(GLO)- Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ Nguyễn Trường trong buổi hội thảo về cánh đồng mía lớn vừa diễn ra sáng 15-9 tại địa phương. Thời gian qua, việc dồn điền dồn thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất một cách mạnh mẽ đã từng bước nâng cao được giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Hồng Thi |
Mía từ lâu được xem là cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện Đak Pơ với tổng diện tích 7.576 ha. Do quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu từ 0,5 ha đến 3 ha/hộ nên việc thực hiện cơ giới hóa đồng bộ tương đối khó. Năng suất mía vì thế trung bình chỉ đạt khoảng 65 tấn/ha. Tuy nhiên từ niên vụ 2013-2014 đến nay, Nhà máy Đường An Khê đã liên kết cùng nông dân, đầu tư sản xuất mía theo cánh đồng lớn. Theo đó, Nhà máy đã thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng, hỗ trợ phân bùn, đồng thời hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc mía khoa học. Nhờ thế, năng suất mía không ngừng tăng lên, bình quân đạt 100 tấn/ha, có nơi đạt 140 tấn/ha. Lợi nhuận thu được từ cây mía cũng được nâng cao hơn so với phương thức canh tác đại trà truyền thống. Trước hiệu quả rõ rệt ấy, trong những năm gần đây, huyện Đak Pơ đã không ngừng khuyến khích nhân dân thực hiện và nhân rộng mô hình này bằng nhiều giải pháp, cơ chế. Đến nay, toàn huyện đã có 295,3 ha mía thực hiện theo mô hình cánh đồng lớn với 358 hộ tham gia.
Về cơ chế hỗ trợ nông dân khi tham gia cánh đồng mía lớn, tại hội thảo, đại diện Nhà máy Đường An Khê cho biết, đối với mỗi ha, Nhà máy sẽ hỗ trợ 10-15% chi phí cày đất tùy theo từng thửa đất, 40-50 tấn phân bã bùn, 10 triệu đồng tiền giống mía và sẽ ưu tiên thu hoạch đúng thời gian mía chín. Song song với đó, Nhà máy cũng thực hiện bảo hiểm giá trị và bảo hiểm năng suất đối với cây mía thuộc cánh đồng lớn. Ngoài ra, khi tham gia mô hình, người dân còn được UBND huyện Đak Pơ hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đối với mía tơ, 5 triệu đồng/ha đối với mía lưu gốc năm 2 khi phá bỏ để trồng lại theo mô hình cánh đồng lớn.
Một mô hình cánh đồng mía lớn tại thị trấn Đak Pơ. Ảnh: Hồng Thi |
Tại hội thảo lần này, người trồng mía đã được đối thoại trực tiếp với chính quyền địa phương, Nhà máy cũng như trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Trong đó, tập trung tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại trong triển khai thực hiện và bàn bạc hướng giải quyết khắc phục. Cụ thể: công tác dồn diền đổi thửa gặp khó do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, địa hình không bằng phẳng; nông dân còn tư tưởng ỷ lại; tổ chức đại diện nông dân chưa phát huy đầy đủ vai trò cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp; quá trình tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế khiến người dân mất niềm tin vào doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Trường cho hay thêm: Quyết định số 470 ngày 12-7-2016 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định tiêu chí cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh có quy định diện tích đối với cánh đồng mía lớn phải đạt tối thiểu 30 ha và phải 5 trong 1 vùng sản xuất chuyên canh tập trung, không nhất thiết liền thửa. Thực hiện Quyết định này, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Nhà máy Đường An Khê khảo sát và lập phương án xây dựng cánh đồng mía lớn tại các xã, thị trấn. Theo đó, trong niên vụ tới, trên cơ sở một số cánh đồng đã hình thành trước đó, huyện sẽ tiếp tục triển khai xây dựng mở rộng thêm để hình thành các cánh đồng lớn chuyên canh, gồm: cánh đồng mía lớn xã Tân An, dự kiến rộng 82,6 ha với 168 hộ tham gia; cánh đồng mía lớn thị trấn Đak Pơ rộng 46,5 ha với 83 hộ tham gia và cánh đồng mía lớn làng Bút, xã An Thành rộng 42 ha với 31 hộ tham gia.
Hiệu quả từ việc xây dựng cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật vào sản xuất mía là điều ai cũng thấy rõ. Việc cần làm là phát huy tính tích cực của mỗi cá nhân, của các cấp chính quyền địa phương để người dân nhận thức đầy đủ, rõ ràng, tự giác hăng hái tham gia thực hiện.
Hồng Thi