Phóng sự - Ký sự

Tây Nguyên giao rừng tràn lan-Bài 4: Phải giao rừng cho ai?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Càng giao rừng cho cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp (DN), cộng đồng… quản lý và bảo vệ thì Tây Nguyên càng mất thêm rừng.

Rõ ràng, việc giao rừng tràn lan của các tỉnh Tây Nguyên trong những năm qua đã để lại nhiều hệ lụy khôn lường về kinh tế, xã hội và môi trường. Phải giao rừng cho ai quản lý là câu hỏi khó cho việc bảo vệ màu xanh núi rừng Tây Nguyên hiện nay.

Còn nhiều bất cập

 
Rừng tự nhiên của Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín (Đak Nông) bị chặt phá.
Rừng tự nhiên của Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín (Đak Nông) bị chặt phá.

Trong 10 năm qua, Tây Nguyên đã chuyển đổi hơn 80.000 ha đất rừng các loại để xây dựng khoảng 50 công trình thủy điện. Cũng trong khoảng thời gian đó, nhiều doanh nghiệp dù không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật nhưng đã lợi dụng chính sách phát triển thủy điện trước đó, xin dự án làm thủy điện, mục đích là khai thác khoáng sản, lâm sản. Một số dự án vận hành thành công không chịu trồng bù rừng thay thế hoặc chây ỳ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Hàng trăm ngàn hécta rừng giàu cũng được các tỉnh trong khu vực giao cho DN vô tư chặt phá để chuyển đổi trồng cao su, trồng rừng, chăn nuôi, sản xuất…

Trong lúc đó, từ năm 2011 - 2015, các tỉnh Tây Nguyên chỉ trồng được 48.543ha rừng, chiếm 4,4% tổng diện tích rừng được trồng của cả nước trong giai đoạn này. Tổng diện tích phải trồng rừng thay thế của các tỉnh Tây Nguyên là 21.879 ha, nhưng tính đến 30-5-2016, các tỉnh mới trồng được 4.860 ha (đạt 22% tổng diện tích phải trồng rừng thay thế).

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện diện tích đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên do 9 nhóm chủ quản lý, trong đó chủ yếu chủ rừng là tổ chức quản lý (3.228.557 ha, chiếm 96,3%), cộng đồng dân cư quản lý 25.135 ha (chiếm 0,75%); hộ gia đình, cá nhân quản lý 99.944 ha (chiếm 2,98%). Tuy vậy, các chủ rừng chưa thực hiện tốt vai trò của mình trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tình trạng lấn chiếm đất rừng còn diễn biến phức tạp, diện tích rừng và đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp hiện đang bị tranh chấp khoảng 282.896 ha, trong đó diện tích tranh chấp tại các ban quản lý rừng phòng hộ là khoảng 56.456 ha (chiếm 20%), tranh chấp tại các DN nhà nước là 51.750 ha (chiếm 18,3%), tranh chấp tại rừng do UBND xã quản lý là 164.900 ha (chiếm 58,3%) và các đối tượng chủ rừng khác chiếm 3,4% tổng diện tích có tranh chấp.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, mô hình các đơn vị quản lý bảo vệ rừng và kinh doanh nghề rừng ở Tây Nguyên chưa ổn định. Các chủ rừng chịu trách nhiệm rất lớn nhưng các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng lại rất hạn chế. Cơ chế hưởng lợi từ rừng còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm thu nhập để thu hút, kích thích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, người dân sống gần rừng không có lợi ích từ việc giữ rừng, trong khi nhu cầu mở rộng đất sản xuất để phát triển kinh tế, nhu cầu về gỗ, củi và các sản phẩm từ rừng phục vụ cho đời sống ngày càng lớn nên người dân đã xâm hại rừng. Còn UBND cấp xã được giao quản lý diện tích rừng rất lớn nhưng không được giao kinh phí và cũng không có cơ chế, trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu sự kiểm tra, giám sát dẫn tới diện tích này trên thực tế không có chủ quản lý, bảo vệ rừng cụ thể.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng cho rằng: Các địa phương ở Tây Nguyên chưa làm tốt công tác thẩm tra, sàng lọc các chủ đầu tư. Các dự án tập trung chủ yếu chuyển đổi rừng tự nhiên, chưa quan tâm đúng mức đến sử dụng đất trống, đồi trọc. Phần lớn các dự án tổ chức lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng, yếu nên để xảy ra tình trạng xâm hại rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất. Việc định giá rừng làm căn cứ cho việc quản lý rừng (giao, cho thuê, liên doanh liên kết, bồi thường giá trị thiệt hại khi xảy ra mất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thế chấp, vay vốn…) còn hạn chế. Hiện cả Tây Nguyên mới có tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định phê duyệt giá rừng.

Thí điểm giao rừng bền vững

 

Rừng cộng đồng ở huyện Tuy Đức (tỉnh Đak Nông) bị phá để trồng cây công nghiệp.
Rừng cộng đồng ở huyện Tuy Đức (tỉnh Đak Nông) bị phá để trồng cây công nghiệp.

Trong những năm qua, Tây Nguyên cũng đã thí điểm nhiều mô hình quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, mô hình quản lý rừng bền vững được đánh giá sẽ đem lại hiệu quả cao cho việc giữ rừng ở Tây Nguyên. Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, khu vực Tây Nguyên hiện có 7 mô hình quản lý rừng bền vững, trong đó các dự án quốc tế hỗ trợ 3 mô hình, còn lại là các địa phương chủ động triển khai. Tổng diện tích được giao thí điểm khoảng 119.185 ha, trong đó diện tích có rừng 106.225 ha, đất trống 9.572 ha và đất khác 2.837 ha. Tỉnh Gia Lai có 2 mô hình (Công ty Lâm nghiệp Sơ Pai, Công ty Lâm nghiệp Hà Nừng), tỉnh Đak Lak có 2 mô hình (Công ty Lâm nghiệp Krông Bông, Công ty Lâm nghiệp M’Đrăk), tỉnh Đak Nông có 2 mô hình (Công ty Đại Thành, Công ty Lâm nghiệp Đak N’Tao) và tỉnh Kon Tum có 1 mô hình (Công ty Lâm nghiệp Đak Tô). Trong đó, nổi bật là mô hình quản lý rừng bền vững của Công ty Lâm nghiệp Đak Tô đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế cho 16.100ha rừng tự nhiên là rừng sản xuất cho giai đoạn 2011 - 2016.

Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, các mô hình quản lý rừng bền vững đã hạn chế cơ bản tình trạng xung đột giữa người dân và DN, rừng được quản lý tốt hơn, tình trạng khai thác và xâm lấn đất rừng trái phép giảm. Các chủ rừng chủ động được một số hoạt động đảm bảo nguồn thu từ khai thác rừng để cân đối cho bảo vệ và phát triển rừng. Hiệu quả kinh doanh, thu nhập của người dân từng bước tăng cao (bình quân 20%/năm), một số cơ sở hạ tầng như trường học, nhà văn hóa… được xây dựng. Qua đó, tạo việc làm, thu hút được lao động tại chỗ là đồng bào dân tộc. Nhưng kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng vẫn diễn biến phức tạp, diện tích và chất lượng rừng toàn khu vực vẫn tiếp tục bị suy giảm.

Giao cho khu bảo tồn hay cộng đồng?

Theo GS-TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, quá trình chuyển đổi rừng sang trồng cao su, làm thủy điện và thực hiện các dự án sản xuất nông lâm khác thực hiện quá nhanh, diện tích rừng rất lớn nhưng chưa có một đánh giá cụ thể về tính hiệu quả của từng dự án chuyển đổi sau 5 năm hoặc 10 năm. Khi thấy không phù hợp, các đơn vị xin chuyển đổi tiếp hay bán một phần đất trong dự án cũng có lợi nhuận. Nhiều địa phương chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà triển khai chuyển đổi ồ ạt. Hậu quả là đất nước, xã hội, người dân đành chịu mất rừng. Trong khi quá trình trồng rừng thay thế chỉ thực hiện “nhỏ giọt” thì tình trạng mất rừng chưa có điểm dừng.

Trong thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã giao rừng cho DN, người dân và cộng đồng nhưng không thể bảo vệ nổi rừng. Thậm chí, chủ rừng còn đi phá rừng hoặc tiếp tay cho lâm tặc phá rừng để lấy đất sản xuất. Vậy phải giao rừng Tây Nguyên cho ai quản lý là câu hỏi nhức nhối nhất trong việc bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên. Theo nhiều chuyên gia và nhà khoa học về lâm nghiệp, Chính phủ cần phải đưa những diện tích rừng còn lại đã giao cho các công ty lâm nghiệp và cộng đồng vào các khu bảo tồn để quản lý, bảo vệ. PGS-TS Bảo Huy (Phó khoa Nông lâm - Đại học Tây Nguyên) cho rằng: Chúng ta không nên cho thuê rừng, giao rừng tràn lan như hiện nay vì các chủ rừng được giao rừng đều bỏ mặc rừng bị phá. Việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là dịch vụ công ích, không đưa lại nhiều lợi nhuận cho cá nhân hay doanh nghiệp nên họ không mặn mà với việc giữ rừng. Vì thế, Nhà nước phải khoanh vùng những diện tích còn rừng, đưa vào các khu bảo tồn và bỏ tiền ra để bảo vệ rừng.

 

“Thực tế cho thấy không ai thật sự yêu rừng, quyết tâm bảo vệ rừng hơn cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa. Hữu hiệu hơn nữa, đó là khi rừng được gắn liền với văn hóa truyền thống linh thiêng của họ. Được cấp sổ đỏ giao rừng lâu dài, được hưởng lợi từ lâm sản và dịch vụ môi trường theo cơ chế rõ ràng chặt chẽ, đồng bào thường bảo vệ rừng rất tốt. Minh chứng là khu rừng do đồng bào M’Nông ở bon Bu Nor (Đak Nông) quản lý, suốt từ năm 1999 đến nay vẫn gần như nguyên vẹn, trong khi rừng của các công ty lâm nghiệp xung quanh hầu như đã mất hết”, PGS-TS Bảo Huy khẳng định.

Theo PGS-TS Bảo Huy, với quy mô rừng 500 - 1.000 ha có thể giao cho một cộng đồng khoảng 100 hộ để cùng bảo vệ, kinh doanh quay vòng khép kín. Để tránh lạm dụng, người giữ rừng chỉ hưởng lợi từ rừng theo hạn mức nhất định của kỹ thuật quản lý rừng bền vững, dưới sự giám sát của nhân viên lâm nghiệp và cộng đồng địa phương. Thực chất thu nhập từ rừng chỉ đóng góp từ 10% - 25% cho thu nhập hộ. Tuy nhiên, cộng vào đó, đồng bào còn được thu hái thực phẩm, cây thuốc, lấy củi và vui với môi trường sống xanh tươi, là giá trị tinh thần không thể đong đếm. Nơi nào chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, động viên đồng bào, thì nơi đó mô hình càng phát huy tác dụng. Những cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng thành công cho tới nay đều có nguồn tài trợ từ các dự án của Nhà nước hoặc quốc tế, từ khâu xây dựng cho đến quá trình giám sát.

Công Hoan/sggp

Có thể bạn quan tâm