Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Súc nước muối có thực sự giúp giảm đau răng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mức độ đau răng thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau. Những cơn đau nhẹ hay răng ê ẩm có thể đơn giản do một mảnh thức ăn nào đó mắc kẹt giữa các kẽ răng.
Trong khi đó, cơn đau nhói có thể do răng bị gãy, lung lay hay viêm nướu. Nếu cơn đau răng xảy đến đột ngột thì có thể là dấu hiệu men răng bị tổn thương nghiêm trọng.
Khi cơn đau răng xuất hiện, nhiều người thường có xu hướng áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà trước khi đến gặp nha sĩ. Súc miệng bằng nước muối là cách được sử dụng khá phổ biến.
 
Súc miệng bằng nước muối có thể giúp giảm viêm nhiễm và các cơn đau răng do mảnh thức ăn mắc kẹt trong kẽ răng. Ảnh: Shutterstock
Súc miệng bằng nước muối có thể giúp giảm viêm nhiễm và các cơn đau răng do mảnh thức ăn mắc kẹt trong kẽ răng. Ảnh: Shutterstock
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Journal of Indian Society of Pedodontics and Preventive Dentistry phát hiện súc miệng bằng muối có hiệu quả giảm mảng bám tương đương như dùng nước súc miệng khử trùng chlorhexidine. Nhờ đó, súc miệng bằng nước muối có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh răng miệng.
Không những vậy, vì nước muối có đặc tính kháng khuẩn nên còn giúp giảm viêm nhiễm. Thói quen súc miệng bằng nước muối có thể góp phần loại bỏ những mảnh thức ăn mắc kẹt giữa các kẽ răng. Với những người đang bị đau nhức răng do mắc kẹt mảnh thức ăn thì nước muối thực sự có thể giúp giảm cảm giác khó chịu này.
Nếu bạn muốn súc miệng bằng nước muối, các chuyên gia khuyến cáo nên pha 1 muỗng cà phê muối với 1 ly nước sôi rồi khuấy đều. Sau đó, hãy đợi cho ly nước nguội rồi mới súc miệng.
Khi cho nước muối vào miệng, mọi người nên ngậm trong ít nhất 45 giây rồi mới nhổ. Thế nhưng, một điều quan trọng cần phải biết là nước muối và các biện pháp giảm đau răng tại nhà không thể điều trị hết nguyên nhân gốc rễ gây đau răng.
Do đó, một người cần đến gặp nha sĩ nếu cơn đau răng kéo dài hơn một hoặc 2 ngày, mức độ đau vẫn nghiêm trọng hoặc kèm theo đau tai, sốt hay đau khi há miệng rộng, theo Medical News Today.
Theo Ngọc Quý (TNO)

Có thể bạn quan tâm