Phóng sự - Ký sự

Thăng trầm ngành cà phê: Kỳ cuối: Bao giờ cho đến… ngày xưa?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1999, giá cà phê đang từ 6.000 đồng/kg quả tươi đột ngột tụt xuống 800 đồng/kg. “Cà phê không bằng cà pháo”, câu nói vui nhưng là hiện thực của thời kỳ này. “Giai đoạn vàng” kết thúc cũng là lúc “đất vàng đất bạc” kiệt dần, năng suất cà phê mỗi năm mỗi giảm. Trong khi đó, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đã tỏ ra không theo kịp xu thế làm ăn mới, bộ máy cồng kềnh, hiệu quả thấp, thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Các công ty thì gần như mất hết vốn phải vay lãi ngân hàng để đầu tư. Cơ chế khoán theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện theo kiểu khoán trắng càng khiến đời sống của 30.000 công nhân và người lao động ngày càng khốn khó.
Gắng sống đến… nghỉ hưu
Ở Đội 2, Công ty 704 (huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum), anh Phạm Văn Sơn được tiếng là “làm ăn khá”. Niên vụ 2017-2018, 1 ha cà phê nhận khoán của anh đạt sản lượng 20 tấn quả tươi. Rất rành rẽ, anh Sơn “hạch toán” cho tôi nghe “hiệu quả kinh tế” cuối cùng mà mình được hưởng: 20 tấn giá 180 triệu đồng; tổng đầu tư bao gồm phân bón, thuốc, tưới nước, thu hái… hết 90 triệu đồng; nộp khoán cho công ty 3,2 tấn, tương đương gần 29 triệu đồng. Như vậy, anh “lãi ròng” được khoảng 60 triệu đồng. Tuy nhiên, 60 triệu đồng đó anh phải đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn phí… tổng cộng 30 triệu đồng. Vậy là anh Sơn còn lại 30 triệu đồng. Nếu không tính công phụ giúp của vợ và con cái thì thu nhập của anh mỗi tháng vỏn vẹn có 2,5 triệu đồng.
Cũng thuộc diện “làm ăn khá”, anh Nguyễn Trọng Bình-công nhân Đội 1, Công ty Cà phê 706 (huyện Ia Grai) cho biết: 1 ha cà phê tái canh của anh niên vụ 2018 thu được 13 tấn quả tươi. Nộp sản phẩm khoán cho công ty hơn 3 tấn, gần 10 tấn còn lại tương đương 80 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, và cũng như anh Sơn, phải tự đóng các thứ bảo hiểm, công đoàn phí…, anh Bình còn lại vỏn vẹn 2 tấn cà phê quả tươi, tương đương 16 triệu đồng sau 1 năm trời quần quật.
Vườn cà phê tái canh chất lượng kém do thiếu vốn và không đúng quy trình. Ảnh: N.T
Đấy là những công nhân thâm canh giỏi, là năm được mùa. Còn theo ông Phạm Văn Chúc-nguyên quyền Giám đốc Công ty 704 thì năng suất bình quân ở đơn vị chỉ đạt 15-16 tấn quả tươi/ha. Với năng suất đó, trừ các khoản chi phí và bảo hiểm là huề vốn; còn gặp những năm thiên tai mất mùa, công nhân gần như tay trắng… Nhãn tiền là niên vụ cà phê 2018, các công ty phổ biến hụt sản lượng 30%. Tại Công ty 706, ông Lê Đình Hoàng-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn-cho biết: Năng suất bình quân chỉ đạt 12 tấn quả tươi/ha. 12 tấn đó nộp khoán cho công ty 5,4 tấn, cộng chi phí đầu tư tương đương 4 tấn, công nhân chỉ còn lại hơn 2,6 tấn. Số “lãi ròng” đó với giá bán hiện tại, đem chia cho 12 tháng thì thu nhập của công nhân chỉ hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Những dẫn chứng trên cho thấy, ngay cả những công nhân thâm canh tốt (trừ một số trường hợp cá biệt có năng lực tài chính đầu tư mà năng suất trội hẳn) cũng thu nhập “dưới mức nghèo khổ” nếu so sánh với quy định của Nhà nước về lương tối thiểu vùng hiện nay là 2,7 triệu đồng/tháng…
Với năng suất và mức thu nhập như vậy có lẽ không khó để hình dung đời sống hiện tại của công nhân và người lao động. Thực ra thì từ khoảng 10 năm trước, đời sống của họ đã bắt đầu khó khăn thể hiện qua việc nợ sản phẩm. Từ đó, theo thời gian, với đà xuống dốc của vườn cây và các yếu tố khách quan, tình trạng nợ đọng không những không được cải thiện mà còn chất chồng thêm. Hiện tại có thể nói gần như là không có công ty nào là không có công nhân mắc nợ. Một thí dụ tại Công ty 706-đơn vị làm ăn “vang bóng một thời” là thế nhưng chỉ tính đến niên vụ 2017-2018, nợ đọng của công nhân và người lao động đã trên 20 tỷ đồng… “Ở Đội 1 của tôi, người không mắc nợ chỉ đếm trên đầu ngón tay”-công nhân Nguyễn Trọng Bình nói. Và anh cho biết thêm, có người đã nợ đến trên 200 triệu đồng. Nợ lưu cữu từ mùa này sang mùa khác, đời cha truyền sang đời con. Có người đến lúc nghỉ hưu vẫn không trả nổi nợ đành “dùng chiêu” sang lô cho con, đưa con đứng ra bảo lãnh mới làm được chế độ… Minh họa thêm thực trạng này, ông Nguyễn Văn Thiện-Đội trưởng Đội 2-cho biết: Tính đến cuối năm 2017, nợ của công nhân và người lao động ở Đội 2 đã trên 2 tỷ đồng. Nợ năm sau nhiều hơn năm trước, càng ngày nợ càng lún sâu. Để duy trì cuộc sống, công nhân cà phê nay phải xoay xở đủ nghề. Vậy nên, trước đây người ngoài phải đi làm thuê cho công nhân thì nay ngược lại. Có đội sản xuất hầu như toàn bộ công nhân phải đi làm thuê. “Đã lỡ rồi vả chăng cũng chẳng còn con đường nào khác. Thôi đành cố xoay xở để chờ ngày lấy sổ hưu”-một công nhân nói giùm ý nghĩ của nhiều người.
“Tất cả là do cơ chế”?
Nếu như “giai đoạn vàng”, nông dân nhìn thu nhập của người công nhân mà ao ước thì bây giờ ngược lại: năng suất bình quân của các đơn vị thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam chỉ bằng 60% cà phê của nông dân; giá thành cao gấp 1,5 lần. Hiện tại, trong khi mỗi héc ta đất nông nghiệp, nông dân có thể thu về hàng trăm triệu đồng không là cá biệt thì mỗi héc ta đất thuộc Tổng Công ty Cà phê chỉ lãi bình quân trên dưới 40 triệu đồng… Câu hỏi đặt ra là tại sao cùng điều kiện thổ nhưỡng, giá cả, cùng cơ chế thị trường mà năng suất, thu nhập giữa công nhân cà phê và nông dân trồng cà phê lại chênh lệch đến vậy? Trả lời câu hỏi này không chỉ công nhân mà hầu hết cán bộ lãnh đạo các công ty đều cho rằng: Do cơ chế!
Theo ông Lê Đình Hoàng-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cà phê 706, phương án khoán hiện nay phổ biến là “khoán trắng”. Có thể nói đây là phương án “phát canh thu tô” vi phạm pháp luật lao động. Các doanh nghiệp hầu như không đầu tư gì, chỉ cuối năm là thu khoán. Ngoài các khoản phải nộp ngân sách, còn lại hầu như chi trả lương và hoạt động cho bộ máy gián tiếp cồng kềnh của toàn Tổng Công ty trên 200 tỷ đồng/năm. Mỗi héc ta cà phê, công nhân phải đóng 13 triệu đồng chi phí quản lý/năm là một gánh nặng vô cùng phi lý. Điều này là sự cắt nghĩa quá rõ ràng vì sao giá thành cà phê doanh nghiệp lại cao gấp 1,5 lần cà phê của nông dân…
Về sự chênh lệch hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, trong khi nông dân trồng cà phê được làm chủ thực sự mảnh đất của mình, được quyền “hạch toán để mang lại lợi nhuận cao nhất” (mô hình trồng xen sầu riêng hay các loại cây ăn quả với cà phê đã nâng thu nhập lên gấp đôi là một thí dụ) thì các công ty thuộc Tổng Công ty Cà phê vẫn chỉ độc canh cà phê; kỹ thuật canh tác bao nhiêu năm vẫn theo lối “cổ điển”… Ở một góc độ khác, có người cho rằng, ngày nay, người công nhân đã không còn hết mình với cây cà phê. “Thời kỳ vàng”, cứ sau mỗi vụ thu hái, hàng đoàn xe chở phân hữu cơ ùn ùn đổ về các công ty, nông trường. Người công nhân cần mẫn gom từng ngọn lá, hạt phân để bón cho lô nhận khoán của mình thì hình ảnh này ngày nay gần như không còn thấy nữa… Quả là có điều đó và không phải là người công nhân không tự vấn mình. Tuy nhiên, điều phải biết là với thu nhập dưới mức tối thiểu, công nhân lấy đâu ra vốn để đầu tư? Giả sử ai đó có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng thì với cơ chế và giá cả hiện tại, lãi sản lượng liệu có đủ trả lãi vay?
Lối ra nào cho ngành cà phê hiện nay? Câu trả lời xem ra còn mù mịt khi “nước cờ” tái canh cà phê đã không như mong đợi và thậm chí bị coi là thất bại ở một số công ty. Để nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống cho công nhân, Nhà nước đã chủ trương cổ phần hóa. Tuy nhiên, đã hơn 4 năm trôi qua, tiến trình thí điểm ở 4 công ty vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Có người khẳng định: Với khối nợ nần và những bùng nhùng do quá khứ để lại, cổ phần hóa là cực kỳ khó khăn nếu không nói là bất khả. Nên chăng Nhà nước bán thẳng vườn cây cho công nhân hoặc có thể cho thuê với thời gian dài. Như thế thì Nhà nước có thể thu về một nguồn vốn không nhỏ, còn người lao động sẽ thực sự được làm chủ đất đất đai của mình, được tự do đầu tư, xen canh những loại cây thích hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế như hàng vạn mô hình của nông dân trồng cà phê trên cả nước. Chỉ như thế, câu hỏi “bao giờ cho đến ngày xưa” không những sẽ trở lại mà còn hơn cả điều mong ước…
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm