Thành lập Đơn vị điều phối ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hôm nay (22-10), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) công bố thành lập Đơn vị điều phối ghép tạng, nhằm đảm bảo công bằng trong phân phối nguồn tạng hiến tặng và đẩy mạnh tuyên truyền hiến tạng nhân đạo cứu người.
 

Bác sĩ Trần Ngọc Sinh đánh giá về tình hình khan hiếm nguồn tạng hiến và giới thiệu thẻ hiến tạng


Tiến sĩ - bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: Nhiệm vụ chính của đơn vị là tiếp nhận và phân phối nguồn tạng hiến tặng nhằm đảm bảo công bằng, không vụ lợi trong hoạt động này.

Theo đó, bước đầu, đơn vị đã phát hành tờ rơi vận động hiến tạng, tuyên tuyền cho thân nhân bệnh nhân tại bệnh viện, đồng thời chính thức ra mắt thẻ hiến tạng cấp cho những người tình nguyện hiến tạng. Đây như là một bằng chứng xác nhận việc đồng ý hiến tạng.

Khan hiếm nguồn cho tạng

Tại buổi công bố, bác sĩ Thu cho biết theo các thống kê của ngành Y tế, mặc dù được đẩy mạnh phát triển và đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực ghép tạng nhưng cho đến nay, trên cả nước ta, số người được ghép tạng vẫn khá khiêm tốn. Có khoảng 1.000 ca được ghép thận trên khoảng 6.000 trường hợp có nhu cầu; 46 ca được ghép gan trên khoảng 1.500 người có nhu cầu; 11 ca được ghép tim và 1 ca được ghép tụy tạng.

GS-TS bác sĩ Trần Ngọc Sinh, Cố vấn khoa Thận - Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội Niệu - Thận học TP. Hồ Chí Minh, đánh giá số lượng các ca ghép tạng còn hạn chế không phải do năng lực của ngành Y tế mà là do quá khan hiếm nguồn tạng hiến tặng.

 

Các bác sĩ thực hiện một ca ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy


Hiện nay, nguồn tạng hiến ở nước ta chủ yếu từ người cho sống là thân thích trong gia đình. Vì vậy, chỉ hiến được gan và thận. Trong khi đó, y khoa rất cần có sự hiến tặng cơ quan từ người cho chết não (não bộ bị chấn thương nặng, chức năng não đã ngừng hoạt động và người chết não không thể sống lại được) hoặc chết tim (chết khi tim ngừng đập).

Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, từ năm 2008 đến nay, bệnh viện này chỉ tiếp nhận được 7 trường hợp hiến tạng từ người cho chết não. Nguồn tạng này đã được sử dụng để ghép, cứu sống 13 trường hợp. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày, tại Bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng 5 trường hợp bệnh nhân chết não, ngưng tim, chủ yếu do tai nạn giao thông.

Theo các bác sĩ, một người chết do chấn thương sọ não nếu hiến tạng có thể cứu sống được 7 người bệnh với thận, gan, tim, phổi và tụy tạng. Với ý nghĩa lớn lao này, ngành y tế đang nỗ lực kêu gọi toàn thể cộng đồng phát triển hiến tạng nhân đạo để cứu người.

Mặt khác, việc khan hiếm nguồn tạng hiện nay cũng dẫn đến tình trạng buôn bán và buôn lậu phủ tạng; gây ra sự không công bằng trong hiến, ghép tạng, bóc lột sức khỏe của người nghèo.

Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm