Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Tạo đồng thuận xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công tác quần chúng đã phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội, góp phần khẳng định cơ chế đúng đắn Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ của Việt Nam.

Cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 82 thuộc Quân khu 2 giúp dân gặt lúa tại phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 82 thuộc Quân khu 2 giúp dân gặt lúa tại phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)


Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, nhân dân vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, động lực của cách mạng.

Do đó, công tác dân vận là vấn đề có tính chiến lược, là điều kiện quan trọng củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, công tác quần chúng đã phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội, góp phần khẳng định cơ chế đúng đắn Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ của Việt Nam.

Lực lượng tiên phong trong công tác quần chúng

Với tinh thần tiên phong thực hiện phương châm “sát dân, gần dân, lắng nghe ý kiến của dân,” lực lượng quốc phòng, an ninh bám sát các chỉ đạo của Đảng về công tác dân vận, hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

Trong những năm qua, lực lượng quân đội chú trọng xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân “như cá với nước”, không ngừng đổi mới phương thức công tác dân vận, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ và quân đội, tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, nòng cốt trong công tác vận động, tuyên truyền nhân dân.

Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các đơn vị quân đội đóng quân tại địa phương tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” trong quân đội…

Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan tham mưu về công tác dân vận trong quân đội, các đơn vị đã phân công ủy viên thường vụ phụ trách công tác dân vận, đưa nội dung công tác dân vận vào giảng dạy trong học viện, nhà trường quân đội; tích cực tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng công tác dân vận và công tác dân tộc, tôn giáo, phong tục tập quán, tiếng dân tộc…

Thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các cấp ủy địa phương trong công tác dân vận, các đơn vị quân đội đẩy mạnh phong trào “Thầy giáo quân hàm xanh,” “Thầy thuốc quân hàm xanh,” “Nâng bước em đến trường,” “Tết quân dân,” “Bệnh xá quân dân y,” “Mái ấm biên cương,” “Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận,” “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”… góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân.

Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nhân dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng bảo vệ.

Do đó, lực lượng công an nhân dân xác định, quần chúng nhân dân có vai trò trọng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, như lời Bác Hồ đã dạy: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.”

Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ


 

 Lực lượng CSGT ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Lực lượng CSGT ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)


quan trọng, thường xuyên của lực lượng Công an từ Trung ương đến cơ sở, chú trọng xây dựng mối quan hệ với nhân dân, đổi mới công tác dân vận theo hướng gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân.

Tính đến tháng 10/2020, lực lượng công an đã bố trí 44.832 công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 8.621 xã theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân.

Năm 2020, lực lượng Công an đã tiếp 233.203 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, trong đó có 692 vụ việc đông người, phức tạp; tiếp nhận 462.563 đơn thư trong đó có 314.912 đơn thuộc trách nhiệm giải quyết; đồng thời, chỉ đạo xác minh, giải quyết 42.486 đơn thư thuộc thẩm quyền (đạt 90% vụ việc); tham mưu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cuộc sống an toàn cho nhân dân.

Lực lượng an ninh phối hợp với các cơ quan, tổ chức đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thông qua các mô hình “Dân vận khéo,” toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Phong trào “4 cùng với nhân dân,” “Làm tốt công tác vận động đối tượng truy nã ra đầu thú,” “Hết việc, không hết giờ,” “Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.”.. được nhân rộng, tạo sức lan tỏa, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào lực lượng Công an nhân dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân.

Nêu cao trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên

Theo Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quần chúng Trung ương, công tác quần chúng luôn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm, tăng cường công tác phối hợp trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu về công tác vận đồng quần chúng.

Qua đó, công tác quần chúng đã tạo được sự đồng thuận xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.


 

 Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)


Các cấp ủy, tổ chức đảng nêu cao trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên; phối hợp để nâng cao sức mạnh chung, hiệu quả công tác vận động quần chúng.

Bên cạnh đó, công tác vận động, tuyên truyền tiếp tục được đổi mới, quan tâm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Công tác dân vận góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cơ chế phối hợp trong hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng tham mưu cho các cấp ủy, tổ chức lãnh đạo; góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật, phát huy hiệu quả cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đem lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực trên tất cả các lĩnh vực.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, đã nỗ lực thực hiện tốt chức năng đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với các tổ chức quần chúng.

Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Công tác dân vận với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, kiều bào được quan tâm, chủ động nắm bắt tình hình, hạn chế xảy ra các điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự.

Việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, các hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài được phát huy ngày càng hiệu quả.

Công tác đối ngoại nhân dân và phối hợp công tác dân vận ở vùng biên giới được chú trọng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với nhân dân các nước láng giềng.

Nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ quan trọng của công tác quần chúng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai yêu cầu: “Người làm công tác quần chúng phải làm tốt trách nhiệm đại diện cho các tầng lớp nhân dân; tập hợp, phát triển và mở rộng lực lượng trong điều kiện mới, song song với việc giữ vững vai trò nòng cốt chính trị, là cầu nối của Đảng với các tầng lớp nhân dân.”

Trong thời gian qua, Hội đồng Công tác quần chúng Trung ương tiếp tục được đổi mới về cách thức hoạt động trong nắm bắt, đánh giá tình hình, vận động nhân dân; các hoạt động sát với thực tiễn, gắn với đặc điểm từng địa bàn; chú ý đến các ý kiến trên mạng xã hội và đấu tranh trước những suy nghĩ không đúng đắn…; tăng cường vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức quần chúng và nhân dân để hoàn thiện thể chế, chủ trương, chính sách…

Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch công tác thiết thực, hiệu quả; kịp thời nắm bắt, báo cáo tình hình nhân dân.

Hội đồng tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các biện pháp chỉ đạo công tác quần chúng, công tác dân vận của hệ thống chính trị nhằm hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trong tình hình mới.

Theo Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm