Tây Ninh khai thác lợi thế du lịch tâm linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Du lịch tâm linh vốn là lợi thế của tỉnh Tây Ninh. Từ sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 08 (tháng 1-2017) về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì lợi thế ấy càng được phát huy, cụ thể hóa bằng những chương trình hành động tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Tháp cổ Chót Mạt (Tây Ninh) còn giữ nhiều nét hoang sơ, cổ kính
Tháp cổ Chót Mạt (Tây Ninh) còn giữ nhiều nét hoang sơ, cổ kính
Tiềm năng đa dạng
Năm 2017, Tỉnh ủy Tây Ninh ban hành Chương trình hành động số 68 về thực hiện Nghị quyết 08; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3026 về kế hoạch thực hiện phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh và nay đã đạt được kết quả ấn tượng. Năm 2020, Tây Ninh nổi lên như một điểm sáng của ngành du lịch Đông Nam bộ với lượng khách khoảng 4,7 triệu lượt, đạt 87% so cùng kỳ 2019, đóng góp đáng kể vào ngân sách và tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn. 
Tây Ninh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, như: có 95 di tích lịch sử văn hóa, đình chùa được xếp hạng, trong đó nổi tiếng nhất là Tòa thánh Cao Đài với kiến trúc độc đáo, một số tháp Chăm cổ có lịch sử hơn 1.200 năm, như tháp cổ Chót Mạt (xã Tân Phong, huyện Tân Biên, là một trong 3 đền tháp cổ còn lại ở Nam bộ) hay tháp Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, thị xã Trảng Bàng) là công trình tiêu biểu của nền văn hóa Óc Eo còn sót lại ở nước ta, có giá trị lịch sử, tâm linh sâu sắc và đến nay vẫn giữ được khung cảnh hoang sơ, cổ kính, có nhiều nét bí ẩn và thanh tịnh...
Nổi bật nhất trong các điểm đến du lịch tâm linh ở Tây Ninh là quần thể di tích núi Bà Đen, được ví như mái nhà Đông Nam bộ với độ cao gần 1.000m, được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (năm 1989) với nhiều di tích nổi tiếng như: Điện Bà hay Linh Sơn Tiên Thạch Động, độ cao 350m, khu vực này có chùa Thượng (chùa Bà), chùa Hang và chùa Trung ở chân núi Bà Đen. Động Kim Quang, động Cây Da và hang Đất là căn cứ của Huyện ủy Tòa Thánh từ năm 1960; đỉnh núi Bà có căn cứ truyền tin của Mỹ xây dựng từ năm 1965 ghi dấu nhiều chiến công của quân dân Tây Ninh... Và để khai thác các tiềm năng thế mạnh này, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đã tổ chức các khu chức năng gồm: khu tâm linh - lễ hội, khu trường bắn thể thao, khu công viên đô thị, khu tổ hợp du lịch Ma Thiên Lãnh, khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp, khu làng du lịch cộng đồng Khedol và khu trường đua xe địa hình… Núi Bà Đen đang trở thành điểm đến quen thuộc của người dân khu vực Đông Nam bộ và cả nước, trung bình mỗi năm thu hút hơn 2,1 triệu lượt khách (chiếm gần 50% lượng khách cả tỉnh).
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Với mục tiêu phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh Tây Ninh đã phối hợp Bộ Xây dựng và các bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 125 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đến năm 2035; Quyết định số 1099 ngày 5-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035, trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó có du lịch tâm linh như: Tập đoàn Vingroup với Trung tâm thương mại, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên của tỉnh (giai đoạn 1 hơn 1.000 tỷ đồng), Công ty TNHH Xuân Cầu, Tập đoàn Sungroup đầu tư dự án Khu du lịch núi Bà Đen tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, đã giúp du lịch Tây Ninh có dịch vụ đa dạng và hiện đại… Đặc biệt, hệ thống cáp treo với nhà ga lớn nhất Đông Nam Á giúp người dân có thể nhìn thấy toàn cảnh TP Tây Ninh, hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng và rút ngắn thời gian đưa du khách lên viếng chùa Bà hoặc vãn cảnh trên khu vực đỉnh núi. 
Theo ông Trương Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, với tiềm năng là hàng chục địa điểm du lịch tâm linh, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quảng bá các điểm đến tâm linh, trong đó sẽ quảng bá đến khách thập phương “phần hồn” của các tháp cổ, đình chùa như: bề dày lịch sử, nét đẹp kiến trúc, không gian văn hóa... mà lâu nay còn ít người biết đến.
XUÂN TRUNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm