(GLO)- Sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sinh hoạt tập thể tại trường học là nguyên nhân khiến học sinh, nhất là ở bậc mầm non, tiểu học dễ bị nhiễm bệnh. Đối với các bệnh dễ lây như: thủy đậu, cúm, tay chân miệng… thì dù chỉ có một trẻ mắc bệnh cũng sẽ có nguy cơ lây nhiễm cho các trẻ khác và lây lan, bùng phát thành dịch… Chính vì vậy, chủ động phòng-chống dịch bệnh tại trường học cần được tăng cường và thực hiện thường xuyên trong mỗi năm học.
Bác sĩ Đặng Phước Toàn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku cho biết: Ngoài sốt xuất huyết hiện đang trong mùa dịch thì một số bệnh như: thủy đậu, tay chân miệng, cúm, viêm đường hô hấp… là những bệnh thường gặp nhất là ở lứa tuổi mầm non, tiểu học. Chính vì vậy, phòng-chống dịch bệnh trong trường học vào đầu năm học mới là điều cần thiết để kịp thời phát hiện, có biện pháp thích hợp tránh để dịch bệnh lây lan, bùng phát. Các trường học cần có sự phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, làm theo hướng dẫn của ngành để nhanh chóng xử lý các tình huống dịch bệnh xảy ra trong trường học.
Các trường học cần chủ động, thường xuyên tăng cường phòng-chống dịch bệnh trong trường học. Ảnh: N.N |
Đối với các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như thủy đậu, cúm… các phụ huynh cần chủ động tiêm phòng cho trẻ. Nếu thấy cần thiết, phụ huynh cũng cần tiêm ngừa phòng bệnh cho mình, tránh lây cho con. Tiêm vắc xin phòng bệnh sớm là biện pháp hiệu quả nhất và phải được thực hiện trước khi xảy ra dịch. Một số phụ huynh thường gặp sai lầm là đưa bé đi tiêm vắc xin khi thấy xung quanh có nhiều trẻ mắc bệnh. Tuy nhiên, việc tiêm muộn như vậy hiệu quả sẽ càng giảm, vì có thể trẻ đã tiếp xúc với siêu vi trùng gây bệnh.
Đối với bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, có thể giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh bằng các biện pháp vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Ngành Y tế khuyến cáo: “Để phòng bệnh sốt xuất huyết trong trường học, cần tăng cường truyền thông về việc phòng bệnh sốt xuất huyết cho giáo viên, cán bộ, học sinh, sinh viên. Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên tại gia đình; vận động giáo viên, học sinh thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) tại gia đình; kiểm tra thường xuyên để phát hiện xử lý ngay các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh trong trường học; theo dõi chặt chẽ sức khỏe của giáo viên, học sinh, trẻ em và thông báo kịp thời ngay cho y tế địa phương khi phát hiện người bị bệnh sốt xuất huyết, phối hợp xử lý ổ dịch.
“Để phòng-chống dịch bệnh hiệu quả trong trường học, các giáo viên cần theo dõi sát sức khỏe của học sinh để phát hiện kịp thời, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các học sinh khác, đồng thời báo cáo ngay cho ngành Y tế để có hướng xử lý thích hợp, tránh để dịch bệnh lây lan trong trường học. Ngoài ra, khi trẻ bị bệnh, nhất là các bệnh dễ lây, gia đình cần cho trẻ nghỉ học để tránh lây sang cho các trẻ khác”- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku Đặng Phước Toàn cho biết.
Như Nguyện