(GLO)- Tôi còn nhớ một năm nào đó của thế kỷ trước, nhà văn Nguyễn Đức Thọ viết thư đề nghị tôi bố trí cho nhà thơ Thu Bồn đi thăm lại Tây Nguyên một chuyến, tiện đấy Thọ sẽ đi cùng làm một cái phim về chân dung Thu Bồn.
Tới khi ấy tôi vẫn chưa một lần diện kiến Thu Bồn, ông vẫn là một thần tượng trong mơ của tôi kể từ khi tôi thổn thức với Hùng với Rin với cô Sao và những câu thơ cháy lửa trong trường ca “Bài ca chim Chơ Rao” trên ghế trường phổ thông. Và tôi đã chạy đôn chạy đáo liên hệ để có thể rước được ông lên nhưng rồi lực bất tòng tâm. Mãi đến mấy năm sau khi một người cháu ông là ông Hà Ban lên làm lãnh đạo tỉnh Kon Tum thì ước mơ của ông và Thọ mới thành hiện thực.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà văn Y Điêng. Ảnh: V.C.H |
Ông được mời lên Kon Tum, nhưng không ở thành phố mà ông làm một hơi “chém vè” ở Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y khi ấy chưa có gì hết, mới là mấy dãy nhà lụp xụp không điện không nước. Thế mà ông ở đấy hàng năm trời và cả hai lần đột quỵ ông đều bị ở đấy, và rồi từ đấy ông được chuyển thẳng về Bệnh viện Chợ Rẫy. Lần đầu qua, ông lại nhúc nhắc lên Bờ Y, lần sau thì… ông được chuyển thẳng từ bệnh viện về nhà với cuốn tiểu thuyết về Tây Nguyên còn dang dở.
Tôi cũng đã vào nhà Thu Bồn ở trang trại Lồ Ồ, Bình Dương. Những sáng tác quan trọng của đời ông là về Tây Nguyên. Cho đến khi về cõi vĩnh hằng, tình yêu ấy vẫn ngùn ngụt cháy. Bằng chứng là, ông đột quỵ lần đầu tiên là tại Kon Tum, ở Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.
Từ Bờ Y xa lắc, người ta tức tốc chở ông một lèo về Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng vì là “Gấu Tây Nguyên”-chữ của nhà thơ Nguyễn Duy-nên ông bình phục khá nhanh. Và với cái giọng méo phải qua vợ phiên dịch, với bước chân khập khiễng chấm phảy, tay co tay duỗi, ông lại lên Tây Nguyên lại, về đúng cái Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y còn vô vàn khó khăn ấy, tiếp tục “chém vè”. Bằng chứng là, trong nhà của ông ở Lồ Ồ, có cả một thế giới Tây Nguyên mà ông trân trọng giữ chúng chứ không chỉ trương lên như một cách biểu lộ sự sành điệu. Tôi đã ngồi trong ngôi nhà ấy, giữa những đồ vật ấy nghe ông đọc thơ.
Nhà văn Khuất Quang Thụy. |
Phải nói là vô cùng hoành tráng như đang lạc giữa đại ngàn nghe già làng kể khan. Cái nhà ở Lồ Ồ ấy có núi có suối, có nhà sàn có cầu thang. Còn trong nhà thì như là một bảo tàng Tây Nguyên thu nhỏ với tất cả những vật dụng Tây Nguyên mà ông đã thu thập tự thời nào. Chỉ với trường ca “Bài ca chim Chơ Rao” ông xứng đáng là một trong những nhà thơ của Tây Nguyên, về Tây Nguyên hàng đầu, chưa kể tới ông còn những bài thơ, những trường ca khác cũng đau đáu Tây Nguyên, ví dụ như trường ca Ba Dan khát…
Lần đầu tiên tôi được diện kiến nhà văn Nguyên Ngọc là vào thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Chúng tôi cùng ông men theo những con đường đất cheo leo trên sườn Ngọc Linh đi tìm làng Xô Man trong tác phẩm “Rừng xà nu” của ông. Mà mùa mưa, đất cứ nhão nhoẹt và sạt lở từng đoạn. Anh lái xe thiện chiến nhất của Liên hiệp Lâm-Nông-Công nghiệp Đak Glei cùng chiếc U-oát được giao cho ông. Hồi ấy đi như thế là vô cùng nguy hiểm, bao nhiêu người can, nhưng ông muốn đi.
Từ lưng chừng Ngọc Linh nhìn xuống, buôn làng tí hin ẩn hiện trong sương mù và mưa. Tìm làng cũng là một việc, việc nữa là ông muốn mục sở thị cái mô hình hồi ấy mới được lập ra do một con người cũng khá nổi tiếng thời ấy làm Tổng Giám đốc: ông Tư Đành. Ông lân la đến rất nhiều nơi, ngủ đêm lại ở nhiều chỗ, hỏi han nhiều người, và khi về, ít nhất tôi đọc được một bài viết của ông về một ông Giám đốc một lâm trường quê ngoài bắc, nhưng đã lấy một cô vợ người Giẻ, rất trẻ, nghe nói xấp xỉ tuổi con gái đầu của ông này ngoài quê.
Ông này rất giỏi, làm Giám đốc rất cừ. Khi chúng tôi vào đã nhọ nhẹ mặt người, thấy ông đang ngồi… hơ tay bên bếp lửa, y hệt một người đàn ông Giẻ Triêng. Cô vợ cũng là công nhân lâm trường, đang nấu cơm, miệng ngậm một điếu thuốc to tướng. Nhà không có đèn, cái đĩa đầy muội treo ở một góc nhà đốt bằng củi xà nu thay đèn không đủ để xua cái thứ sương Ngọc Linh dày đặc tràn vào nhà mỗi lúc một nhiều.
Trong căn nhà tối tăm ẩm thấp ấy, ông Nguyên Ngọc đã ngồi rủ rỉ chuyện trò với ông Giám đốc này gần hết đêm. Trong bài viết, Nguyên Ngọc đầy cảm thông, chia sẻ và ca ngợi ông Giám đốc này. Cũng chẳng có ai là người cũ để mà hỏi. Chuyến đi ấy, chúng tôi còn cùng ông Nguyên Ngọc đi với ông Núp về thị trấn Dân Chủ và tôi đã nếm đòn sốt rét ác tính đầu tiên ở đấy, đi Kon Plông, quay về An Khê… đến đâu ông cũng như là về nhà mình.
Nhà văn Trương Vĩnh Tuấn. |
Tôi cũng từng có một bài viết về thời kỳ mà cả thị xã Pleiku là một trại lính khổng lồ, được coi là cứ điểm quân sự một con ruồi bay không lọt, thì đã từng có 2 ông Việt Cộng, sau này là 2 nhà văn nổi tiếng, có mặt ngay tại trung tâm thị xã một cách vô cùng ngang nhiên và hoành tráng. Người thứ nhất là nhà văn Trung Trung Đỉnh. Hồi ấy ông là bộ đội địa phương, trong một đêm đột nhập thị xã ông bị kẹt lại. Thế là suốt ngày ông nằm dưới cống Hội Phú để nhập nhoạng thì đóng khố đeo gùi ngậm tẩu nhập vào đoàn đồng bào về nhà.
Ông Đỉnh là người Hải Phòng, số phận run rủi khiến ông “Lạc rừng” trở thành một anh lính địa phương của Tỉnh đội Gia Lai, và đến bây giờ thì ông đã coi Gia Lai là quê hương thứ 2 của mình. Cứ có điều kiện, thậm chí là chưa đủ điều kiện, là ông lại vào Gia Lai, và ông vào như về nhà mình. Ông quen thân với từ lãnh đạo cao nhất đến những người bình thường dưới làng.
Vào đến Pleiku là ông xuống làng, xuống một làng là ông di chuyển sang làng khác, cứ thế không biết ngày về. Nhà ông ngoài Hà Nội cũng là một thế giới đồ vật Tây Nguyên thu nhỏ mà ông sưu tầm được mỗi lần vào Gia Lai, trong đó có cả một cây cà đắng ông mang hạt về trồng, gieo gieo trồng trồng trên sân thượng, đến kỳ nó ra nhõn một quả thế mà ông rất sướng, nâng như nâng trứng hứng như hứng… cà, đợi mãi có mấy thằng em ở Gia Lai ra ông mới làm… lễ thu hoạch. Nhưng lại cũng nghe nói, nó chả đắng tí nào, mà rất… ngọt.
Người thứ hai có mặt ở Pleiku trong những ngày chưa giải phóng ấy là nhà văn Trương Vĩnh Tuấn. Ông vốn là tình báo kỹ thuật của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhưng có thời lọt được vào dinh cơ Tư lệnh Quân đoàn 2 của quân đội Việt Nam Cộng hòa cả tháng trời.
Kể cho tôi nghe ông cười hịch hịch mà rằng, cô con gái tướng Phú còn có cảm tình với ông nữa. Tôi đã chứng kiến nhà văn Trương Vĩnh Tuấn khóc khi vào thăm lại nghĩa trang liệt sĩ nơi các đồng đội ông đang nằm. Sau đấy về ông có viết bài thơ “Đồng đội ơi” được phổ nhạc một dạo rất hay được phát trên ti vi với đoạn kết da diết ứa nước mắt “Đồng đội ơi chớp bể mưa nguồn”…
Ngay sau giải phóng 1975 một thời gian thì có một cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng ra đời. Đấy là cuốn “Trong cơn gió lốc”, tác giả là Khuất Quang Thụy. Giờ thì ông rất nổi tiếng rồi, chứ hồi ấy là anh lính chiến trẻ măng thuộc Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3). Ngay ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội dạo nào, Khuất Quang Thụy cũng rất tự hào rằng mình là lính chiến thứ thiệt. Nghe nói các sĩ quan ở ngôi nhà số 4 nổi tiếng này rất ít ông là lính chiến thực thụ như ông Thụy, có chăng là thêm ông Nguyễn Trí Huân, ông Chu Lai…, sau này có mấy nhà văn trẻ Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng… nữa nên ông Thụy tự hào là phải.
Khác ông Đỉnh là lính địa phương thì ông Thụy là quân chủ lực, thế nên nói cho công bằng, cái hơi hướm, cái sắc cái nhụy Tây Nguyên thì ông Thụy và cả ông Tuấn nữa, không bằng ông Đỉnh và tất nhiên là thua ông Thu Bồn, ông Nguyên Ngọc. Nhưng các ông có một điểm chung là đều bị Tây Nguyên… hành.
Tây Nguyên là mảnh đất rất lạ. Nó quyến rũ con người một cách không cắt nghĩa được. Thì đấy, cứ nhìn các sắc thái biểu cảm của các ông Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Trung Trung Đỉnh… mỗi khi được trở lại Tây Nguyên thì biết. Nó không xã giao đãi bôi, không phải là tranh thủ đi du lịch cho sướng, mà nó là sự đau đáu, là sự trở về, như một cách nhận diện và nhìn lại mình, như một khám phá bản thân, và sau đó là những trang viết đau đáu máu thịt…
Văn Công Hùng