Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cách đây 41 năm, ngày 17-2-1979, quân đội Trung Quốc đã nổ súng tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), với chiều dài hơn 1.400km.

 

 Cựu chiến binh dâng hương, tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: TRẦN LƯU
Cựu chiến binh dâng hương, tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: TRẦN LƯU



Nhân dân Việt Nam, trước hết là quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc, đã kiên cường anh dũng đánh trả để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc và giành nhiều thắng lợi. Đến ngày 18-3-1979, quân đội Trung Quốc cơ bản rút khỏi biên giới phía Bắc Việt Nam. Đó là thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa trong việc bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam.
Viết tiếp trang sử hào hùng

Theo Đại tá, PGS-TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, trong ký ức của người Việt Nam, có lẽ không một ai có thể quên được ngày 17-2-1979, ngày mà Chính phủ Trung Quốc lúc bấy giờ đã huy động 600.000 quân cùng với 2.558 khẩu pháo mặt đất, 550 xe tăng, 676 máy bay các loại, 2 sư đoàn pháo phòng không... chia làm 2 cánh bất ngờ mở cuộc tiến công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Sau hơn 10 ngày thực hiện ý đồ “đánh nhanh, chiếm nhanh các mục tiêu”, quân Trung Quốc dựa vào ưu thế quân đông, vũ khí trang bị nhiều và hiện đại đã tiến sâu vào nội địa Việt Nam trên một số hướng, có chỗ vào sâu hàng chục kilômét. Tuy nhiên, trước sự chống trả kiên cường của quân dân Việt Nam, quân đội Trung Quốc bị tổn thất nặng nề và sức ép phản đối kịch liệt của dư luận trong nước, quốc tế. Để khỏi bị sa lầy trong cuộc chiến, ngày 5-3-1979, Chính phủ Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đến ngày 18-3-1979, về cơ bản, quân Trung Quốc đã rút về nước theo kế hoạch. Mặc dù vậy, hòa bình vẫn chưa được vãn hồi trên tuyến biên giới phía Bắc, nhất là ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang)...


 

Người dân dâng hương, hoa trong Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Trần Lưu
Người dân dâng hương, hoa trong Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Trần Lưu



Theo GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, có mối quan hệ gắn bó từ lâu đời. Phát huy tinh thần đoàn kết trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam về nhiều mặt, góp phần quan trọng giúp nhân dân Việt Nam hoàn thành việc giải phóng dân tộc. Sự giúp đỡ quý báu đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mãi ghi nhớ. Nhưng cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc từ tháng 2-1979 đến tháng 9-1989 là một sự kiện không thể nào quên của mọi người dân Việt Nam.

 


“Với thắng lợi này, quân và dân Việt Nam đã viết tiếp trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc, bảo vệ bờ cõi, nền hòa bình, độc lập dân tộc của đất nước”, GS-TS Nguyễn Quang Thuấn khẳng định.





PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng, cuộc tấn công xâm lược Việt Nam của Trung Quốc thoạt đầu đẩy Việt Nam vào thế “lưỡng đầu thọ địch” và phải trải qua một thử thách vô cùng khó khăn do bị bao vây cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây, có thể so sánh với thế “ngàn cân treo sợi tóc” của đất nước khi mới giành được độc lập năm 1945-1946.


Cuộc tiến công xâm lược Việt Nam của quân đội Trung Quốc cũng làm cho thế giới sửng sốt. Từ chỗ là đồng minh trong “Chiến tranh lạnh”, nhà cầm quyền Trung Quốc đã coi Việt Nam là kẻ thù. Những người bình thường trên thế giới không ai nghĩ rằng một dân tộc vừa phải trải qua 30 năm chiến tranh, có biết bao nhiêu công việc phải làm để xây dựng lại đất nước lại đi khiêu khích rồi xâm lược một nước khác lớn hơn, thậm chí là nước đã từng là đồng minh trong 2 cuộc kháng chiến trước đó.

Cho đến nay, một số người Trung Quốc vẫn nói rằng cuộc chiến tranh chống Việt Nam của họ chỉ là một “cuộc phản công tự vệ”, nhưng không ai tin điều đó! Chính vì vậy, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc ở thời điểm đó đã bị nhân dân thế giới phản đối. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra cùng hội thảo, lấy chữ ký phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc với khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam”, đòi nhà cầm quyền Trung Quốc rút ngay quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam…

Ngày nay, chúng ta ôn lại, làm rõ những vấn đề lịch sử của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân dân Việt Nam không phải là khoét sâu mối hận thù mà để nhắc lại một sự thật lịch sử không thể chối bỏ; đồng thời khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, bắt đầu từ ngày 17-2-1979 và kéo dài đến tận cuối năm 1989.
Sự kiện hết sức quan trọng trong lịch sử đất nước

Theo GS-TSKH Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu đặt sang một bên tính chất “nhạy cảm” để xem xét một cách khách quan tính chất của cuộc chiến năm 1979 ở biên giới phía Bắc thì thấy không khác gì những cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang mà Việt Nam từng phải chống đỡ để gìn giữ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ trong suốt lịch sử hàng ngàn năm qua. Thậm chí, cuộc chiến này còn vượt xa các cuộc chiến tranh xâm lược trước đây về quy mô quân số và phạm vi chiến trường. Dù cuộc chiến năm 1979 ở biên giới phía Bắc chỉ diễn ra trong một thời gian tương đối ngắn, nhưng đây là một sự kiện hết sức quan trọng trong lịch sử đất nước. Sự kiện đó nhắc nhở người Việt Nam bài học luôn cảnh giác.

Nhìn dưới góc độ nào thì cuộc tấn công của 600.000 quân Trung Quốc năm 1979 đã gây cho Việt Nam những tổn thất nặng nề và rõ ràng mang tính chất của một cuộc tiến công xâm lược. Với ý nghĩa này, đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, cần có vị trí xứng đáng trong các bộ sách lịch sử của dân tộc, các sách giáo khoa và các phương thức giáo dục lịch sử khác.

GS-TSKH Vũ Minh Giang phân tích: Việc “khép lại quá khứ” hoàn toàn không đồng nghĩa với việc không (hay chưa) nói về quá khứ mà là xác định lại sự kiện như đã từng xảy ra một cách khoa học, thay vì cứ đào bới, cường điệu, lợi dụng lịch sử để phục vụ cho động cơ nào đó. Hoàn toàn không nhắc đến tới lịch sử (cho dù sự kiện ấy là như thế nào) sẽ đồng nghĩa với che giấu lịch sử. Điều này không thể và không nên làm. Trình bày một cách khách quan, khoa học về cuộc chiến ở biên giới phía Bắc năm 1979 là cách tốt nhất đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc, dùng lịch sử để kích động, đồng thời cũng là cách tốt nhất để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc.

Theo TRẦN LƯU (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm