Tạo điểm nhấn du lịch thu hút du khách đến thành phố Hà Tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thành phố Hà Tiên vận dụng tốt các cơ chế, chính sách, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch để đến năm 2025 thu hút trên 4,4 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 9.400 tỷ đồng.

 Bãi biển Mũi Nai thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Bãi biển Mũi Nai thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)


Với các dịch vụ du lịch hấp dẫn, đa dạng, các địa điểm du lịch phong phú, những tháng đầu năm 2022, lượng du khách đến thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) đã gia tăng. Đây là tín hiệu vui cho ngành du lịch thành phố vùng biên sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nhiều thuận lợi phát triển du lịch

Là một trong bốn vùng du lịch trọng điểm của Kiên Giang, Hà Tiên có đủ các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, biển đảo Hà Tiên, lễ hội văn hóa, di tích lịch sử, danh thắng.

Vùng biển Hà Tiên nằm trong khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Ngoài ra, Hà Tiên còn có cửa khẩu quốc tế-cửa ngõ tuyến hành lang ven biển Việt Nam-Campuchia- Thái Lan không chỉ có ý nghĩa thương mại mà còn hình thành tour du lịch kết nối các nước tiểu vùng sông Mekong với thành phố.

Địa phương đang tập trung xây dựng cảng Bãi Nò thành cảng hàng hóa-du lịch để khai thác thế mạnh vận tải biển, du lịch biển.

Ông Nguyễn Đức Chín, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tiên, cho biết nhằm tạo thêm điểm nhấn, sản phẩm du lịch chất lượng phục vụ du khách, thời gian qua, địa phương đã trùng tu, bảo tồn, nâng cấp các di tích, danh lam thắng cảnh như Thạch Động, núi Đá Dựng, Mũi Nai; núi Bình San, núi Đèn; bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội ở địa phương; khai thác tour du lịch sinh thái đầm Đông Hồ, tham quan vườn dừa nước, vườn cò…

Hạ tầng du lịch cũng được thành phố đầu tư xây dựng như đường Hoành Tấu Bãi Nò, đường quanh núi Pháo Đài, đường trục chính trung tâm quảng trường, di dời chợ đêm vào khu đô thị mới, nâng cấp các tuyến đường nội ô, hoàn thành cấp điện lưới ra quần đảo Hải Tặc (xã Tiên Hải), xây dựng cảng du lịch quốc tế Tà Lu, trung tâm thông tin du lịch Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, khu phức hợp du lịch Đá Dựng. Địa phương đã chi hàng trăm tỷ đồng cải tạo bãi tắm cát trắng tại Mũi Nai, Bãi Nò, Bãi Bàng, quần đảo Hải Tặc.

Anh Nguyễn Quốc Đạt, ngụ tỉnh Đồng Tháp, cho biết anh đã đi du lịch Hà Tiên nhiều lần. Anh thấy thành phố vùng biển đẹp hơn trước. Đây là sự thay đổi phù hợp để tạo sự mới mẻ và hấp dẫn du khách.

Đến với thành phố Hà Tiên, khách du lịch không chỉ tham quan danh lam, thắng cảnh, tắm biển, mà còn được tham gia nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí, các môn thể thao dưới biển như phao chuối, mô tô nước, phao bay, dù bay...

Anh Nguyễn Bình Nguyên, du khách đến từ thành phố Cần Thơ, cho biết trước đây đến Hà Tiên chỉ ngắm cảnh, tắm biển, thưởng thức hải sản tươi sống rồi về. Nay mọi người còn được tham gia nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí, các môn thể thao dưới biển thú vị. Nếu có thời gian, gia đình anh sẽ quay lại vùng đất thơ mộng nhiều cảnh đẹp này.

Thuận lợi của Hà Tiên là cách đảo Phú Quốc chỉ một giờ tàu chạy; cách Khu du lịch Châu Đốc chỉ hơn một giờ xe chạy và hai giờ đi ôtô đến thành phố Rạch Giá. Do đó, nơi đây đã tạo thành trung tâm du lịch kết nối liên hoàn từ đất liền ra đảo Phú Quốc và ngược lại.

Phát triển du lịch xanh-sạch-đẹp

Theo ông Nguyễn Đức Chín, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tiên, với nhiều nỗ lực, địa phương đang tập trung xây dựng, phát triển để trở thành thành phố văn hóa-du lịch, sinh thái, xanh-sạch-đẹp và là trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của khu vực và cả nước.


 

 Trung tâm xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Trung tâm xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)


Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025, Hà Tiên hình thành các khu đa hợp để huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mời gọi thu hút đầu tư như phường Mỹ Đức phát triển khu đô thị kinh tế cửa khẩu; hai phường Pháo Đài và Bình San phát triển khu đô thị bảo tồn văn hóa, lịch sử; phường Đông Hồ phát triển khu đô thị du lịch sinh thái; xã Tiên Hải phát triển đảo du lịch sinh thái, đặc trưng, khác biệt và tạo điểm nhấn, động lực mới cho phát triển của thành phố Hà Tiên…

Mục tiêu trước năm 2025, Hà Tiên sẽ trở thành đô thị loại 2 và tiếp tục phát triển thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa-di sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Địa phương phấn đấu đến năm 2025, thu hút trên 4,4 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 9.400 tỷ đồng; đến năm 2030, thu hút trên 6,4 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 34.500 tỷ đồng.

Năm 2022, địa phương đã xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch, trong đó tập trung phát triển du lịch đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội; phấn đấu năm 2022 thành phố đón 2 triệu lượt du khách.

Giai đoạn 2016-2020, bình quân thành phố thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách/năm, chỉ đứng sau thành phố Phú Quốc. Hiện Hà Tiên có gần 200 cơ sở lưu trú cho du khách với khoảng 2.500 phòng. Bốn tháng đầu năm 2022, do kiểm soát tốt dịch COVID-19, Hà Tiên đạt mốc 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 99,4% so cùng kỳ năm 2021.

Tại lễ giỗ lần thứ 287 Đức Khai trấn Mạc Cửu (1735-2022) diễn ra từ ngày 24-25/6, thành phố đã thu hút hơn 10.000 lượt khách đến chiêm bái, tưởng niệm, giao lưu và vui chơi. Tính chung 6 tháng đầu năm, địa phương đón trên 1.620.000 lượt khách, tăng 117,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Nguyễn Đức Chín cho biết thêm thời gian tới, thành phố Hà Tiên vận dụng tốt các cơ chế, chính sách, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch, trong đó tập trung kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước có tiềm lực, kinh nghiệm trên các lĩnh vực dịch vụ. Thành phố tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ tạo động lực phát triển du lịch, nhất là vùng biển, ven biển và đảo.

Theo Lê Sen (TTXVN/Vietnam+)

 

Có thể bạn quan tâm