Tết Nguyên đán 2022 đang cận kề. Sau những tháng ngày lao đao vì đại dịch Covid-19, giờ đây người dân vừa tất bật lo hoàn tất các công việc còn lại của năm cũ, vừa chuẩn bị chào đón thời khắc đất trời chuyển giao, ấp ủ ước vọng về một năm mới bình an và phát triển.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chúc tết mẹ VNAH Phạm Thị Cục (TP Thủ Đức) nhân dịp Tết Nhâm dần 2022. Ảnh: Việt Dũng |
TPHCM xác định Tết Nguyên đán 2022 là tết tri ân, thành phố cảm ơn bằng cả tấm lòng đến những lực lượng, những người đã chung tay cùng thành phố trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.
Dù ngân sách còn nhiều khó khăn, song thành phố vẫn cân đối dành nguồn kinh phí chăm lo tết hơn 900 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với năm trước. Cùng với nguồn chăm lo tết từ ngân sách thành phố, các địa phương cũng có nhiều hoạt động chăm lo người dân. Điểm đặc biệt nữa trong chăm lo tết tại thành phố là sự săn sóc cho nhau đến từ tấm lòng, nghĩa cử của chính người dân, doanh nghiệp. Doanh nghiệp cố gắng vun vén lo lương thưởng tết cho công nhân. Người dân khấm khá tự động san sẻ, nghĩa hiệp chia sớt phúc phần, lo tết cho người có hoàn cảnh kém may mắn. Đó cũng chính là tấm lòng, là hơi ấm của đồng bào cùng hướng về nhau, cùng nâng đỡ nhau và cũng là nét văn hóa, làm dày thêm chất “nghĩa tình” của TPHCM.
Có thể thấy, nỗ lực chăm lo tết, mở rộng diện chăm lo của thành phố, của các cấp, các ngành đang vươn tới một lượng lớn đối tượng được chăm lo. Tuy nhiên, riêng diện lao động tự do ở khu vực phi chính thức, lao động di cư, vẫn cần được lưu ý đến. Nhóm lao động tự do, lao động di cư chiếm tỷ lệ rất lớn ở đô đô thị; riêng TPHCM, tỷ lệ này lên tới 40-50% lực lượng lao động. Họ là diện yếu thế dễ bị tổn thương nhất: công việc, thu nhập không ổn định, nhà trọ chật chội, mối quan hệ lỏng lẻo với các thiết chế cộng đồng, ít tham gia các hội đoàn thể. Trong số đó có số đông người lao động không đăng ký tạm trú tạm vắng, di cư theo mùa vụ giữa quê nhà và đô thị; thường nằm ngoài các cuộc thống kê, các danh sách quản lý, các danh mục hỗ trợ, nhưng vẫn có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của thành phố. Thế nên, thành phố với trách nhiệm của mình vẫn đảm bảo an sinh, đảm bảo tết thật sự đến với mọi người, mọi nhà.
Tết và chăm lo tết cũng là dấu mốc thời điểm biểu hiện cụ thể cho các cam kết của thành phố về đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy sự chuyên nghiệp hóa trong công tác an sinh xã hội. Với một siêu đô thị có hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ như TPHCM, cách hỗ trợ truyền thống mang tiền mặt trao tay đã không còn phù hợp. Nhiều ngân hàng cũng sẵn sàng làm thẻ ATM miễn phí cho người nhận hỗ trợ. Các suất hỗ trợ bằng tiền nên được chuyển khoản thẳng tới người dân một cách nhanh gọn, giảm việc cho cán bộ cơ sở và cũng đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Tiếp nối những ngày tết, để đảm bảo an sinh lâu dài, rất cần xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp mã số an sinh với người dân. Đồng thời, người dân luôn cần đảm bảo công ăn việc làm, được tạo nền tảng, tạo cơ hội, tạo điều kiện để vươn lên trong năm mới, cùng xây dựng cuộc sống bình an, phát triển.
Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhiều lần đi cơ sở đã lưu ý các địa phương, đơn vị về tết tri ân và yêu cầu phải chăm lo chu đáo để người dân có một cái tết trọn vẹn, bình an, yên vui, ấm áp, bù lại những tháng ngày mất mát do đại dịch. Mong mỏi của người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cũng là mong mỏi của mỗi cán bộ, mỗi người dân thành phố.
Chắc chắn khi chúng ta cùng chung tay, thì mong mỏi ấy sẽ thành hiện thực và mang tết tri ân, xuân yêu thương ấm áp đến với mỗi người, mỗi nhà!
MẠNH HÒA (SGGPO)