Sức bật từ du lịch Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2018 đánh dấu bước phát triển đáng kể của du lịch Gia Lai khi thành công cả về lượng du khách lẫn doanh thu. Khai thác hiệu quả lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, giá trị di sản văn hóa, đổi mới quảng bá cùng chính sách đầu tư... là những yếu tố giúp “ngành công nghiệp không khói” có sự bứt phá.
Hiệu ứng từ lễ hội
Di sản sẽ trở thành tài sản khi biết cách tận dụng và khai thác những giá trị của nó. Và ngành Du lịch tỉnh đã khai thác rất tốt để mang lại lợi ích kinh tế. Liên tiếp các lễ hội văn hóa-du lịch được tổ chức luân phiên ở các địa phương đã mang lại hiệu ứng rõ rệt trong thu hút du khách. Riêng lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya 2018 đã đón lượng khách tăng gấp nhiều lần so với dự kiến với khoảng 145 ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh. Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai cũng đón lượng khách cao gấp 4 lần với 120 ngàn lượt, vượt xa so với kỳ vọng ban đầu của Ban tổ chức. 2 sự kiện này giúp lượng khách đến Gia Lai trong quý IV tăng đột biến, kéo theo lượng khách trong năm đạt 670 ngàn lượt, tăng 34% so với năm 2017. Đây là con số ấn tượng của ngành Du lịch, kéo theo doanh thu vượt 24% so với năm trước, đạt 305 tỷ đồng.
Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2018 thu hút khoảng 145 ngàn khách trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Phan Nguyên
Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2018 thu hút khoảng 145 ngàn khách trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Phan Nguyên
Một số địa phương cũng khai thác tốt văn hóa lễ hội để thu hút khách như Lễ cầu mưa của Vua Lửa (Pơtao Apui) tại huyện Phú Thiện; hay Ngày hội văn hóa-du lịch huyện Kbang giới thiệu các giá trị độc đáo, đa dạng của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và sản vật địa phương. Đặc biệt, các lễ hội này đều có sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành lớn cả nước, từ đó làm cầu nối để du khách cả nước biết đến Gia Lai nhiều hơn. Điều quan trọng nữa là những lễ hội khai thác thế mạnh di sản này đã dần hình thành tư duy và cách làm du lịch của người dân địa phương-yếu tố bền vững để phát triển kinh tế du lịch, nhất là trong giai đoạn tỉnh ta đang hướng đến xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng.
Đầu tư mạnh mẽ hạ tầng du lịch
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đánh giá, sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời cùng những chính sách đầu tư đúng đắn cho du lịch của tỉnh là yếu tố quan trọng tạo nên sự bứt phá của “ngành công nghiệp không khói”. Trong năm 2018, vốn đầu tư cho hạ tầng phát triển du lịch là gần 44 tỷ đồng, tập trung vào những điểm du lịch: Biển Hồ (TP. Pleiku); cụm di tích Tây Sơn Thượng đạo, di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng (thị xã An Khê); Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang); núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah). Trong đó, dự án tôn tạo Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong khánh thành trong năm không chỉ là địa chỉ để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ mà còn là điểm tham quan, phát triển du lịch rất tốt.
Thác Mơ (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai). Ảnh: internet
Thác Mơ (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai). Ảnh: internet
“Đôi mắt Pleiku” Biển Hồ- biểu tượng của du lịch Gia Lai-cũng được đầu tư hạ tầng, xây dựng thêm một số hạng mục để xứng tầm với danh thắng quốc gia. Đặc biệt, bảo tượng Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát làm bằng đá cẩm thạch trắng khánh thành vào dịp cuối năm đã tạo thêm sức hút cho danh thắng tự nhiên này. Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, trong năm 2019, ngành Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, xây dựng các dịch vụ và sản phẩm du lịch nhằm tạo sức bật mới. Các điểm du lịch như Biển Hồ, núi lửa Chư Đăng Ya, thác Phú Cường, du lịch lòng hồ Sê San-thác Mơ, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh… sẽ tiếp tục được đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách. Ngoài ra, sẽ có thêm một số sản phẩm du lịch mới được đầu tư như xây dựng “Khu phố ẩm thực” tại trung tâm TP. Pleiku và hình thành mô hình du lịch cộng đồng tại các làng như: Làng Ốp (TP. Pleiku), Làng kháng chiến Stơr (huyện Kbang), làng Kép, Kon Mahar và Kon Pơdram (huyện Chư Pah), làng Vai Viêng (huyện Mang Yang), làng Nú (huyện Ia Grai), Làng nghề truyền thống tại xã Glar (huyện Đak Đoa).
Tạo đà phát triển bền vững
 
“Sẽ thu hồi những dự án đầu tư không hiệu quả để trao cơ hội cho các nhà đầu tư khác” là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Hoàng trong quyết tâm đưa du lịch bứt phá. Theo đó, trong năm 2019, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào các dự án có tính đột phá như: sân golf và khu du lịch sinh thái tại xã Grar và Tân Bình (huyện Đak Đoa),  khu du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya, Công viên Văn hóa các dân tộc Gia Lai,  khách sạn 4-5 sao tại trung tâm TP. Pleiku, khu dược liệu tại huyện Kbang, Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku).

Du lịch có bước khởi sắc, tăng trưởng khá trong năm 2018, tuy nhiên theo đánh giá của Trưởng ban Chỉ đạo du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng, để du lịch phát triển bền vững, định hình được thương hiệu riêng và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thì cần sự nỗ lực không riêng ngành Du lịch. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát triển du lịch phải đồng nghĩa với tăng doanh thu, đóng góp vào GDP của tỉnh và mỗi người dân đều được hưởng lợi từ hoạt động này. Do đó, các địa phương phải phát huy lợi thế về du lịch; các sở, ngành phải phối hợp chặt chẽ, sớm khắc phục những hạn chế trong phát triển du lịch, không để bất cứ khó khăn nào cản trở bước tiến của ngành này trong khi đã hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Để đạt mục tiêu thu hút 840 ngàn lượt khách trong năm 2019 và doanh thu đạt 380 tỷ đồng,  Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Hoàng khẳng định, Sở sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh tổ chức các lễ hội văn hóa-du lịch để thu hút du khách. Tuy nhiên, các sự kiện sẽ được tổ chức theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, đảm bảo nội dung đa dạng và phong phú. “Bên cạnh đó là ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công, sớm hình thành và hoàn thiện sản phẩm cụ thể để đưa vào khai thác. Thêm nữa là đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các điểm, khu du lịch chính, tạo hành lang thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội khai thác; duy trì các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, tổ chức các hội nghị, hội thảo… nhằm xây dựng, củng cố sản phẩm và thương hiệu của du lịch Gia Lai; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trên địa bàn về thực hiện nếp sống văn minh, tạo môi trường thân thiện tại các điểm đến…”.
Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm