Thảo nguyên nơi lòng hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khi con nước rút xuống làm lộ ra khoảng lòng hồ rộng lớn, mảnh đất màu mỡ này chẳng mấy chốc được lấp đầy bởi cỏ xanh tươi tốt. Để rồi khi mùa mưa về, vùng đất như thảo nguyên bao la ấy lại chìm trong biển nước, ấp ủ mỡ màu cho mùa sau.

Khung cảnh đậm chất du mục khiến nhiều bạn trẻ mê mẩn. Ảnh: P.V
Khung cảnh đậm chất du mục khiến nhiều bạn trẻ mê mẩn. Ảnh: P.V


Chỉ cách trung tâm thành phố chừng 15 km, lòng hồ nối giữa Biển Hồ nước và hồ Ia Nâm (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vào mùa khô sẽ là địa điểm check-in khó có thể bỏ qua. Bên cạnh Nhà thờ Tiên Sơn có một con đường bê tông nhỏ dẫn lối, lữ khách chỉ cần nhìn ra phía sau những ngôi nhà nhỏ xinh sẽ thấy một vùng thảo nguyên mênh mông, phía xa xa thấp thoáng bóng núi in trên mặt nước. Theo con đường mòn nhỏ vài chục mét là đã có thể đắm mình giữa thiên nhiên bao la, yên bình.


Mùa này, mưa chưa nhiều nên thảo nguyên vẫn tha hồ khoe vẻ khoáng đạt. Anh Võ Nhật Quang (thôn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku)-một người dân sinh sống lâu ở đây nên nắm rất rõ đặc điểm con nước của vùng này-tâm sự: “Bình thường ngang qua khu vực này chỉ thấy mênh mông nước. Thế nhưng khi Tây Nguyên vào mùa khô thì nước ở đây rút dần đi, làm lộ ra gần như toàn bộ lòng hồ rộng lớn. Người dân chúng tôi vẫn thường tận dụng thời điểm này để chăn thả gia súc hay trồng các loại rau màu kiếm thêm thu nhập”. Cũng theo anh Quang, không phải năm nào nước cũng rút sâu như năm nay, có năm chỉ vài chục mét nên rất ít người biết đến cảnh quan tuyệt đẹp ở đây.


Nằm khuất sau những vườn tược, vùng đất như thảo nguyên rộng chừng vài héc ta này thực sự là địa điểm hấp dẫn cho những ai yêu thích thiên nhiên. Nơi đây, các loài cỏ dại nhỏ xinh đã dệt nên tấm thảm xanh mướt. Nhiều đám hoa nhiều màu sắc xen lẫn với cỏ xanh, như tô điểm thêm hoa văn cho tấm thảm lấp lánh dưới nắng vàng. Từng đàn dê, bò lững thững, chậm rãi nhấm nháp từng ngọn cỏ tươi non. Đám trẻ mục đồng thong thả đi sau, vừa đi vừa cười đùa mặc cho đàn gia súc lang thang mà chẳng lo lạc đường. Bên kia mặt hồ là dãy núi Grang, xa hơn là ngọn Chư Đăng Ya và dãy Chư Nâm hùng vĩ. Những cồn đất nổi giữa lòng hồ là nét điểm xuyết ấn tượng của thiên nhiên. Vài chiếc thuyền nhỏ lặng lẽ bên bờ như chờ đợi ai. Khung cảnh như một bức tranh khiến ta dễ liên tưởng đến vùng thảo nguyên rộng lớn ở xứ sở Mông Cổ.


Là gia đình nuôi dê nhiều nhất vùng nên hầu như ngày nào nhà anh Quang cũng có vài nhóm bạn trẻ nhờ lùa bầy dê đến thả ở đồng cỏ để giúp bộ ảnh của mình thêm phần sinh động. Khung cảnh đậm chất du mục ấy nhanh chóng thu hút nhiều bạn trẻ yêu thích tìm đến để chiêm ngưỡng và lưu giữ những khoảnh khắc đẹp. Nằm trên trục đường dẫn đến địa chỉ du lịch nổi tiếng núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah), thảo nguyên nơi lòng hồ đã không làm du khách thất vọng khi tìm đến.


Phương Vi
 

Có thể bạn quan tâm