Phóng sự - Ký sự

Thao thiết Lý Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi vừa có một cuộc “ngẫu hứng Lý Sơn” về, đi xe đò Pleiku- Quy Nhơn rồi lại Quy Nhơn-Đà Nẵng, đến Quảng Ngãi ngủ lại 1 đêm, sáng sớm hôm sau đi tàu ra đảo...

Nhọc nhằn đời tỏi

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) từ lâu được mệnh danh là vương quốc tỏi. Toàn đảo có diện tích trồng tỏi là 300 ha, hàng năm đưa ra thị trường khoảng 2.000 tấn tỏi khô. Tỏi Lý Sơn là cây trồng truyền thống, có vị thơm dịu và nhiều tác dụng chữa bệnh. Chả thế mà mấy ngày ở Lý Sơn, vào bất cứ quán ăn nào, kể cả quán phở, xe bánh mì thì cái đập vào mắt thực khách đầu tiên là đĩa... tỏi. Trong lúc chờ bưng thức ăn lên, thực khách bóc tỏi chấm nước mắm ăn giống như người miền Trung ăn bánh tráng, người Bắc ăn lạc trước khi ăn cơm.     

Nhưng đấy là mặt trước của tỏi, chứ đời tỏi thăng trầm cơ cực hơn nhiều. Và Lý Sơn cũng không chỉ tỏi...

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở Lý Sơn. Ảnh: V.C.H
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở Lý Sơn. Ảnh: V.C.H
Khi ra đến đảo, việc đầu tiên là phát hiện: Biển Lý Sơn không có cát. Điều này cũng không lạ, cũng giống như biển ở phía Bắc và ở Cà Mau rất nhiều bùn, lội xuống biển mà như lội xuống... ao. Thế nhưng không phải thế. Lý Sơn nằm trong hệ thống biển miền Trung, nước đậm màu mực Cửu Long, veo véo trong và thoải ra khá xa. Nó không có cát không phải là do không có cát mà là bởi nó đã hy sinh cát cho tỏi. Hàng trăm năm nay, người dân Lý Sơn đã moi cát biển lên trồng tỏi. Người ta xúc ngày này năm khác đến nỗi bây giờ trong bờ còn trơ đá, đến nỗi bây giờ muốn lấy cát biển, tàu hút phải đậu ở tít ngoài xa, hút lên thuyền rồi chở vào bờ bán cho người trồng tỏi. Cát ấy được trộn với đất đỏ lấy trên miệng núi lửa ngay trên đảo và rong biển Lý Sơn thành đất trồng tỏi. Đi trên đường Lý Sơn thấy lổn nhổn những đống cát đống rêu như thế. Hai năm một lần, người ta lại phải thay đất. Không tưới, không có nước đâu mà tưới, đặc biệt là ở đảo Bé, là đảo trong đảo, giờ là xã An Bình, cách đảo lớn tức xã An Hải gần một giờ tàu chạy. Đảo này không có một tẹo nước ngọt nào, người ta hoàn toàn nhờ vào trời để trồng hành tỏi, còn nước uống thì nhà nào cũng có một cái bể to đùng và dăm bảy cái lu cũng to đùng để hứng và chứa nước mưa, khi hết thì có tàu chở nước đến bán với giá hai trăm ngàn đồng một mét khối. Cây tỏi cứ thế oặt oẹo lớn, lá héo quắt rũ dưới nắng, thân tóp hết cỡ để giữ nước, bao nhiêu tinh hoa, bao nhiêu khốn khổ, bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu khô khát cơ cực... dồn hết vào củ tỏi, làm nên thương hiệu tỏi Lý Sơn.


Mà không phải cứ bãi cát mênh mông thế rồi cứ ra vun mà trồng. Còn nhiều công đoạn rất vất vả, ấy là lấy đá chắn gió giữ cát. Những ruộng tỏi nhìn xa cũng như những ruộng bậc thang vùng Tây Bắc. Mà nó cũng bé tẹo bé teo như ruộng bậc thang. Đời này sang đời khác, năm này qua năm khác, những thửa ruộng đá nhiều hơn cát và mồ hôi nhiều hơn đá.

Lý Sơn hiện nay là một huyện của tỉnh Quảng Ngãi tách ra từ huyện Bình Sơn với ba xã là An Hải, An Vĩnh và An Bình, trong đó An Bình hay còn gọi là đảo Bé là nơi khó khăn nhất. Đảo chỉ có 69 ha, với 102 hộ dân. Cát trắng, mênh mông cát trắng, nhưng nó không được thoải mái để sướng tầm mắt, mà nó được người dân, năm này qua năm khác, vần đá dưới biển lên, ngăn lại thành từng ô nhỏ để chắn gió mà trồng tỏi, nhiều thửa ruộng đá nhiều hơn cát và mồ hôi nhiều hơn đá là như thế...

Đôi mắt Lý Sơn

Xách máy ảnh lòng vòng ra biển, tôi phát hiện ra nỗi thăm thẳm buồn của những đôi mắt phụ nữ Lý Sơn. Đấy là những đôi mắt rất lạ, in hằn nỗi khắc khoải, nhẫn nại, chịu đựng. Nó mang một nỗi gì rất khó tả nhưng lại cũng rất hiện thực, rất đẹp. Thế là tôi nhờ Mai Thanh Hải, người có máy ảnh và cả tay nghề xịn hơn tôi, bỏ ra nguyên buổi để chụp những đôi mắt phụ nữ Lý Sơn, từ trẻ con đến người già. Trước khi ra về Hải “đổ” vào laptop của tôi một sê ri ảnh mắt. Trời ạ, tôi đã lặng đi khi ngồi ngắm những bức ảnh chuyên về mắt ấy. Ngay bây giờ, những người đàn bà thành phố kiều diễm và tự tin, đầy đủ phương tiện hiện đại, nhưng nhiều lúc cũng còn hoang mang không biết chồng mình, con trai mình ra khỏi nhà là đi đâu, làm gì, chỉ đến khi các gã say lặc lè về đến nhà khai gì nghe nấy, nói gì đành tin nấy thì những người đàn bà Lý Sơn, đời này sang đời khác, trăm năm này sang trăm năm khác, khi chồng ra khơi là chỉ còn biết ngóng ra biển và chờ.
 Chang chang ruộng tỏi. Ảnh: V.C.H
Chang chang ruộng tỏi. Ảnh: V.C.H
Sự chờ đợi vẹt cát, khô nước mắt, mòn chân trời kia đã tích tụ vào những đôi mắt mà tôi đang ngắm đây. Mỗi chuyến ra biển vài ba tháng, mà sóng mà gió, mà bất trắc mà hiểm nguy, chiếc thuyền như những lá tre dập dềnh trên sóng, mạng người yếu thua cả con chuồn con trích, con cua con ghẹ, con hến con ngao. Ngờm ngợp bao la biển, đêm trên biển đặc quánh như xắn ra được, mà còn bão còn giông. Đấy là những người đàn ông, họ ra biển và chủ động, kể cả cái quy ước thủy táng, quy ước bó nẹp tre, quy ước làm mộ chiêu hồn mà mọi người bây giờ hay gọi sai là mộ gió. Còn đàn bà, họ có gì, chỉ là sự chờ đợi, mà buổi chiều ở biển buồn lắm, mây nước cứ rực lên rồi xám xịt, mây đùn như thác phía mênh mông, từng đụn từng đụn. Còn đêm thì chỉ là  mình đối diện với mình, thắc thỏm, hoang mang với mình, thon thót thon thót với bao nhiêu ám ảnh tưởng tượng... Cứ dõi mắt như thế độc thoại như thế, ngày này tháng khác, đời này đời khác, mẹ truyền sang con, những đôi mắt trở thành thẳm sâu thắc thỏm như chính lòng họ, nước mắt trong nước mắt, cô đơn trong cô đơn. Và vì thế nó đẹp, ẩn chứa trong ấy sự bao dung, dịu dàng, nhẫn nại và cả chở che tha thứ...


Chuyện ở đảo Bé

Từ trung tâm đảo Lớn, chúng tôi thuê tàu sang đảo Bé.

 Một góc đảo Bé. Ảnh: V.C.H
Một góc đảo Bé. Ảnh: V.C.H
Bùi Huệ cũng như mọi thanh niên khác, sinh sống bằng nghề lặn biển. Đảo Bé là bãi ngang, tàu bè không đậu được nên dân không sắm thuyền đánh cá, chỉ lác đác có một ít cái thúng để dân đánh, câu cá nhỏ ven bờ. Sống giữa biển, tứ bề sóng vỗ, sóng dập vào tận sân, thậm chí trùm lên cả bàn thờ, cả nóc nhà mà lại không sắm thuyền đi biển được là sự lạ. Nông dân biển mà không chăn nuôi và đi biển đánh cá thì quả là không tưởng tượng nổi. Nhưng đấy là sự thật. Thế là vài nhà trồng tỏi theo truyền thống bằng cách lấy đá chặn cát lại như kiểu ruộng bậc thang miền Tây Bắc và chỉ trồng vào mùa mưa vì không có nước tưới, còn lại thì sang đảo Lớn rồi theo thuyền đi lặn. Lặn biển là nghề 5 sống 5 chết khi thợ lặn không có đồ bảo hiểm phải xuống sâu đến năm bảy chục thước bắt hải sâm hoặc cá. Huệ từ một thanh niên khỏe mạnh giờ tàn phế vì nghề lặn biển.


Đảo Bé với vị trí và điều kiện như thế nên dân chủ yếu là nghèo. Những người dân ở đây chính là những người lính tiền tiêu ở vùng biển phên dậu giữa trùng khơi. Nếu những người đàn ông đảo lớn tự hào là từ cách đây hàng trăm năm họ là những anh hùng trên Hải đội Hoàng Sa ra bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, thì người đảo Bé dẫu mới chỉ khoảng hai đời từ đảo Lớn sang đây khai phá, họ vẫn xứng đáng được Tổ quốc ghi nhận về công trạng giữ đất. Họ ước ao có nước, có điện, có được đội thuyền để ra khơi đồng nghĩa với việc phải có bến đậu tàu.

Tôi về, đôi mắt của Huệ đăm đắm nhìn ra biển ám ảnh một thì cái nhìn của bố mẹ Huệ ám ảnh tôi gấp mười lần, như hy vọng, đợi chờ một phép màu nào đó cho đứa con trai của họ.

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm