Tam giác mạch Hà Giang vươn mình sang thị trường Nhật Bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hà Giang nổi tiếng với những cánh đồng hoa tam giác mạch bạt ngàn. Không chỉ là điểm nhấn để phát triển du lịch, giờ đây hạt hoa tam giác mạch còn hứa hẹn tiềm năng lớn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Tam giác mạch Hà Giang vươn mình sang thị trường Nhật Bản
 
Những cánh đồng hoa tam giác với mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa xuất khẩu. Ảnh: Phùng Minh
Những cánh đồng hoa tam giác với mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa xuất khẩu. Ảnh: Phùng Minh
Từ lâu đời nay, cây hoa tam giác mạch đã gắn bó mật thiết với người dân vùng biên viễn cao nguyên đá Hà Giang.
Ngoài những cánh đồng hoa bạt ngàn, hút tầm mắt để phát triển du lịch, người dân còn tận dụng để làm các sản phẩm như bánh tam giác mạnh, rượu tam giác mạch…
Nhiều hộ dân lấy hạt để bán cho các thị trường có nhu cầu trồng hoa trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, vì diện tích nhỏ lẻ, manh mún nên năng suất và hiệu quả kinh tế kém.
 
Du khách thích thú với những cánh đồng tam giác mạch bạt ngàn. Ảnh: Phong Quang
Du khách thích thú với những cánh đồng tam giác mạch bạt ngàn. Ảnh: Phong Quang
Để tận dụng tối đa tiềm năng của tam giác mạch, giờ đây hàng trăm hecta hoa đã được phủ kín các sườn đồi trên vùng cao nguyên đá với mục đích xuất khẩu. Đây là dự án được triển khai thông qua Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam.
Thôn Cao Bành (xã Phương Thiện, TP Hà Giang) là một trong những địa phương được chọn làm vùng nguyên liệu thí điểm cho dự án trồng hoa tam giác mạch lấy hạt. Diện tích đặt hàng cho riêng thôn Cao Bành là 5 hecta. Với mục tiêu kép vừa phát triển du lịch, vừa lấy hạt xuất khẩu, những cánh đồng tam giác mạch được chăm bón kỹ lưỡng hơn. 
Ông Lê Thái Hưng - Chủ tịch UBND xã Phương Tiện, TP. Hà Giang cho biết: "Để đảm bảo năng suất hạt tam giác mạch, chính quyền địa phương đã vận động bà con nhân dân thay đổi phương thức canh tác.
Giờ đây, việc chọn giống tam giác mạch phải được chú trọng để cho hoa ra đúng thời điểm đón đầu mùa du lịch. Đồng thời phục vụ thu hoạch hạt đảm bảo mục tiêu kép."
Theo ông Hưng, việc xuất khẩu hạt tam giác mạch sang thị trường Nhật Bản sẽ hứa hẹn sẽ là một bước phát triển mới đối với kinh tế Hà Giang. Nếu được ổn định, người dân địa phương sẽ có nguồn thu không nhỏ từ loài hoa gắn liền với vùng cao nguyên đá từ bao đời nay này.
 
Hàng trăm hecta tam giác mạch được trồng với mục tiêu kép phát triển du lịch và xuất khẩu hạt. Ảnh: Phùng Minh
Hàng trăm hecta tam giác mạch được trồng với mục tiêu kép phát triển du lịch và xuất khẩu hạt. Ảnh: Phùng Minh
Trên thực tế, trong chuyến làm việc tại Hà Giang mới đây, Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam đánh giá rất cao chất lượng của hạt tam giác mạch trồng trên vùng cao nguyên đá. Đây hứa hẹn sẽ là sản phẩm tiềm năng để xuất khẩu sang Nhật Bản làm nguyên liệu sản xuất mì Soba.
Vì lẽ này, trong thời gian qua, Hiệp hội này đã triển khai trồng tam giác mạch trên diện tích khoảng 100ha với tổng sản lượng 50 tấn. Những cánh đồng hoa tam giác mạch được trồng thí điểm tại hầu khắp tại tỉnh Hà Giang. Trong đó tập trung nhiều nhất là tại TP. Hà Giang, huyện Mèo Vạc, Vị Xuyên.
Trong năm tới, Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam sẽ triển khai trồng nhiều diện tích hơn nữa trải dài khắp các huyện của tỉnh Hà Giang. Dự kiến trong năm 2023, sẽ xuất khẩu từ 300 đến 600 tấn hạt tam giác mạch Hà Giang sang Nhật Bản.
Hiện nay, tính trên toàn tỉnh Hà Giang có tất cả khoảng 400ha trồng tam giác mạch. Loài cây tam giác mạch được người dân trồng từ tháng 8 đến tháng 10. Thời gian hoa nở kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12.
Một vụ tam giác mạch chỉ mất 3 tháng kể từ khi gieo tới lúc thu hoạch. Chính vì vậy, nếu nắm bắt được cơ hội vươn mình sang thị trường Nhật Bản, người dân vùng cao nguyên đá có thể thay đổi cuộc sống nhờ loại cây thân thuộc này.
Theo Phùng Minh (LĐO)
https://laodong.vn/xa-hoi/tam-giac-mach-ha-giang-vuon-minh-sang-thi-truong-nhat-ban-1123762.ldo

Có thể bạn quan tâm