Tăng cường truyền thông trong giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Công tác truyền thông có ý nghĩa quan trọng trong việc quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ, từ đó dễ dàng đi vào cuộc sống. Riêng đối với ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), công tác truyền thông giữ một vai trò hết sức quan trọng”-ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.
 

Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam phối hợp với Báo Gia Lai trao tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (huyện Kbang). Ảnh N.G

Có thể thấy, công tác truyền thông trong giáo dục đã được đặt đúng vị trí quan trọng của nó khi đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg  phê duyệt Đề án Truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và dạy nghề. Trong Chỉ thị nhiệm vụ năm học 2016-2017 của Bộ GD-ĐT có 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp thì giải pháp về công tác truyền thông cũng được đề cập. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hết sức quan tâm chỉ đạo công tác truyền thông. Hiện nay, ở Trung ương, Bộ trưởng trực tiếp phụ trách công tác truyền thông còn tại các địa phương, Giám đốc sở phải trực tiếp phụ trách công tác này.

Nhằm đáp ứng yêu cầu mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT trở thành một kênh thông tin tuyên truyền của ngành, vừa qua, Sở GD-ĐT đã tổ chức tập huấn công tác truyền thông cho hàng trăm cán bộ quản lý các trường và Phòng GD-ĐT. Được biết, trong ngành GD-ĐT, số cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh chiếm tỷ lệ khá lớn (chiếm gần 1/3 dân số toàn tỉnh). Một bộ phận lớn người dân  thường xuyên quan tâm đến giáo dục, do đó những thông tin liên quan đến giáo dục có ảnh hưởng, tác động đến nhiều đối tượng. “Lực lượng phóng viên báo chí có hạn, không thể thường xuyên đến từng cơ sở giáo dục để làm công tác tuyên truyền nên đôi khi thông tin chưa kịp thời về mọi hoạt động của ngành tại cơ sở. Vì vậy, tôi mong muốn mỗi cán bộ, giáo viên trở thành một người làm công tác tuyên truyền, nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”-ông Huỳnh Minh Thuận nói.

Là một trong những người đánh giá cao tầm quan trọng của truyền thông đối với ngành, ông Nguyễn Tiến Bình-chuyên viên Tiểu học (Phòng GD-ĐT huyện Kbang) cho biết: “Trong những năm gần đây, truyền thông đã hỗ trợ rất nhiều cho chúng tôi trong hoạt động của ngành, từ việc xây dựng mô hình trường học bán trú, phát triển văn hóa đọc, tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, xây dựng thư viện ngoài trời, sân bóng trong trường học... Nhờ được tuyên truyền rộng khắp những hiệu quả của từng mô hình mà chúng tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất”.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Bình, các cơ sở giáo dục tại huyện Kbang rất coi trọng công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông từ báo chí. Nhờ đó, trong nhiều năm liên tục, các trường luôn nhận được sự hỗ trợ từ các đoàn thiện nguyện đến từ khắp nơi trên cả nước. Đầu năm học, các cơ sở giáo dục tại Kbang thường được nhận hàng chục ngàn cuốn vở, bút các loại, sách truyện tranh cho các em học sinh. Ngoài ra, có nhiều nhóm thiện nguyện hỗ trợ tiền mặt cho các trường xây dựng bếp ăn cho học sinh hoặc mua sắm một số trang-thiết bị khác phục vụ công tác dạy và học. Cơ sở vật chất được đầu tư, học sinh được hỗ trợ nhiều mặt nên ngành GD-ĐT huyện Kbang nhiều năm qua đã trở thành điểm sáng của toàn tỉnh, đặc biệt là giáo dục vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số.

Bà Trần Thị Thu Hà-Chánh văn phòng Sở GD-ĐT cho rằng, việc mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành trở thành một người làm công tác tuyên truyền có ý nghĩa lớn trong công cuộc đổi mới toàn diện, góp phần làm phong phú trang thông tin của ngành. “Điều này sẽ giúp chúng tôi nắm bắt mọi hoạt động của cơ sở; đồng thời sẽ phát hiện được nhiều nhân tố tích cực thông qua những tin tức, bài viết về gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, từ đó có sự ghi nhận, khen thưởng để động viên đội ngũ giáo viên có tâm huyết”-bà Hà nói.

 Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm