Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Tập trung nguồn lực hoàn thành chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 38-CTr/TU ngày 29-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cùng chủ trì hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Rah Lan Chung.

Giảm số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho biết: Triển khai thực hiện Chương trình số 38 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các địa phương, lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ rừng đến cộng đồng dân cư, trường học bằng nhiều hình thức. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 997 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng với 69.790 lượt người tham gia; phát 55.500 tờ rơi, 97.500 tranh tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng các loại; tổ chức 1.849 đợt tuyên truyền, vận động, họp dân về kế hoạch thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng với 110.700 lượt người tham dự.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đăng Vũ


Cùng với đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng được chú trọng đúng mức. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 2.940 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm 2.741 vụ (tương ứng 48,25%) so với giai đoạn 2012-2016. Riêng 10 tháng năm 2022, các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ 290 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm 111 vụ (tương ứng 27,7%) so với cùng kỳ năm 2021; đã xử lý hình sự 29 vụ, xử lý vi phạm hành chính 158 vụ và đang điều tra, xử lý số vụ còn lại.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đầu tư trồng rừng sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án trồng rừng với diện tích 5.290 ha, vốn đăng ký 224 tỷ đồng; đang hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ chủ trương đầu tư 7 dự án trồng rừng với diện tích 16.331 ha, vốn đăng ký 1.386 tỷ đồng; 1 dự án chế biến gỗ (huyện Kông Chro) với vốn đăng ký 32,02 tỷ đồng; 1 nhà đầu tư quan tâm dự án trồng dược liệu dưới tán rừng với diện tích 2.800 ha. Tỉnh cũng đã ban hành danh mục thu hút đầu tư trồng rừng giai đoạn 2021-2025 (đợt 2) với 8 dự án trồng rừng, diện tích 4.635 ha; 1 dự án chế biến gỗ (công suất 20.000 m3/năm tại Cụm Công nghiệp Đak Djrăng, huyện Mang Yang).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng đối với diện tích rừng hiện do UBND cấp xã quản lý. Năm 2021, các huyện: Chư Pưh, Mang Yang, Kông Chro, Chư Prông, Đak Đoa, Krông Pa đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch giao rừng với tổng diện tích 15.650,12 ha. Các huyện đã tổ chức giao rừng cho 30 cộng đồng (1.574 hộ tham gia) và 70 hộ gia đình được 11.291,2 ha, đạt 72,15%. Năm 2022, các huyện: Chư Pưh, Đak Đoa, Kông Chro, Krông Pa, Chư Păh, Ia Pa, Đức Cơ, Chư Prông xây dựng kế hoạch giao rừng và đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích 6.851,4 ha.

“Để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm canh, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại các xã vùng sâu, vùng biên giới và giáp ranh, tỉnh đã tổ chức ký kết và thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ rừng với các tỉnh giáp ranh gồm: Đak Lak, Phú Yên, Bình Định, Kon Tum; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin.

Cần chế độ đặc thù cho lực lượng bảo vệ rừng

Tuy đã đạt được những kết quả phấn khởi, song công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung cho rằng: “Dù tăng cường bảo vệ nhưng rừng vẫn mất, công tác quản lý vẫn còn chồng chéo; một số chủ trương, chế độ, chính sách vẫn chưa thỏa đáng; công tác phối hợp của các đơn vị liên quan, công tác quản lý của các đơn vị chủ rừng vẫn còn chưa thống nhất”.

 

Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hà Duy


Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ka Nak Trần Văn Hòa: “Công ty được Nhà nước giao quản lý 7.746,13 ha, trong đó, 7.622,31 ha có rừng tự nhiên, diện tích đất có rừng trồng là 57,53 ha, đất chưa có rừng là 13,65 ha, còn lại là các loại đất khác. Thực hiện Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020, mức hỗ trợ các công ty lâm nghiệp tạm dừng khai thác giai đoạn 2014-2020 là 200 ngàn đồng/ha/năm. Mức hỗ trợ này ban hành từ năm 2014, đến nay không còn phù hợp. Với mức hỗ trợ này, Công ty không đủ nguồn kinh phí để hoạt động. Đề nghị UBND tỉnh tăng mức hỗ trợ cho các công ty lâm nghiệp trong các năm tới cho phù hợp với điều kiện thực tế”.

Nói về khó khăn trong việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lương Thanh Bình cho hay: Đa số diện tích đất rừng bị lấn chiếm để làm nương rẫy là của người dân tộc thiểu số địa phương. Do tâm lý lo sợ bị thu hồi đất, sợ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi lấn chiếm đất rừng trái phép nên người dân không dám kê khai. Vì vậy, tỉnh rất khó khăn trong việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất rừng bị lấn chiếm đã được người dân sản xuất nương rẫy ổn định, lâu đời và trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều... có giá trị kinh tế cao nên công tác thu hồi cũng gặp không ít khó khăn. Diện tích đất rừng bị lấn chiếm làm nương rẫy nằm rải rác, đan xen trong rừng; việc xâm canh từ nơi khác tới cũng khó khăn cho việc thống kê, rà soát, xác định chủ thể sử dụng đất.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông-lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 433/QĐ-UBND ngày 28-8-2020. Tuy nhiên, đến nay, các cấp vẫn chưa hỗ trợ và phân bổ kinh phí nên chưa có cơ sở để trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập thiết kế kỹ thuật-dự toán chi tiết để triển khai.

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, dù số vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đã giảm gần 50% so với giai đoạn 2012-2016 nhưng vẫn còn rất lớn (gần 3.000 vụ). Điều này cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Lý giải điều này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Văn Huân cho biết: Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16-10-2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của lực lượng Kiểm lâm quy định: “Cứ 1.000 ha rừng có 1 biên chế kiểm lâm”. Hiện tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh là 631.281 ha, trong khi biên chế đang có mặt ở Chi cục Kiểm lâm là 324 công chức. Số lượng biên chế này quá ít so với yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong tình hình mới.

Theo phản ánh của nhiều chủ rừng, lực lượng Kiểm lâm cũng như lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang gánh vác nhiệm vụ khá nặng, phải hoạt động ở môi trường xa xôi, địa hình hiểm trở, làm việc không có giờ giấc. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng lại không đủ thẩm quyền xử lý khi có vụ việc vi phạm, trong khi lỡ để mất rừng thì bị xử lý quá nặng, chế độ chính sách còn quá thấp. Đây là nguyên nhân khiến trong gần 2 năm trở lại đây đã có 23 viên chức làm công tác quản lý bảo vệ rừng tại các ban quản lý rừng phòng hộ xin nghỉ việc.   

Theo Bộ luật Lao động, người lao động làm việc không quá 48 giờ/tuần, không quá 8 giờ/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, theo báo cáo của các chủ rừng, lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ đang phải sống, sinh hoạt, làm việc tại rừng 24/24 giờ, 6-7 ngày/tuần. Nhiều trạm kiểm lâm, bảo vệ rừng ở vùng sâu, vùng xa không có điện lưới, không sóng điện thoại, điều kiện sinh hoạt, đi lại gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, tính chất công việc vất vả, nguy hiểm nên việc tuyển dụng lực lượng bảo vệ rừng cũng gặp khó khăn. Lực lượng mỏng, chế độ đãi ngộ chưa cao, trong khi địa bàn quản lý rộng là những nguy cơ tiềm ẩn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Văn Huân-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hà Duy


Từ thực tế đó, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề xuất: “Tỉnh cần hỗ trợ chi phí sinh hoạt đặc thù đối với lực lượng trực tiếp làm công tác bảo vệ rừng như: công chức kiểm lâm làm việc tại các hạt kiểm lâm cấp huyện, Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, viên chức thuộc lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các công ty lâm nghiệp. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, bố trí thi công chức ngay từ đầu năm để bổ sung cho công chức nghỉ việc, nghỉ hưu theo chế độ và tinh giản biên chế”.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên chỉ đạo: “Thời gian tới, người đứng đầu các ngành chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng cần nâng cao trách nhiệm; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân không làm tốt trách nhiệm được giao, để xảy ra vi phạm về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn được giao quản lý; biểu dương, khen thưởng đi đôi với xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không tốt. Các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tập trung mọi nguồn lực thực hiện hoàn thành chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Sử dụng hợp lý các nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, dành một phần ngân sách của địa phương để đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng; cân đối, điều tiết các nguồn thu cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh một cách hợp lý để đảm bảo các đơn vị chủ rừng triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng”.

Bí thư Tỉnh ủy cũng giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh khẩn trương xem xét các kiến nghị, đề xuất của các chủ rừng theo thẩm quyền. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ và bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy sẽ ghi nhận và đề nghị với các cơ quan của Chính phủ.

 

 HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm