Phóng sự - Ký sự

Tảo hôn thời 4.0

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tưởng rằng vấn nạn tảo hôn chỉ phổ biến ở một số xã vùng sâu, vùng xa, nào ngờ những “lời ru buồn” vẫn tồn tại ở một xã nằm sát TP. Pleiku. Thay vì tiếp nhận những tiến bộ của đời sống đô thị, một số trẻ em lại sa đà vào mạng xã hội rồi yêu đương từ rất sớm. Nhiều em chỉ mới bước vào tuổi 13-14 đã làm cha làm mẹ, để lại bao hệ lụy đáng tiếc.
Khi điện thoại là “bà mối”
Đang trong mùa gặt nên ông Puih Duch-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Jút 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cứ hẹn chúng tôi hết lần này đến lần khác. Đến lần thứ 3 thì ông mới “chốt” gặp ở nhà văn hóa làng để dẫn chúng tôi đến tìm hiểu trường hợp “lấy chồng từ thuở 13”. Vòng vèo trên con đường bê tông rộng thoáng của làng đầu tiên trong xã đạt chuẩn nông thôn mới, chúng tôi rẽ vào nơi hẹn. Đang phụ giúp gia đình làm bữa cơm chiều, cô gái có dáng người thấp đậm, phốp pháp bước ra khi nghe gọi cửa. Trên tay cô là đứa bé chừng hơn 1 tuổi.
Thoạt nhìn, những người mới gặp lần đầu rất khó tin khi biết cô gái đối diện mới 15 tuổi. Đó là Puih H’Liêng (SN 2006, trú làng Jút 2) lấy chồng cách đây 2 năm. Chỉ vài dòng sơ lược, có thể nhận thấy đây là trường hợp tảo hôn khá sớm. Câu chuyện liên tục bị gián đoạn bởi đứa trẻ nghịch ngợm, lúc thì đòi trèo lên bàn ngồi, lúc ngã ngửa ra như chực rơi khỏi tay mẹ. Lúng túng trước khách lạ, người mẹ càng vụng về, không biết cách nào để dỗ dành con. Thấy vậy, bố chồng đứng gần đó chạy đến bế đứa cháu nội thay cho con dâu. Trả lời câu hỏi: “Biết con dâu còn nhỏ sao đồng ý cho chúng nó lấy nhau?”, ông Rơ Mah Hlunh đáp lời như một lẽ đương nhiên: “Chúng nó thích thì cho lấy nhau thôi. Cũng như mình trước đây thích thì mình lấy”. Càng kinh ngạc khi biết người đàn ông hơn 50 tuổi này đã có… chắt.  
Puih H’Liêng (SN 2006, làng Jút 2) hiện chỉ mới 15 tuổi nhưng lấy chồng cách đây 2 năm và có con gái hơn 1 tuổi. Ảnh: Minh Nguyễn
Puih H’Liêng (SN 2006, làng Jút 2) hiện chỉ mới 15 tuổi nhưng lấy chồng cách đây 2 năm và có con gái hơn 1 tuổi. Ảnh: Minh Nguyễn
Ngượng ngùng, mắt lẩn tránh ánh nhìn người đối diện, H’Liêng tâm sự: Mẹ mất khi em mới học lớp 2, bố lấy vợ khác nên em về sống với chị. Học hết lớp 3, em nghỉ học phụ chị làm rẫy. Nhà chị cách nhà chồng bây giờ không xa, lại cùng làng nên biết nhau. Siu Tái-chồng H’Liêng lúc đó bước sang tuổi 20, thu hút bởi vẻ chững chạc nên mỗi khi có chuyện buồn, em thường chia sẻ qua tin nhắn Zalo. Chỉ sau vài tháng tỉ tê, H’Liêng đã dọn về ở nhà chồng sau một bữa tiệc nhỏ mời họ hàng. Dù em được nhà chồng công nhận là con dâu “hợp pháp” nhưng trong giấy khai sinh của con chỉ có tên mẹ, còn tên cha thì để trống. Nối gót người chị đầu lấy chồng sớm (ở tuổi 15), H’Liêng giờ không còn được ngày ngày cắp sách đến trường như những bạn bè cùng lứa. Cuộc sống hiện tại của em là những chuỗi ngày lo toan chuyện cơm nước, nương rẫy và sinh con đẻ cái cho nhà chồng.
Ksor H’Yen (SN 2005, trú làng Breng 3) cũng “bắt chồng” rất nhanh sau một lần “say nắng”. Đó là lần đến thăm gia đình chị gái ở làng O Rê 1 (xã Ia Grăng, huyện Ia Grai). Tình cờ gặp Puih Hlâm-người đàn ông xấp xỉ 40 tuổi, nói năng nhẹ nhàng, H’Yen chợt cảm mến. Sau cái nhìn đầu tiên, số điện thoại liên lạc đã được kết nối. Những cuộc gọi qua mạng Zalo, những tin nhắn qua lại khiến cả hai ngày càng bị hút về phía nhau. Chỉ sau vài tháng, cô gái 14 tuổi H’Yen đã dẫn chồng về ở rể và nhận được sự đồng ý của gia đình. Giải đáp thắc mắc về chuyện hẹn hò “xa xôi, cách trở” trước đó, H’Yen giơ chiếc điện thoại trên tay lên tủm tỉm cười, ngụ ý đây là “bà mối” se duyên cho họ. Nhìn gương mặt ngây thơ, nụ cười non nớt, hồn nhiên của H’Yen, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Lấy nhau hơn 2 năm, con cũng hơn 1 tuổi, nhưng vợ chồng họ vẫn chưa có điều kiện ra riêng. Chồng thì công việc lúc có, lúc không, còn H’Yen chỉ biết mỗi việc chăm con, việc chi tiêu đều đã có cha mẹ lo.
Ksor H’Yen (SN 2005, làng Breng 3) cũng lấy chồng từ năm 14 tuổi, hiện đã có con hơn 1 tuổi. Ảnh: Minh Nguyễn
Ksor H’Yen (SN 2005, làng Breng 3) cũng lấy chồng từ năm 14 tuổi, hiện đã có con hơn 1 tuổi. Ảnh: Minh Nguyễn
Trước khi dọn về nhà chồng, hơn 2 năm qua, mẹ con Puih H’Sinh (SN 2003, làng Jút 2) vẫn sống nhờ nhà cha mẹ mình. Đứa con là kết quả mối tình “học trò” của H’Sinh với Kpuih Cường (SN 2003, làng Blang 3). Vừa hết lớp 9 thì đôi bạn cùng lớp nghỉ học để lấy nhau khi chỉ mới bước vào tuổi 15. Do con gái, con rể đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nên chị Puih H’Ngle vừa lo cái ăn cái mặc cho chúng, vừa phải chăm cả đứa cháu. H’Sinh hồn nhiên kể: “Ngoài thời gian gặp nhau ở lớp, để bố mẹ không biết, chúng em tranh thủ nhắn tin, gọi điện thông qua mạng xã hội. Bạn bè cùng tuổi với em cũng có nhiều đứa lấy chồng, lấy vợ sớm như em”.
Khai sinh trước, cưới sau
Ông Siu Hnit-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr: “Các đoàn thể đều biết tảo hôn là vi phạm pháp luật nhưng việc xử lý cũng rất khó khăn, vì cơ sở họ giấu, không thông báo. Thời gian tới, chính quyền địa phương, đoàn thể thôn, làng phải vào cuộc quyết liệt, nắm bắt từng trường hợp tảo hôn để kịp thời tuyên truyền, vận động; đồng thời phải kiên quyết xử lý và xử phạt nghiêm. Ngoài ra, cần xây dựng quy ước, hương ước tại các thôn, làng nhằm cam kết không để xảy ra trường hợp tảo hôn”.
Tình trạng “vợ chồng trẻ con” theo kiểu cưới trước, khi nào đủ tuổi quy định thì đi đăng ký kết hôn đang diễn ra ở nhiều làng. Tuy nhiên, con số thống kê chưa phản ánh hết tình hình. Già làng Jút 2 Puih Duch cho hay: Chuyện lấy chồng, lấy vợ sớm ở các làng chưa bao giờ diễn ra dễ dàng như thời điểm này. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ thời 4.0, thêm nữa hầu như ai cũng sở hữu 1 chiếc điện thoại di động nên cha mẹ rất khó quản lý bọn trẻ ở làng trong việc tiếp cận các kênh giải trí, phim ảnh không lành mạnh. Cũng với những tiện ích từ tin nhắn, cuộc gọi trên mạng xã hội mà chúng dễ dàng hẹn hò, yêu đương từ rất sớm. Chưa hiểu tình yêu là gì, chỉ cần thấy thích nhau là các em đòi cưới, không thì dọa tự tử. Còn bố mẹ, sợ có chuyện không hay nên đành chiều con. “Ngày trước, nam nữ thanh niên còn mất thời gian đi chơi qua lại để tìm hiểu chứ bây giờ “công đoạn” này được rút ngắn rất nhiều. Chỉ cần qua bạn bè, người thân, chúng kết nối Zalo, gọi điện tán tỉnh, rồi à ơi những lời yêu đương, gửi hình ảnh cho nhau. Khi chúng ưng nhau thì “chuyện đã rồi”, ba mẹ buộc phải cho chúng về ở với nhau. Yêu đương giờ tiến bộ quá, tiện đâu chẳng thấy, cứ ngồi “bấm bấm” rồi thế nào cũng có đứa mời đi ăn hỏi, nhưng phải chờ chúng đủ tuổi mới được ăn cưới. Câu chuyện tảo hôn cứ thế diễn ra, chưa có cách ngăn chặn hữu hiệu”-già Puih Duch than thở.
Già làng Jút 2 trăn trở: Vài năm gần đây, “vợ chồng trẻ con” lấy nhau giống như trào lưu vậy. Lúc nào chúng cũng kè kè điện thoại cảm ứng bên mình, lúc rảnh rỗi là quay ra chát chít. Thông qua mạng xã hội, những mối quan hệ nhanh chóng được mở rộng, vượt ra khỏi không gian nhỏ hẹp của làng. Chưa từng gặp mặt nhưng chúng có người yêu ở tận Kon Tum hay thị xã Ayun Pa. Một khi vào tầm ngắm là đôi trẻ dắt nhau về nhà, mặc cho cha mẹ có đồng tình hay không. “Làng chỉ xử phạt những trường hợp vợ chồng bỏ nhau, hoặc có quan hệ sâu sắc rồi nhưng không chịu lấy. Còn chúng thích nhau, quyết lấy nhau làng cũng chịu”-già Puih Duch than vãn.
Em Puih H'Sinh (SN 2003, làng Jut 2) cũng có mối tình học trò cách đây hơn 2 năm (ảnh chụp trước 30-4). Ảnh: Minh Nguyễn
Puih H'Sinh (bìa phải, SN 2003, làng Jut 2) cũng có mối tình học trò cách đây hơn 2 năm (ảnh chụp trước 30-4). Ảnh: Minh Nguyễn
Trước khi chúng tôi tiếp cận các trường hợp này, anh Rơ Châm Si-cán bộ Tư pháp xã Ia Dêr-thông tin, tảo hôn là câu chuyện đang rất “nóng” ở 12 làng đồng bào dân tộc thiểu số trong xã. “Có trường hợp “Lấy chồng từ thuở 13” không?”-chúng tôi thăm dò. Si cười ẩn ý: Hỏi thăm bình thường thì có, nhưng khi có việc gì thì gia đình họ giấu ngay. Đưa tôi mấy quyển sổ đăng ký khai sinh, Si dặn dò: Nhờ anh lật tìm giúp, để ý chỗ nào chừa trống tên cha là đích thị chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Tôi không đủ kiên nhẫn lật hết đống sổ, nhưng chỉ cần lướt qua có thể thấy, trong số 1.681 trường hợp đăng ký khai sinh từ đầu năm đến nay, có rất nhiều chỗ để trống phần khai báo họ tên người cha. Anh Si thừa nhận: “Thực trạng tảo hôn trên địa bàn xã hiện rất phức tạp. Trong khi đó, trẻ em có quyền được làm giấy khai sinh dù không có bố. Đến khi bố hoặc mẹ đủ tuổi đăng ký kết hôn, họ mới làm văn bản bổ sung tên cha trong giấy khai sinh của con, rồi thêm văn bản thừa nhận con chung. Mỗi 1 trường hợp như vậy phải mất đến 2 ngày làm thủ tục, vậy nhưng chỉ nhắc nhở, chưa thấy xử phạt. Dù đã được tuyên truyền rằng, nạn tảo hôn sẽ dẫn đến các hệ lụy về sức khỏe sinh sản, con cái cũng bị ảnh hưởng trong phát triển thể chất, trí tuệ… thì họ đâu có nghe”.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr Siu Hnit cho biết: Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã đang có chiều hướng gia tăng. Nếu năm 2017, toàn xã chỉ có 5 cặp tảo hôn thì đến năm 2018 tăng lên 18 cặp; còn số liệu gần đây thì xã… không dám thống kê. Thông qua những buổi họp làng, các tổ chức, đoàn thể của xã đã tích cực vận động cha mẹ quan tâm nhắc nhở con cái, không cho các cháu chưa đủ tuổi lấy nhau nhưng tình trạng tảo hôn vẫn phổ biến. Thậm chí, con của một số cán bộ xã cũng nằm trong những trường hợp này.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm