, khi chọn được ngày tổ chức nghi lễ cúng bến nước, già làng Jrai chỉ cần thông báo đến các chủ hộ và các thành viên trong buôn chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: vật hiến sinh, cây nêu, nhu yếu phẩm, dọn vệ sinh trong buôn và đường đến bến nước...
Nghi lễ chính thức chỉ diễn ra 1 ngày, kể cả phần lễ và phần hội. Vật hiến sinh trong lễ cúng giọt nước truyền thống người Jrai thường là heo đen và gà đen; ngoài ra, còn có rượu cần, cây nêu, bầu nước, ống nứa, cành lá cây ngăl có quả, cùng chiêng, trống. Thường cây nêu được dựng cạnh cây gạo nơi đầu buôn (có buôn dựng cây nêu tại bến nước, cũng là nơi tổ chức nghi thức cúng).
Chủ lễ đem gan heo còn sống đặt lên tai ché rượu và bôi tiết gà quanh miệng ché rượu cúng và có 3 già làng cùng đọc lời khấn Yàng về chứng kiến. Lễ cúng xong, các bà vợ của già làng dùng bầu, ống nứa lấy nước giọt trước, đổ vào ghè rượu và đem nấu thức ăn. Sau đó, mọi thành viên trong buôn mới được lấy nước đem về nhà…
Khi đến phần hội, chiêng trống được tấu lên những giai điệu tươi vui để mừng bến nước mới, phụ nữ trong trang phục truyền thống hòa điệu xoang rộn ràng. Đồng thời, mọi người bày biện ăn uống vui chơi với ẩm thực đã được chế biến sẵn.
Còn lễ cúng máng nước truyền thống của cộng đồng Xê Đăng được tiến hành thành 3 giai đoạn tương ứng với 3 ngày. Nếu người Xê Đăng lập làng mới hoặc tìm nguồn nước mới thì bên cạnh việc thông báo cho dân làng chuẩn bị các điều kiện vật chất, vệ sinh khu vực quanh làng thì già làng đi khảo sát vị trí để đặt máng nước. Khi chọn được mạch nước, họ có tục bắt con ốc sên để xem nếu nó bò bên phải thì xem như Yàng đã đồng ý, còn ngược lại, già làng phải đi tìm nơi khác.
Nếu cuộc khảo sát thành công thì già làng đánh dấu và đọc lời khấn báo cho các thần biết, ủng hộ dân làng bắc máng nước để sử dụng. Các thành viên trong làng lấy tre nứa làm máng nước, lấy cây lồ ô làm ống dẫn nước. Công đoạn cuối là lễ cúng chính thức với vật hiến sinh là con dúi. Nhưng nếu cúng máng nước vào tháng 3 hay tháng 4 thì dân làng không dùng máu dúi để cúng các thần. Bởi họ quan niệm dúi là họ nhà chuột mà thời điểm này là đầu mùa gieo hạt, sợ chuột về phá hoại mùa màng. Thay vào đó, họ dùng máu heo hoặc gà. Họ làm cột gâng ngay chỗ đặt giọt nước. Các lễ vật, ngoài máu con vật hiến tế thì còn có ghè rượu cần, bầu đựng nước, nhựa cây long nhangk để đốt thơm…
Già đọc lời khấn các Yàng cho làng mạch nước trong sạch và ủng hộ cộng đồng được thịnh vượng. Sau đó, già làng đặt ống dẫn cuối cùng và tấm đan chắn rác ở đầu nguồn rồi khai thông, dùng máu con vật hiến tế hòa vào dòng nước đầu tiên chảy về làng. Chủ tế lấy bầu hứng những giọt nước đầu tiên đổ vào ché rượu. Sau đó, mọi thành viên mới lấy nước về làng nấu ăn.
Xong phần lễ, bà con kéo về nhà rông bắt đầu tấu cồng chiêng và nối vòng xoang mừng dòng nước mới, đồng thời chia nhau ra từng nhóm ăn uống, chuyện trò cho đến cuối ngày.
Ngày nay, tuy ở nhiều buôn làng không còn sử dụng nước giọt/bến nước song cộng đồng người Jrai hay Xê Đăng ở một số nơi vẫn còn giữ nét đẹp truyền thống, duy trì tổ chức lễ cúng độc đáo này nhưng đơn giản hơn và không kéo dài thời gian như trước.