(GLO)- …Trong câu chuyện không đầu không cuối bên ly rượu mới đây, sau khi lan man chuyện văn chuyện đời, tôi rủ nhà văn Nay Nô đi thăm đồi cỏ hồng Đak Đoa năm nay. Nhắc đến đồi cỏ hồng Glar thì Nay Nô thốt lên: “Ta man ro!”. Ngỡ ngàng, tôi hỏi: “Ta man ro” là gì? Như sực tỉnh, Nay Nô giải thích, “Ta man” theo tiếng Bahnar vùng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang có nghĩa là đồi cỏ, đồng cỏ hay thảo nguyên... Còn “Ta man Ro” có nghĩa là đồng cỏ làng Ro-không gian trong 1 tác phẩm của ông. Thảo nguyên luôn là mầm sống trong anh, như một tình yêu mãnh liệt với Tây Nguyên-quê hương anh.
Nay Nô kể rằng, khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở miền Nam Việt Nam được ký kết (27-1-1973), anh đang là phóng viên của Báo Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ (Quân khu 5). Sau đó, anh được điều lên Tây Nguyên theo dõi về tình hình thi hành Hiệp định Paris ở Gia Lai, Kon Tum. Nhiệm vụ của anh là chụp ảnh, quay phim và viết bài cho các báo của Quân khu 5. Những ngày tháng lăn lộn trên chiến trường Tây Nguyên, anh càng cảm nhận sâu sắc về đất và người nơi đây. Đặc biệt, những thảo nguyên mênh mông đã thu hút anh với bao điều kỳ thú. Trên mảnh đất khô cằn của những vùng Glar, Kon Chiêng, Kon Thụp… trong khí hậu khắc nghiệt của mùa nắng tưởng như không cây gì sống nổi, nhưng khi mùa mưa đến, những mầm sống bất chợt trỗi dậy. Ta có thể nghe tiếng tí tách bật mầm của cỏ như tiếng chim Rơ Bok mỗi buổi sáng mai. Chỉ mới hôm qua đây thôi, thảo nguyên còn đỏ au màu đất, hôm nay đã mươn mướt chồi non, để rồi màu xanh như chiếc áo mới khổng lồ nhuộm cả thảo nguyên Mang Yang… Chưa hết, sau cái màu xanh thẳm ấy, những hoa cỏ bung lên như bờm ngựa và mẩy hạt, đồng cỏ lại khoác lên mình màu xám. Rồi như có phép màu, “ta man” bất ngờ nhuộm thảo nguyên bằng một màu hồng dịu ngọt bất tận cho những mùa sang…
Đồng cỏ hồng xã Glar (huyện Đak Đoa). Ảnh: Đức Thụy |
Tất cả những sắc màu của thảo nguyên Mang Yang đã thấm sâu trong anh, khi rì rào, khi ào ạt, lúc trầm mặc, lúc du dương… để rồi bật thành truyện ngắn có tên: “Ta man ro”. Tác phẩm được Nay Nô viết trong năm 1973 và hoàn thành, in vào năm 1974, đăng trên tờ Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ số 14 với bút danh là Siu Ba. “Ta man ro” còn được nhận giải ba về tác phẩm dự thi của báo năm ấy.
Sau câu chuyện kể của Nay Nô, tôi lục tìm tác phẩm “Ta man ro” trên Google nhưng chỉ thấy vẻn vẹn thông tin: “Nhà văn Nay Nô còn có bút danh là Rơ Chăm Đray, sinh năm 1942 tại Cheo Reo, Gia Lai. Anh là người dân tộc Jrai. Năm 1965, anh vào học Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1971, anh vào chiến trường Khu 5. Nay Nô viết ký và truyện ngắn”. Cách đây mấy hôm, trong lúc tôi đang băn khoăn mãi vì chưa được đọc tác phẩm “Ta man ro” của Nay Nô, thật may lại gặp được một nữ thạc sĩ văn khoa vừa bảo vệ thành công đề tài về truyện và ký về Tây Nguyên và có biết tác phẩm nổi tiếng này của anh. Nữ thạc sĩ văn khoa cho hay, cốt truyện của “Ta man ro” kể về đời sống của buôn làng các dân tộc ở Tây Nguyên vào những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó miêu tả rất hay về thiên nhiên trên vùng đất này. Đọc tác phẩm, ta có thể nhận biết về tâm hồn phóng khoáng, bất khuất, sức sống mãnh liệt, không gì vùi lấp được của người Tây Nguyên.
Vậy là đã vào mùa cỏ hồng năm 2018. Nhiều người háo hức đến với đồi cỏ hồng Glar, Đak Đoa. Thế nhưng, mấy ai biết rằng “cỏ hồng” Đak Đoa đã đi vào văn chương cách đây hơn 40 năm?
Quốc Ninh