Thai nhi chết tại khoa sản Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai: trách nhiệm do ai?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhận biết vợ mình đang mang thai vào cuối thai kỳ có biểu hiện bất thường, anh Hùng đã đưa vợ là sản phụ Nguyễn Thị Hồng (42 tuổi) thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng, Mang Yang đến Bệnh viện đa khoa tỉnh (BVĐK tỉnh) để can thiệp kịp thời nhưng hơn 2 ngày nhập viện, sản phụ Hồng vẫn được chỉ định phẫu thuật nhưng để lấy thai vì đã chết lưu. Trước nỗi đau mất con, gia đình và chồng sản phụ cho rằng: y, bác sĩ không làm hết nhiệm vụ và họ tự trách mình có phải do nghèo nên chịu vậy?

Sản phụ mất con - trách nhiệm còn chờ họp

Theo lời anh Nguyễn Văn Hùng là chồng của sản phụ Hồng: Dù rất khó khăn, nhưng cố tìm thêm con cho có chị có em vì vợ đã quá tuổi không tốt cho sinh nở. Trong quá trình mang thai, theo linh cảm của người mẹ, vợ tôi thấy không tốt nên ra huyện để khám thai và được các bác sĩ tại đây khuyên sớm đến bệnh viện tỉnh để can thiệp tốt cho cả mẹ và con. Thấy vậy, ngay trong sáng 24-9, tôi đưa vợ đến BVĐK tỉnh để sinh, khi đến nơi sau khi làm thủ tục để nhập viện thì mãi đến 3 giờ chiều mới nhập viện, sau đó bác sĩ cho đi siêu âm nói rằng thai tốt, ít ối và chỉ định nằm chờ. Đến 10 giờ ngày 25-9, sau khi gặp hộ lý Phương để ký giấy cam kết cho vợ mổ nhưng đến khi gặp bác sĩ lại hỏi giấy cam kết đâu? Anh Hùng lại chạy đến chỗ hộ lý hỏi thì hộ lý Phương bảo rằng chắc đánh rơi đâu đó, giờ không cần viết lại, khi nào cần thì viết, chính sự việc chậm trễ, máy móc trong thủ tục này tại khoa sản đã làm cho con tôi chết oan.

 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, nơi xảy ra một số sự cố đáng tiếc về sản khoa trong thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Giác

Kìm nén nổi đau, anh Hùng nói: Phải chăng tôi đưa vợ đến trễ, con mất thì đã đành, đằng này vợ đã khám và tôi đưa vợ đến BV rồi hết bác sĩ trực, đến y tá, hộ lý cứ lần lượt vào xem rồi còn bảo giấy tờ rơi đâu đó nên việc mổ lấy thai lại kéo dài trong khi chính các bác sĩ này đều biết rằng thai vợ tôi đang mang trong tình trạng ít ối rất nguy hiểm. Họ cứ để vậy, cho đến khi con tôi chết, sau đó một bác sĩ lại nói với tôi bằng một thái độ coi thường người bệnh: “Không biết à, muốn lấy con thì đưa lên mổ ngay” khi tôi hỏi có cách nào lấy thai chết lưu bằng cách sinh thường được không do vợ tôi đã sinh mổ một lần. Con tôi chết, lỗi do đâu và ai phải chịu trách nhiệm này?

Để tìm rõ sự việc cũng như trả lời câu hỏi của chồng sản phụ mất con, sáng 26-9, chúng tôi tìm gặp giám đốc BVĐK tỉnh và ông chỉ định BS Nguyễn Tĩnh Bình - Phó khoa sản đến làm việc. Theo hồ sơ bệnh án của thai phụ Nguyễn Thị Hồng lưu tại khoa sản thì: Bệnh nhân nhập viện lúc 13 giờ 45 phút ngày 24-9 và được siêu âm lúc 15 giờ 24-9 với kết quả: tim thai tốt, thai 2,5 kg, ối ít, được đánh giá thai đủ tháng, có dấu hiệu chuyển dạ, ối còn. Sau đó, được phân công có trong lịch trực là Lê Đức Thọ, Trần Thị Thảo, Trần Thanh Phú và Nay Bình đều khám và ghi nhận tim thai tốt, ít ối, nằm chờ theo dõi, có lần tiến hành ghi điện tim thai nhưng máy hỏng và lần này có mời bác sĩ Phú xem và tiếp tục theo dõi.

 

Riêng lần khám lúc 11 giờ ngày 25-9 bác sĩ Nay Bình ghi nhận tim thai tốt, chưa chuyển dạ và có giải thích cho người nhà sẽ hội chẩn vào đầu giờ chiều cùng ngày. Tuy nhiên, việc hội chẩn này không biết thế nào, có diễn ra hay không nhưng mãi hơn 16 giờ bác sĩ Phú - Phó Khoa sản ghi nhận sản phụ tỉnh táo, tim thai không nghe được và chỉ định thai tử lưu, tiến hành mổ lấy thai nhưng gia đình không chấp nhận.

Theo đánh giá của một bác sĩ chuyên khoa sản: Với trường hợp của sản phụ Hồng, qua kết quả chẩn đoán siêu âm cho thấy thai đã qua một lần mổ, cạn ối, nhiều tuổi, với bệnh nhân này cần phải có động thái tích cực về chuyên môn để sớm được chỉ định đình chỉ thai bằng cách can thiệp sinh thường hoặc mổ lấy thai thay vì kéo dài thời gian dẫn đến thai chết lưu là điều đáng tiếc.

Tuy nhiên, khi hỏi về trách nhiệm của sự việc này, Giám đốc BVĐK tỉnh ông Phạm Bá Mỹ cho rằng: Cần phải có cuộc họp hội đồng khoa học và trả lời sau, chứ đâu phải giám đốc nói là đúng và bác sĩ làm cũng chưa hẳn là sai.

Chuyện “hậu trường” sản khoa - bao giờ mới dứt?

Điều mọi người quan tâm trong trường hợp của thai phụ Hồng này chính là việc sản phụ được nhập viện khá sớm, lại được khám đến 6 lần nhưng cứ phải nằm chờ đến khi phát hiện thai nhi tử lưu trong bụng mẹ. Anh Hùng cho rằng: Trước khi con tôi mất, người thân của nhiều sản phụ nằm cùng phòng bảo có tiền lo cho vợ sẽ nhanh và tốt hơn, nhưng chạy vạy khắp nơi mới có được 3 triệu đồng, đóng viện phí ban đầu 2 triệu đồng, còn lại một, hai trăm nghìn làm sao đưa được cho ai! Nếu không có tiền thì con tôi lại phải chết sao?

Một trường hợp khác, vào cuối tháng 5 vừa qua, cả hai mẹ con sản phụ tại xã Ia Dom, Đức Cơ đều tử vong trong lúc chờ mổ đẻ, dù nguyên nhân được xác định là do chứng thuyên tắc mạch ối xảy ra quá bất ngờ, nhưng liệu gia đình quan tâm thay vì để cụ bà chăm nom, thiếu sự “nhạy bén” thì hẳn không có chuyện gì xảy ra.

Chuyện sản phụ nhập viện vượt cạn đi kèm với “phong bì, phong bao” được mọi người ngầm hiểu từ nhiều năm qua để nhận được sự ưu ái hơn từ một bộ phận bác sĩ, y tá trực tiếp theo dõi. Nhưng để có được bằng chứng cho việc này thì các gia đình đều lặng thinh thay vì lên tiếng bởi dù gì đó cũng là chuyện bình thường của xã hội hiện nay.

Một người mẹ đưa con mình đi sinh tại Bệnh viện tâm sự: Bác sĩ ai cũng vì trách nhiệm và lương tâm của mình, nhưng tôi biết rằng có một bộ phận nhỏ là cán bộ tại một số khoa phòng họ đã và đang ngầm lợi dụng, tư túi riêng cho mình. Tôi mong rằng, cần loại bỏ con sâu để làm trong sạch môi trường bệnh viện thay vì người dân nhập viện phải thêm lo lắng ngoài bệnh tình của mình và người thân.

Để có tiền lo hậu sự cho con mình, anh Hùng chồng sản phụ Hồng phải vay, nhờ nhiều người mới được. Hiện lãnh đạo BVĐK tỉnh cũng đã chỉ đạo xem xét gia cảnh của bệnh nhân Hồng và tạm dừng việc thu viện phí đến khi bệnh nhân khỏe và xuất viện.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm