Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Sự khởi sắc đầy hứa hẹn của văn học nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tuy không hẹn nhưng những cây bút nữ trẻ đang sung sức và thành công đã gặp nhau ở chỗ: tỏa sáng từ các cuộc thi văn học và đều viết về phụ nữ.


Vũ Thanh Lịch - Ảnh: Facebook nhân vật
Vũ Thanh Lịch - Ảnh: Facebook nhân vật




Đa dạng phong cách, không đóng khung mình

Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới do tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức (trong 2 năm 2018, 2019 và trao giải ngày 15.1.2020 ở Hà Nội), số lượng nữ tham gia và thắng giải được ghi nhận là con số “đột biến”. Trong đó, nhà văn Vũ Thanh Lịch đã được trao giải nhất với truyện Nhà thánh, tác phẩm lồng ghép tín ngưỡng dân gian với cuộc sống hiện đại bằng lối viết siêu thực, lấp lửng giữa cõi thực và mộng, qua đó cho thấy cái tốt đẹp, linh thiêng bị xô đổ bởi cái phàm tục, tầm thường.


 

 Nguyễn Hải Yến- Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyễn Hải Yến- Ảnh: Nhân vật cung cấp




Về tác phẩm giải nhất của Vũ Thanh Lịch, nhà văn Đỗ Tiến Thụy, Trưởng ban Văn xuôi của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, nhận xét: “Phụ nữ, với lợi thế tinh tế, nhạy cảm, ấm áp và bao dung..., họ tiếp cận với những vấn đề của cuộc sống thường tự nhiên hơn, như thiên bẩm. Có lẽ vì thế mà dễ thành công”. Bên cạnh Vũ Thanh Lịch, Lửa mới còn trao giải cho những tác giả nữ tài năng như Phạm Thu Hà, Bảo Thương, Trần Thị Tú Ngọc.

Cũng như Vũ Thanh Lịch, Tống Ngọc Hân là cây bút có nhiều tác phẩm dự thi và đoạt giải cao. Năm 2019, cô nhận 3 giải thưởng đều cho truyện ngắn: giải nhì cuộc thi Những làn gió Tây Bắc (Cuộc thi thơ và truyện ngắn của 6 tỉnh Tây Bắc) cho truyện Hoa tử sa, giải nhì cuộc thi Dấu ấn quê hương (do Hội Văn học nghệ thuật 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ tổ chức) cho truyện Vợ đẹp và giải A (của Hội Liên hiệp văn hóa nghệ thuật tỉnh Phú Thọ) cho tập truyện Bức phù điêu mạ vàng.


 

 Tống Ngọc Hân- Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tống Ngọc Hân- Ảnh: Nhân vật cung cấp




Nhà văn Tống Ngọc Hân đi nhiều, ngẫm nhiều và viết nhiều về sinh hoạt miền cao. Cây bút sinh năm 1976 có đến 2/3 số lượng truyện viết về đề tài miền núi, trong đó cô thường hay tập trung vào văn hóa tết của các dân tộc thiểu số miền núi. Với lối viết khúc chiết, đằm thắm, Ngọc Hân chia sẻ: “Dù là dân tộc Mông, Tày, Dao hay Xa Phó, cốt truyện của tôi đều xây dựng bằng chữ tình. Đó là tình yêu lứa đôi, tình vợ chồng, tình cũ, tình dang dở... Nhưng tất cả phải đẹp và hướng con người đến những điều tử tế”.

Thời gian qua, không thể không kể đến tác giả Tống Phước Bảo (bút danh Trúc Thiên), cây bút 8X có nhiều dấu ấn trong năm 2019. Trong cuộc thi sáng tác truyện ngắn về phụ nữ Một nửa làm đầy thế giới do NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM phát động (2018 - 2019), Tống Phước Bảo xuất sắc đoạt giải nhất với truyện ngắn Tràng phan. Tác phẩm viết về nghề làm cờ phướn, một nghề truyền thống và qua đó nhà văn đã dệt nên câu chuyện đẹp, buồn về người phụ nữ Việt. Phước Bảo chia sẻ: “Phụ nữ vốn dĩ trong xã hội dù thời xưa hay hiện nay đều có những nghịch cảnh khiến họ đôi khi sống một cuộc đời mang nhiều xa xót. Chính những câu chuyện đời đó là chất xúc tác và là tư liệu dày dặn nhất để tôi đem vào sáng tác”.

Tuy là một nhà văn có tuổi nghề còn khá “trẻ” (viết văn từ năm 2016) nhưng cô giáo tỉnh lẻ Nguyễn Hải Yến đã chinh phục Hội Nhà văn VN với tập truyện ngắn Quán Thủy thần - giải Văn xuôi, Giải thưởng Hội Nhà văn VN 2019. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, nhận xét Quán Thủy thần là một phát hiện mới lạ của văn đàn Việt trong năm qua và xét về mặt “cống hiến”, nội dung tác phẩm đã góp phần làm dày dặn thêm những biến chuyển trong nông thôn VN trên đà đổi mới.
Sự khởi sắc đầy hứa hẹn của văn học nữ


 

 Tống Phước Bảo- Ảnh: Facebook nhân vật
Tống Phước Bảo- Ảnh: Facebook nhân vật




Mưu sinh và quyết liệt cùng con chữ

Ngoài công việc sáng tác, Tống Ngọc Hân hiện đang mở một cửa hàng tạp hóa. Cô chia sẻ: “Trước đây khi ở Sa Pa, tôi kinh doanh các mảng thổ cẩm, tơ lụa và tắm thuốc dân tộc Dao đỏ”. Tác giả Mùa hoa núi hài lòng với công việc hiện tại: “Thời gian của người kinh doanh rất vụn nên hợp với truyện ngắn”. Cô cũng là nhà văn luôn biết cách để “giữ gìn” sáng tác của mình. Đến 95% các tác phẩm của cô đều được lưu trữ dạng trực tuyến sau khi đăng báo, tạp chí.

Nguyễn Hải Yến tự nhận mình viết chậm, có truyện viết đến vài tháng nhưng cô rất chăm chút cho từng con chữ. Cô nuôi đam mê viết văn bên cạnh việc dạy học. Hải Yến chia sẻ thường chỉ viết khi đã xong việc bài vở trên lớp, có khi tầm 10 giờ đêm trở đi. Cô cho biết, từ bệ phóng là quán quân giải Văn xuôi nhờ Quán Thủy thần, cô sẽ tiếp tục đào sâu thêm nhiều u khuất trong lòng nông thôn VN.


Nhà văn Đỗ Tiến Thụy chia sẻ, việc trao giải nhất cho Vũ Thanh Lịch ở cuộc thi Lửa mới, cũng là vì tiêu chí của Văn nghệ quân đội qua các cuộc thi là “chọn mặt gửi vàng” cho những cây bút theo đuổi đến cùng nghiệp viết lách. “Nhà văn cần phải có một độ thời gian để chín... Nhiều năm qua, những tác giả đoạt giải ở Văn nghệ quân đội đều đứng vững, đi dài được với văn chương”, nhà văn Đỗ Tiến Thụy nhận định. Ông cũng đề cao các tác giả nữ khác như Y Ban, Trần Thanh Hà, Nguyễn Thị Kim Hòa... Tuy vậy, các tác giả nữ vẫn tiếp tục viết không chỉ vì những thành tích, giải thưởng, mà len lỏi trong niềm đam mê viết lách đó là nỗi sợ bị “phai màu” của người cầm bút, như Nguyễn Hải Yến bày tỏ: “Nói về văn chương trong giai đoạn hiện nay, tôi rất sợ cảnh trăm hoa đua nở mà mỗi bông hoa không có được cho mình hương sắc riêng”.
 

Theo Thế Sang (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm