Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Tháng 3 lịch sử trong ký ức cựu chiến binh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- 46 năm đã trôi qua kể từ ngày Gia Lai được giải phóng, song mỗi khi nhắc lại thời khắc lịch sử ấy, những cựu chiến binh vẫn không giấu được sự xúc động và niềm tự hào.


Vẹn nguyên ký ức

Năm nào cũng vậy, vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng tỉnh (17-3), các cựu chiến binh của Đại đội 70 (Tiểu đoàn Đặc công 408, Tỉnh đội Gia Lai) lại gặp nhau để ôn lại khoảnh khắc lá cờ của Quân Giải phóng tung bay trên nóc Tòa nhà hành chính Pleiku. Cảm xúc ùa về, không ai giấu được sự xúc động.

Cựu binh Lê Mạnh Hùng đang nhắc nhớ đến các đồng đội Tiểu đoàn đặc công 408. Ảnh: Pha Lài
Cựu binh Lê Mạnh Hùng đang nhắc nhớ đến các đồng đội Tiểu đoàn đặc công 408. Ảnh: Phan Lài


Đưa chúng tôi xem bức ảnh các chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công 408 chụp vào năm 1976, ông Lê Mạnh Hùng (17/48 đường Lê Đình Chinh, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) kể tên từng đồng đội. Trong bức ảnh, những chiến sĩ tuổi đời từ 18 đến 30 nở nụ cười rạng rỡ, khoác vai nhau trong niềm vui chiến thắng. Ông Hùng nhắc nhớ: “Tiểu đoàn Đặc công 408 có nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường, thăm dò, đánh phá sân bay, kho tàng của địch. Ngày 17-3, tôi được anh Đinh Minh Thuấn-Chính trị viên Tiểu đoàn giao nhiệm vụ đem lá cờ giải phóng đến cho Đại đội trưởng Đại đội 70 Chu Quang Tùy. Khi chúng tôi vào Tòa nhà hành chính Pleiku, địch đã rút chạy hoàn toàn. Tổ chúng tôi gồm 4 người lập tức leo lên nóc tòa nhà, đồng chí Trịnh Thế Đoàn làm nhiệm vụ cảnh giới, Đại đội trưởng Chu Quang Tùy chỉ huy. Vì cột cờ quá cao nên tôi để đồng chí Triệu La Phương đứng lên trên vai để kéo hạ cờ ba que của địch và thay bằng lá cờ của ta. Khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Tòa nhà hành chính Pleiku, chúng tôi ôm lấy nhau khóc và hô to “Giải phóng rồi, giải phóng rồi”. Tất cả như chỉ mới diễn ra ngày hôm qua. Nhớ lại khoảnh khắc ấy, lúc nào tôi cũng khóc.       

Cựu binh Triệu La Phương (bìa phải) và Nguyễn Văn Tuyên ôn lại kỷ niệm thời chiến. Ảnh: Phan Lài
Cựu binh Triệu La Phương (bìa phải) và Nguyễn Văn Tuyên ôn lại kỷ niệm thời chiến. Ảnh: Phan Lài


Cựu chiến binh Triệu La Phương-người trực tiếp cắm lá cờ của ta lên nóc Tòa nhà hành chính Pleiku cũng không giấu được xúc động khi nhớ đến thời khắc lịch sử đó. Ông bộc bạch: “Đó là ký ức thiêng liêng mà tôi không thể nào quên. Lúc đó, tôi đã bật khóc, giọt nước mắt của hạnh phúc và thương tiếc biết bao đồng đội đã hy sinh”.

Hồi tưởng thời khắc giải phóng tỉnh nhà, Đại tá Lê Văn Lan-nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) cũng bồi hồi xúc động không kém. 46 năm về trước, ông Lan là chiến sĩ Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320) tham gia truy kích địch trên đường 7 (nay là quốc lộ 25). Ông Lan nhớ lại: Đêm 16-3-1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên ra lệnh cho Sư đoàn 320 tham gia truy kích, ngăn chặn, bao vây, tiêu diệt Quân đoàn 2, Quân khu 2 ngụy rút chạy khỏi Pleiku theo đường 7 tại Cheo Reo (nay là thị xã Ayun Pa). Nhận được lệnh, Trung đoàn 48 lập tức cơ động, chuẩn bị phương án tiến công thị xã Cheo Reo. “Lúc đó, đơn vị chúng tôi đang làm đường ở quận Thuần Mẫn (nay thuộc huyện Ea Hleo, tỉnh Đak Lak) phải hành quân thần tốc để đến được thị xã Hậu Bổn (tỉnh Phú Bổn dưới chế độ cũ, nay là thị xã Ayun Pa). Băng rừng, cơ động trong đêm tối, đường đi hiểm trở nhưng với quyết tâm cao, chạy đua với xe cơ giới của địch, nhiều chiến sĩ bàn chân bỏng rộp bật máu nhưng vẫn nén đau tiến về phía trước”-Đại tá Lê Văn Lan kể lại.

 Đại tá Lê Văn Lan-nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) cùng vợ đọc lại những trang lịch sử của Sư đoàn. Ảnh: Phan Lài
Đại tá Lê Văn Lan-nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) cùng vợ đọc lại những trang lịch sử của Sư đoàn. Ảnh: Phan Lài


Với sự linh hoạt, cơ động của ta, thị xã Cheo Reo nhanh chóng bị cô lập, mọi con đường đều bị cắt đứt, các mục tiêu của địch đều nằm trong tầm súng của ta. Trong 2 ngày (18 và 19-3), nhiều trận đánh ác liệt giữa Sư đoàn 320 và quân địch đã diễn ra ở Trại Ngô Quyền, Sân bay Phú Bổn, cầu Sông Bờ, cầu Cây Sung, đèo Tô Na… Bị ta chặn đánh tại đèo Tô Na và ta chủ động đánh sập cầu Sông Bờ, binh lính, xe cộ quân địch bị dồn ứ, tắc nghẽn, giẫm đạp lên nhau trên quãng đường dài gần 10 cây số.  Ông Lan cho biết: “Với những trận đánh liên tiếp, táo bạo và tốc chiến, đến đêm 19-3-1975, Sư đoàn 320 đã cơ bản tiêu diệt quân địch tháo chạy ở Tây Nguyên, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục ngàn tên địch, trong đó, diệt 775 tên, bắt sống 5.590 tên, gọi hàng và ra trình diện 7.225 tên, phóng thích hàng vạn tên địch… Những chiến tích này được lưu trong lịch sử Sư đoàn 320. Mỗi khi nhớ lại, tôi đều thấy tự hào vì mình được tham gia trận chiến cuối cùng, đánh đuổi địch rút khỏi tỉnh Gia Lai”.

Kỳ vọng vào tương lai

Sau ngày giải phóng, Tiểu đoàn Đặc công 408 giải thể theo quy định của Bộ Quốc phòng. Mỗi người lính đảm nhận mỗi vị trí khác nhau trong quân đội vừa phát triển kinh tế và giúp người dân ổn định đời sống sau chiến tranh. Ông Lê Mạnh Hùng được biên chế về làm Trợ lý Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; ông Triệu La Phương làm Trợ lý Dân quân tại Ban Chỉ huy Quân sự Pleiku. Khi về hưu, họ lại tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Nói về sự “thay da đổi thịt” của tỉnh nhà, cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng cảm thấy vui và tự hào. Ông cho rằng: Thời hậu chiến, đường sá đi lại khó khăn, nhà cửa đơn sơ, cuộc sống của người dân rất vất vả. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cơ sở hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Đề cập đến thế hệ trẻ, ông Hùng tin tưởng: “Ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi người sẽ có vai trò, trách nhiệm khác nhau với dân tộc. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã lựa chọn những cán bộ tài năng, giàu tâm huyết để lãnh đạo tỉnh nhà phát triển trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ ngày nay được học hành đến nơi đến chốn, được tiếp xúc với công nghệ thông tin để mở mang tri thức. Vì thế, dẫu sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng tôi luôn tin tưởng Gia Lai sẽ có những bước tiến vững chắc trong tương lai”.

 

PHAN LÀI
 

Có thể bạn quan tâm