Thời sự - Bình luận

Tết Độc lập nghĩ về nền kinh tế độc lập, tự chủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân". Đây là thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi cắt băng khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tại Quảng Ninh ngày 1/9.

 

 Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tại Quảng Ninh ngày 1/9 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tại Quảng Ninh ngày 1/9 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Tuyến đường này là "mảnh ghép" cuối cùng để hoàn thành tuyến cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh dài 176 km, đồng thời kết nối với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, hình thành nên tuyến cao tốc kết nối vùng dài nhất Việt Nam hiện nay, hơn 571 km, từ Lào Cai-Yên Bái-Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long ra tận Móng Cái, mảnh đất địa đầu cực Đông Bắc của Tổ quốc.

Nói như Thủ tướng, đây cũng là tuyến đường của niềm tin và khát vọng, khi được "thai nghén" từ hàng chục năm trước, minh chứng cho quyết tâm và nỗ lực lớn lao của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, với sự quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ.

Thực tế, quá trình lập dự án, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thi công tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh này gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như thể chế, cơ chế chính sách chưa được hoàn thiện (vừa làm, vừa xây dựng, đề xuất, hoàn thiện); các cơ quan chức năng còn có ý kiến khác nhau (phải mất nhiều thời gian thương lượng, trao đổi, thống nhất); đường quốc lộ nhưng do địa phương, doanh nghiệp làm (theo quy định thì quốc lộ chỉ do Trung ương đầu tư)…

 

 Cầu Bạch Đằng ngày thông xe (1/9/2018)
Cầu Bạch Đằng ngày thông xe (1/9/2018).


Cách đây đúng 4 năm, ngày 1/9/2018 - tuyến cao tốc Hạ Long-Hải Phòng và cầu Bạch Đằng chính thức thông xe. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng bằng cơ chế mới: Chính phủ giao cho địa phương tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư, với sự chủ động đề xuất từ tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh đã làm cao tốc Hạ Long-Hải Phòng bằng cách "thắt lưng buộc bụng" tiết kiệm chi mỗi năm 1.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, thực hiện nhất quán các chính sách khuyến khích để thu hút các nhà đầu tư đồng hành cùng tỉnh.

Thực tiễn Quảng Ninh đã góp phần chứng minh và khẳng định đường lối vô cùng đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta khi xác định hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược (cùng với nhân lực và thể chế), đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Nếu trước đây Quảng Ninh chỉ trông đợi vào Quốc lộ 18 chật hẹp, thì các tuyến cao tốc, cùng với sân bay Vân Đồn – sân bay đầu tiên được đầu tư theo hình thức BOT và các công trình hạ tầng chiến lược khác như cảng biển, đường ven biển, đã giúp phá vỡ thế độc đạo của Quảng Ninh.

Quảng Ninh đã nhiều năm liền tăng trưởng ở mức hai con số, thuộc nhóm cao nhất cả nước. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Quảng Ninh khoảng 2.000 USD, nhưng năm nay sẽ đạt khoảng 8.000 USD, tức tăng gấp 4 lần sau 10 năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ 9 ý nghĩa và 8 bài học từ việc xây dựng tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, có bài học về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, lợi ích của vùng, của đất nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", đi lên từ "bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển" của mình, không trông chờ, ỷ lại, đồng thời cũng phải tranh thủ được sự giúp đỡ của Trung ương, các bộ, ngành, các địa phương.


 

 Thủ tướng kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ngay tại hiện trường dự án sân bay Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ngay tại hiện trường dự án sân bay Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Đây cũng là thông điệp được Thủ tướng nhắc lại nhiều lần trong các chuyến công tác địa phương thời gian qua. Gần đây nhất, trong chuyến công tác tại Bình Thuận, ông tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ngay tại hiện trường dự án sân bay Phan Thiết.

Cũng tại Bình Thuận, dự lễ khởi công khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, ông mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, các nhà đầu tư sẽ vào cuộc quyết liệt, làm việc nghiêm túc, nói thật, làm thật trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", đưa khu công nghiệp này sớm hình thành và đi vào hoạt động hiệu quả, thực chất, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người lao động và nhân dân địa phương.

"Nhà nước phải chăm lo, bảo vệ độc lập chủ quyền, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để doanh nghiệp yên tâm làm ăn, người dân đóng góp sức người, sức của vào đây. Mảnh đất của người dân sống hàng ngàn đời nay, nay nhường cho các dự án thì phải chia sẻ với người dân, đừng chỉ vì lợi ích của mình, "lợi ích phải hài hòa, rủi ro phải chia sẻ", mất cấu trúc hài hòa hợp lý này thì chẳng bao giờ tồn tại được", Thủ tướng nhiều lần chia sẻ điều này với các doanh nhân tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, với mong muốn tha thiết là các nhà đầu tư phải "nói thật, làm thật", không để người dân thất vọng.

"Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân". Bài học thấm thía này có ý nghĩa quan trọng để góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh  phúc.

Theo Hà Văn (chinhphu.vn)

 

Có thể bạn quan tâm