Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 20-8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình số 38-CTr/TƯ, ngày 29-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triền khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Tỉnh ủy viên đang công tác tại các cơ quan cấp tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Nam


Phát biểu quán triệt tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Gia Lai là địa phương có diện tích rừng lớn nhất Tây Nguyên. Do đó, công tác quản lý bảo vệ rừng luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở. Thời gian qua, chúng ta đã có những quyết tâm rất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư và thực hiện Chương trình 38 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh ta đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc thì công tác này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng chỉ rõ: Chỉ thị 13 của Ban Bí thư và Chương trình 38 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể rõ ràng và phân công trách nhiệm đối với các tổ chức, cơ quan, các địa phương song chúng ta đánh giá chưa sát với yêu cầu đặt ra. Do đó, tại hội nghị này, các đại biểu tham dự cần tập trung thảo luận làm rõ một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư và Chương trình 38 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng; công tác trồng rừng mới; việc tổ chức, sắp xếp bộ máy của các cơ quan, địa phương, việc phân công, phân vai trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. “Đây là hội nghị rất quan trọng. Kết quả đánh giá từ hội nghị này sẽ tiếp tục đưa ý kiến đối với 1 trong 4 chương trình trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã thông qua Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế cho người dân, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh giai đoạn 2021-2030”-Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên khẳng định.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho hay: Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW và Chương trình số 38-CTr/TU, các cấp ủy đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi cá nhân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong việc tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng; động viên, thu hút các nguồn lực đầu tư vào ngành lâm nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh tại địa phương. Bộ máy quản lý nhà nước về lâm nghiệp từng bước được kiện toàn, hệ thống tổ chức cơ sở được sắp xếp, đổi mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã được triển khai thực hiện tập trung, đồng bộ, hiệu quả hơn, số vụ vi phạm quản lý bảo vệ rừng giảm qua các năm.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, thực hiện Kế hoạch 1123/KH-UBND các địa phương đã tổ chức 1.849 đợt vận động, tuyên truyền, họp dân với 110.727 lượt người tham dự; qua vận động có 17.232 hộ dân tự nguyện kê khai với diện tích 32.280 ha, trồng rừng được 23.268 ha. Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, UBND tỉnh đã triển khai 2 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với diện tích hơn 91 ha; thực hiện Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã tạm ứng kinh phí từ ngân sách địa phương hơn 65,4 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ gia đình tham gia trồng rừng sản xuất với diện tích 7.543 ha; dự kiến năm 2021 toàn tỉnh trồng 8.000 ha rừng. Đồng thời, đã giao 138.000 ha cho hơn 10.600 hộ nhận khoán, góp phần nâng cao sinh kế, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, qua công tác tuần tra, kiểm soát, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 2.740 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng. Hiện đã xử lý 2.712 vụ, tịch thu 4.712 m3 gỗ các loại và một số lâm sản khác, 153 xe ô tô, máy kéo, 589 xe máy và một số phương tiện, công cụ khác; xử lý 11 vụ chống người thi hành công vụ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 43,9 tỷ đồng. Đồng thời, xử lý kỷ luật 18 người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương để xảy ra phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc pham vi lĩnh vực, địa bàn quản lý và xử lý 159 công chức, viên chức vi phạm kỷ luật.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam


Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan tham mưu chính, trực tiếp cùng với các ngành có liên quan nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu tại hội nghị và tham mưu UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tháo gỡ những vướng mắc. Đến quý II-2022, sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ này.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu, thời gian đến, các cấp, các ngành cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng; thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp, quán triệt sâu sắc Chỉ thị 13 và Chương trình 38 để tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nghiên cứu đề xuất, tham mưu việc kiện toàn bộ máy quản lý lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng; nghiên cứu việc tiếp tục giao khoán bảo vệ rừng, thí điểm các mô hình vừa chăm sóc, bảo vệ rừng vừa tăng cường sinh kế cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số; kiên quyết thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép, thu hồi diện tích giao, cho thuê không sử dụng hoặc không đúng mục đích; khẩn trương triển khai Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) về rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; tích cực triển khai trồng rừng mới, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh; thường xuyên quản lý, tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm.

 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm