Thời sự - Bình luận

Tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai có nhiều tiềm năng, thế mạnh để đẩy nhanh tốc độ phát triển. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định rõ 3 trụ cột phát triển kinh tế, đồng thời với yêu cầu huy động nguồn lực thực hiện. Và công tác thu hút đầu tư có thể xem là nhiệm vụ khai thông, quan trọng hàng đầu để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 231 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 66.500 tỷ đồng. Trong đó, 110 dự án hoàn thành với tổng vốn 12.000 tỷ đồng; 108 dự án được các doanh nghiệp quan tâm lập thủ tục đầu tư với số vốn 50.928 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp nhận 93 hồ sơ dự án xin chủ trương nghiên cứu, đề xuất với số vốn 21.738 tỷ đồng. Sở cũng đã bổ sung, hoàn chỉnh danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn mới với 215 dự án.

Hoạt động các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp hiệu quả chưa cao. Ảnh: Hà Duy
Hoạt động các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp hiệu quả chưa cao. Ảnh: Hà Duy


Con số dự án, vốn đăng ký rất quan trọng và ý nghĩa, nhưng quan trọng và ý nghĩa hơn khi nó nhanh chóng triển khai và đi vào hoạt động, nhà đầu tư theo đuổi dự án đến cùng, cam kết làm ăn và gắn bó lâu dài với địa phương. Năm 2019, chúng ta đã có những dự án thành công như vậy. Đáng chú ý là Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Gia Lai có công suất 52 ngàn tấn sản phẩm/năm với 3 dây chuyền sản xuất hiện đại, mục tiêu đạt 100 triệu USD/năm, tổng doanh thu 2 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 100-150 tỷ đồng, giải quyết khoảng 1.000 việc làm tại địa phương và hàng chục ngàn nông dân tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm cho dự án.

Cùng với đó, tiềm năng điện mặt trời, điện gió được khai thác. Tổng hợp từ ngành chức năng có 176 dự án điện mặt trời, điện gió được các nhà đầu tư quan tâm đăng ký với quy mô 24.300 MWp, dự kiến vốn đầu tư 715.497 tỷ đồng. Khai thác năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm môi trường, giúp giải quyết nhiều việc làm, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách là chủ trương rất đúng đắn.

Tuy nhiên, hạn chế trong thu hút đầu tư của tỉnh là cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Hoạt động các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp hiệu quả chưa cao. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ; khó khăn khi tiếp cận xu thế cạnh tranh và hội nhập; giá các loại nông sản chủ lực giảm thấp kéo dài; chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế. Cơ chế ưu đãi đặc thù của tỉnh chưa thực sự khuyến khích, công tác quảng bá tiềm năng thế mạnh, xúc tiến đầu tư chưa phát huy hiệu quả…

Theo ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, hạn chế trong thu hút đầu tư còn bởi địa phương chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đón các nhà đầu tư. Một số địa phương chưa quan tâm xây dựng danh mục dự án. Cá biệt, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đầy đủ công tác này dẫn đến dự án triển khai nhưng nhà đầu tư chưa nhận được sự hỗ trợ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, thuê đất, thuế, vốn vay…

Để phấn đấu trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên, báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI chỉ rõ: “Đổi mới cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; xây dựng, bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt cam kết; không phân biệt ưu đãi giữa các ngành nghề đầu tư… Triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh”.

Đi liền với chủ trương đó, kế hoạch phát triển 5 năm tới của UBND tỉnh cũng chi tiết hóa công tác quy hoạch, đầu tư và thu hút đầu tư. Đây là việc làm cần thiết trước những tồn tại trong công tác quy hoạch, đầu tư đối với một số ngành, lĩnh vực liên quan đến rừng, thủy điện, điện mặt trời... mà tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã tập trung mổ xẻ. Bên cạnh đó là đổi mới cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; xây dựng bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt cam kết; triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.   

Chắc chắn, khi những rào cản được khai thông kịp thời, công tác thu hút đầu tư của tỉnh sẽ khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực.                   

 THẤT SƠN
 

Có thể bạn quan tâm