Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 22-6, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Hội nghị lần thứ 9 (mở rộng) nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2017. Hội nghị lần này đã tập trung phân tích, làm rõ các tồn tại, hạn chế ở các lĩnh vực kinh tế; giải quyết các vướng mắc trong việc triển khai kế hoạch về tái canh cây cà phê; nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Các đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy đồng chủ trì hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đ.T
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đ.T
Nhiều tín hiệu khả quan
  Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế có mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 17.127 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tốc độ tăng trưởng ước đạt 8,97%. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,58%; công nghiệp-xây dựng tăng 13,01%, dịch vụ tăng 8,35%; thuế sản phẩm tăng 7,35%. Sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển, giá trị ước đạt 7.742 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, ước thực hiện 8.318 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.112 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ…
Ở lĩnh vực nông nghiệp, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn đối với cây mía có nhiều chuyển biến tốt. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chỉ đạo triển khai tích cực. Đến nay, toàn tỉnh đã có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác “đền ơn đáp nghĩa” được triển khai tốt, đặc biệt là cơ bản hoàn thành Chương trình hỗ trợ về nhà ở cho Người có công. Tình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh tiếp tục được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đại biểu Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo: 6 tháng đầu năm toàn tỉnh có 289 doanh nghiệp và 140 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới với vốn đăng ký 1.324 tỷ đồng. Đến nay, đã có 21/22 dự án được trao quyết định, giấy chứng nhận cam kết đầu tự tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2016 đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục, nhiều dự án đã được triển khai. “Ngay sau Hội nghị xúc tiến đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các sở ngành của tỉnh thực hiện chương trình kết nối đầu tư, làm việc cụ thể với từng chủ đầu tư. Chúng tôi đã tập trung tháo gỡ những vướng mắc, giúp các dự án này được nhanh chóng triển khai thực hiện”-ông Thành cho biết.
Bên cạnh đó, đại biểu Hồ Phước Thành cũng thông tin, thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư của Nhật Bản đã liên hệ với tỉnh thực hiện dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao với mô hình trồng dưa lưới, dưa hấu; các nhà đầu tư đến từ Singapore, Tây Ban Nha đăng ký đầu tư 25 dự án điện năng lượng mặt trời… Các dự án này nếu được triển khai sẽ mang lại nhiều nguồn thu cho tỉnh trong tương lai. 
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang biểu dương các sở ngành đã có nhiều nỗ lực công tác trong 6 tháng đầu năm 2017
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang biểu dương các sở, ngành đã có nhiều nỗ lực công tác trong 6 tháng đầu năm 2017. Ảnh: Đ.T
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã biểu dương các cấp, các ngành có nhiều nỗ lực, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với Nghị quyết đề ra. Cụ thể, 17 huyện thị xã, thành phố đã kịp thời giải quyết thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công đang khó khăn về nhà ở với trên 1.000 căn nhà được sửa chữa và xây dựng mới. Các địa phương tích cực xây dựng nông thôn mới, khả năng năm 2017 tỉnh sẽ có thêm 22 xã đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Các huyện như: Phú Thiện, Krông Pa, Ia Pa, Đak Pơ, Kbang, thị xã Ayun Pa quan tâm phát triển cánh đồng mía lớn tập trung vào các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. TP. Pleiku đã quyết liệt triển khai tốt công tác giải phóng lòng lề đường, vỉa hè. Công tác thu ngân sách tăng cao so với cùng kỳ…
Tập trung tháo gỡ khó khăn 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận các vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua như: việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch các loại cây trồng, vật nuôi chưa chặt chẽ, nhất là phát triển diện tích hồ tiêu. Tiến độ các chương trình, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp triển khai còn chậm so với kế hoạch. Tình hình phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tuy có giảm nhưng vẫn còn phức tạp. Một số dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước chậm hoàn thành thủ tục. Nhiều địa phương chưa thật sự quyết tâm, tích cực trong công tác cải cách hành chính. Công tác xúc tiến đầu tư vẫn còn một số vướng mắc, nhất là trên các lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, năng lực tài chính của các chủ đầu tư. Công tác quy hoạch chi tiết phát triển du lịch quá chậm. Tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn còn phức tạp, số vụ tai nạn vẫn ở mức cao. Trách nhiệm của các địa phương trong công tác quản lý giống cây trồng còn nhiều hạn chế...
Đại biểu Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo tiến độ sửa chữa, xây dựng mới nhà ở cho những hộ gia đình người có công
Đại biểu Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo tiến độ sửa chữa, xây dựng mới nhà ở cho những hộ gia đình người có công. Ảnh: M.N
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận tiến độ thực hiện kế hoạch trồng rừng ở các địa phương, một số khó khăn trong việc mở rộng diện tích các cánh đồng lớn, đặc biệt là lĩnh vực tái canh cây cà phê. Đến nay, mặc dù các địa phương có nhiều nỗ lực hướng dẫn người dân thực hiện chương trình tái canh cây cà phê, nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ phía ngân hàng đối với người dân vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, vướng mắc hiện nay là việc người dân muốn thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để vay vốn một lần theo nhu cầu chứ không phải giải ngân từng phần như hiện nay của ngân hàng; việc cho vay tín chấp nhưng phải nộp sổ đỏ, phải có xác nhận của xã là đất không có tranh chấp… “Nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn, nhưng điều kiện để được vay không đảm bảo, do vậy đề nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh để người dân tiếp cận được nguồn vốn này”-Đại biểu Nguyễn Hồng Hà-Bí thư Huyện ủy Chư Sê kiến nghị.
Trước kiến nghị này, đại biểu Nguyễn Văn Cư-Giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh Gia Lai cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tháo gỡ khó khăn vướng mắc để người dân tiếp cận nguồn vốn; tháo gỡ vướng mắc trong việc thế chấp tài sản; tập trung các nguồn để người dân vay tái canh cây cà phê, thực hiện cánh đồng lớn; phối hợp với các sở ngành, địa phương thống kê đầy đủ về nhu cầu vay vốn của người dân. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trương Phước Anh xác nhận, hiện nay trên địa bàn tỉnh nguồn vốn vay tái canh cây cà phê chỉ mới giải ngân được 23 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn cây giống chất lượng dành cung cấp cho việc tái canh cây cà phê đã được Sở và các địa phương chuẩn bị. Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 vườn ươm, khả năng cung cấp đến 1 vạn cây giống.
Qua thảo luận của các đại biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chỉ đạo: 6 tháng cuối năm 2017, các sở, ngành cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; chú trọng phát triển nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, triển khai các kế hoạch về tái canh cây cà phê, tưới tiết kiệm. Tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hoàn thành chỉ tiêu 22 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, mọi nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2017 còn dưới 13,95% (giảm 2,6%); hoàn thành kế hoạch hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho người có công. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, tiếp tục nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; chủ động kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình tham gia trồng rừng sản xuất, đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng mới 7.491 ha. 
Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt nhấn mạnh, các ngành cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Cần kết nối với các nhà đầu tư đã được trao quyết định, giấy chứng nhận, cam kết đầu tự tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2016 và khu vực Tây Nguyên lần thứ IV năm 2017 tại Đak Lak để hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục, sớm triển khai dự án; chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh cuối năm 2017; đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu; thu ngân sách phấn đấu đạt và vượt tiêu chí đề ra…
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm