Tây Ninh đủ điều kiện thành trung tâm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong nhiều hội thảo, tọa đàm, các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế đều thống nhất quan điểm: Tây Ninh có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm du lịch, khi có đủ loại hình du lịch tâm linh, tìm hiểu văn hóa, lịch sử và trải nghiệm.

Trên đỉnh núi Bà Đen
Trên đỉnh núi Bà Đen
Điều kiện tự nhiên của Tây Ninh khá phong phú, diện tích đồng bằng tự nhiên hơn 4.041km²; đường biên giới dài 240km, tiếp giáp ba tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, trong đó có hai cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát, ba cửa khẩu chính và 11 cửa khẩu phụ; nằm trên tuyến đường Xuyên Á, đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các tuyến du lịch, đưa đón khách du lịch từ Việt Nam sang Campuchia và các nước lân cận.
Muốn loại hình gì có loại hình đó
Nói về du lịch tâm linh, văn hóa, nổi tiếng nhất ở Tây Ninh là quần thể danh thắng núi Bà Đen lừng danh, với diện tích tự nhiên lên đến khoảng 24km², gồm ba ngọn núi tạo thành là núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen. Trong đó, núi Bà Đen có độ cao 986m, được gọi là nóc nhà Nam Bộ, quanh năm luôn che phủ bởi mây mù. 
Mỗi năm, danh thắng này đón tiếp hàng triệu du khách hành hương. 
Rất gần với khu du lịch núi Bà Đen là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng không kém - Tòa thánh Cao Đài, một công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc; di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam - nơi từng là căn cứ địa cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
Bên cạnh du lịch tâm linh, Tây Ninh cũng đủ điều kiện để phục vụ dân phượt thích khám phá, giới yêu thích du lịch đi kèm thể thao. Cụ thể, với dân phượt, vượt qua các cung đường như Cột Điện, Ma Thiên Lãnh, Đá Trắng, núi Phụng, núi Heo để chinh phục đỉnh núi Bà là mục tiêu đầy hấp dẫn. 
Ngoài ra, cung đường vòng quanh chân núi khá thơ mộng, có cảnh quan đẹp với những vườn mãng cầu, rẫy mì, hàng cỏ lau hai bên đường cùng nhiều điểm check-in độc đáo như Trại cừu, hồ Mây Núi, thung lũng Ma Thiên Lãnh… hứa hẹn sẽ là đường chạy marathon tuyệt vời.
Về du lịch sông nước, Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng - công trình thủy nông nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, với diện tích mặt nước là 27km²; rồi sông Vàm Cỏ Đông (bắt nguồn từ Campuchia) chảy qua địa phận 5 huyện biên giới của tỉnh có chiều dài 105km, mang vẻ đẹp trong lành, hoang sơ tự nhiên.
Tây Ninh cũng có cả di sản khi Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát vừa được công nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN, không chỉ có vai trò quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử đối với từng quốc gia và cả khu vực. Vườn di sản Lò Gò - Xa Mát hứa hẹn là điểm đến tuyệt vời cho du khách thích trải nghiệm, tìm hiểu.
Ẩm thực của Tây Ninh cũng là nét văn hóa đặc sắc với nhiều sản phẩm phong phú như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, bò tơ Tây Ninh, muối tôm Tây Ninh, đặc biệt là các món chay của tôn giáo Cao Đài, được xem là một trong những thế mạnh để tỉnh phát triển các loại hình du lịch.
Đánh thức tiềm năng
Tiềm năng thì lớn, nhưng khai thác như thế nào cho hiệu quả? Đó là câu hỏi mà đi tìm lời giải cho nó là một sự trăn trở của lãnh đạo tỉnh nhiều năm qua. Bởi lẽ, du lịch là ngành kinh tế rất kén chọn, không thể khai thác bừa bãi, không thể “bóc ngắn cắn dài”. 
Mỗi điểm du lịch là một công trình văn hóa của người và đất Tây Ninh. Mỗi động thái tác động đến du lịch qua đầu tư đều ảnh hưởng đến tương lai, do vậy không phải là câu chuyện kinh doanh thu lãi “ngay và luôn” được.
Vì vậy, Tây Ninh rất cẩn trọng trong việc chọn nhà đầu tư để “chọn mặt gởi vàng”. Đó là những tập đoàn tên tuổi, có uy tín, thể hiện được là nhà đầu tư chiến lược cho phát triển du lịch như: Tập đoàn Vingroup đầu tư trung tâm thương mại, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và nhà phố shop house; Công ty TNHH Xuân Cầu đầu tư dự án bảo vệ và phát triển rừng kết hợp du lịch sinh thái tại đảo Nhím - hồ Dầu Tiếng. 
Đặc biệt, Tập đoàn Sungroup - một trong những tập đoàn lớn hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực vui chơi, giải trí, du lịch của Việt Nam với các dự án đầu tư du lịch - được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tuyến cáp treo và các công trình phụ trợ tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (Công ty cổ phần Mặt trời Tây Ninh). 
Muốn du lịch phát triển, hạ tầng giao thông là một vấn đề tiên quyết. Ở lĩnh vực này, Tây Ninh đã đầu tư đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Các dự án giao thông như dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, hệ thống giao thông quốc lộ, tỉnh lộ đang và sẽ được đầu tư kết nối các khu du lịch trọng điểm như núi Bà Đen, quần thể di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát… đã làm tăng khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho du lịch Tây Ninh. 
Các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch cũng được tỉnh tăng cường thực hiện có trọng tâm, tạo hiệu ứng và hiệu quả tốt như ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) phối hợp quảng bá tiềm năng du lịch và sản phẩm du lịch, báo chí (tạp chí Heritage, tạp chí Du Lịch)… 
Đặc biệt, sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội được tổ chức đã thu hút số lượng lớn người dân thủ đô, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, cảnh quan du lịch, quê hương, con người Tây Ninh.
Cần “cú hích” mạnh hơn

Thiếu nữ Tây Ninh trước Điện Bà - Ảnh: ANH TUẤN
Thiếu nữ Tây Ninh trước Điện Bà - Ảnh: ANH TUẤN
Dù lượng khách du lịch đến Tây Ninh tăng tương đối đều, doanh thu từ du lịch tăng trưởng từ 5-15% mỗi năm, nhưng du lịch Tây Ninh vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Vì vậy, việc đưa Tây Ninh trở thành trung tâm du lịch vẫn còn là khát vọng. Để thay đổi một cách thật mạnh mẽ, Tây Ninh phải có một “cú hích” mạnh hơn, đó là kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội, từ doanh nghiệp đến tận mỗi người dân, tất cả cùng hợp sức để cùng với Nhà nước xây dựng một Tây Ninh hấp dẫn, xứng đáng với tiềm năng sẵn có.
T.N. - VŨ NGUYỆT (TTO)

Có thể bạn quan tâm