Kinh tế

Nông nghiệp

Thăng trầm cây mía An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Màu xanh của mía trải dài ngút ngàn trên những sườn đồi. Những đoàn xe tải mang trên mình đầy ắp mía nối đuôi về nhà máy. Nhà cao tầng mọc lên như nấm. Đó là kết quả có được sau những thăng trầm của cây mía An Khê quê tôi suốt mấy chục năm qua.
 Đưa cơ giới vào trồng, chăm sóc mía. Ảnh: internet
Đưa cơ giới vào trồng, chăm sóc mía. Ảnh: internet
Trước thập niên 70 của thế kỷ trước, cây mía được trồng rải rác tại các xã Cửu An, Tú An (huyện An Khê, nay là thị xã An Khê), chủ yếu dùng để ăn tươi hoặc làm đường nhỏ lẻ. Sau năm 1975, huyện tổ chức phát động người dân trồng giống mía sả ở Quảng Ngãi để phát triển kinh tế. Thời đó, các hợp tác xã nhận mía giống của huyện rồi phát cho dân trồng. Phương thức làm ra đường chủ yếu là thủ công. Một bộ che ép mía gồm 3 khúc gỗ cứng, tròn với đường kính chừng 40 cm, đục trên đầu là 3 bánh răng chuyền. Sức kéo là đôi bò, khi chúng kéo vòng quanh sẽ khiến 3 khúc gỗ xoay tròn khiến mía bị ép ra nước. Lò nấu đường là những chiếc lò thủ công đào ngay trên bìa rẫy, chảo gang đặt lên trên để làm dụng cụ nấu. Chất đốt là củi hoặc bã mía. Một ngày một đêm làm cật lực, mỗi lò chỉ cho ra vài tạ đường. 
Sau năm 1980, giống mía sả được thay bằng mía có năng suất cao hơn. Che máy bắt đầu ra đời thay cho che bò kéo. Dàn ép là 4 ống sắt dày, tròn, đường kính chừng 20-40 cm, do máy nổ “kéo”. Mía từ khâu chặt, bó mang đến máy ép hoàn toàn bằng sức người nên nhiều vụ tai nạn đã xảy ra do bất cẩn. Chuyện trượt chân vào chảo đường đang sôi cũng là chuyện có thật, vì khi đó không có bờ bảo hộ lò nấu đường. Nhiều hộ mía ép ra nước còn phải gánh tới lò, có khi phải vài trăm mét đến hàng cây số. Đường nấu ra chỉ biết bán cho con buôn tới tận nhà mua. Đến thập niên 80 của thế kỷ trước, giá đường xuống thấp đến nỗi chi phí thu hoạch không đủ trả công nên nhiều chủ rẫy mía đã phải chặt bỏ để chăm bón gốc mía, chờ may mắn vụ sau hoặc phá bỏ hoàn toàn để trồng cây khác. 
Qua trên 10 năm sản xuất thủ công, bán lẻ thì xuất hiện thêm những nhà máy ly tâm, mỗi lần quay được vài tấn, sau đó dùng bồn xoay gạt mật ra khỏi đường để có đường kính vàng hoặc trắng (tùy theo thời gian quay gạt mật nhiều hay ít). Đường hồi ấy chỉ dùng nội tỉnh, trong các cửa hàng mậu dịch.
Năm 2000, Nhà máy Đường An Khê được thành lập, khi ấy diện tích mía trong toàn vùng chỉ chừng 2.500 ha. Thời điểm này cũng là lúc các vườn, rẫy trồng hoa màu khác được nhà máy đầu tư phân, giống mía, máy cày để sản xuất đại trà, đồng thời bao tiêu sản phẩm. 
Đến nay, vùng nguyên liệu mía phía Đông tỉnh do Nhà máy đường An Khê đầu tư có diện tích hơn 30.000 ha, tập trung ở thị xã An Khê và 3 huyện Đak Pơ, Kông Chro, Kbang. Qua bao thăng trầm, phải đối mặt với những rủi ro, người dân An Khê đã từng bước vươn lên, thu nhập từ đó cũng tăng cao. Dọc theo quốc lộ 19 bây giờ, vừa xuống khỏi đèo Mang Yang là đã thấy màu xanh bạt ngàn của cây mía chạy dài suốt dọc đường đến đèo An Khê. Những dãy nhà mới, nhà tầng thi nhau mọc lên. Một sức sống mới đã trỗi dậy từ cây mía. 
An Sinh

Có thể bạn quan tâm