Tháp Cánh Tiên: Trầm mặc, kiêu sa…

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Số tháp Chăm ở Bình Định còn lại đến nay tuy không nhiều nhưng là di sản quý giá của miền “đất võ trời văn”, hàng năm thu hút cả vạn du khách đến tham quan. Trong số tháp Chăm ở thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định), tôi đặc biệt chú ý đến tháp Cánh Tiên nằm giữa phế tích kinh thành Đồ Bàn xưa (thành Vijaya).
Theo các nhà khảo cứu, tháp Cánh Tiên được xây dựng từ thế kỷ XII, sau thành Đồ Bàn gần 200 năm, vào thời vua Chế Mân (Jaya Simhavaman III-người đã dâng châu Ô và châu Rí làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân của nhà Trần-Đại Việt). Tương truyền, nhà vua Chiêm quốc hào hoa này đã xây dựng tháp Cánh Tiên để dâng tặng công chúa Đại Việt. Vì vậy, công trình được xây ngay chính giữa kinh thành Đồ Bàn với những nét phá cách so với các tháp Chăm khác ở xung quanh cùng thời (người đời sau còn gọi tháp Con Gái). Đây là một kalan (đền thờ) của người Chăm có phong cách độc đáo nhất trong những tháp Chăm ở miền Trung còn khá nguyên vẹn đến nay.
 Nét thanh thoát của tháp được ví như của những đôi cánh nên gọi là tháp Cánh Tiên. Ảnh: K.N.B
Nét thanh thoát của tháp được ví như của những đôi cánh nên gọi là tháp Cánh Tiên. Ảnh: internet
Tháp Cánh Tiên là dạng tháp hình vuông, mỗi cạnh dài 10 m và cao 20 m, có cấu trúc 4 tầng thu nhỏ dần về phía trên. Các cột áp tường bằng những phiến đá sa thạch có chạm khắc hoa văn và dây xoắn tinh xảo tạo nên vẻ uy nghi, khỏe khoắn. Đặc biệt, phía trên ngọn tháp ở các góc có các tháp nhỏ nhô lên như ngọn giáo, được trang trí bởi những phiến đá cắt hình hoa lá xòe ra tựa những cánh chim tung lên trời cao. Chính các yếu tố làm nền này khiến người ta tưởng tượng như những cánh tiên vẫy vào mây xanh, tạo nét mềm mại, thanh thoát cho ngôi tháp. Nằm giữa một đồi thấp, cô độc, mặt cửa chính của tháp Cánh Tiên xoay về hướng Đông, 3 mặt cửa giả xoay về phía kinh thành Đồ Bàn tráng lệ xưa kia.
Cách tháp Cánh Tiên khoảng vài cây số đường chim bay về phía Tây có gò Thập Tháp (nay là chùa Thập Tháp). Tài liệu cũ có ghi, tại nơi này từng được xây 10 tháp Chăm cùng thời, là hậu cung của vua Chiêm Thành, có vườn thượng uyển nhưng đã bị hư hại, đổ nát từ thế kỷ XVII-XVIII, nay chỉ còn lại ao sen vuông và 2 giếng Chăm bằng đá ong đang được nhà chùa sử dụng. Cùng phong cách tháp ở thời đại này, ở xã Nhơn Thành (thị xã An Nhơn) còn có tháp Phu Lốc (Phốc Lốc) trên khu đồi cao nhất trong vùng. Tuy không cao bằng và trang trí mỹ thuật không cầu kỳ như tháp Cánh Tiên nhưng nó đánh dấu sự ảnh hưởng nét kiến trúc Khmer khá rõ.
Chiều tà. Tôi đứng bên tháp Cánh Tiên nhìn về phía mặt trời lặn, cố mường tượng xem nơi cố cung của kinh thành Đồ Bàn xưa nguy nga như thế nào, đối ứng với ngọn tháp lộng lẫy, kiêu sa đang trường tồn cùng non nước Bình Định. Hơn 700 năm trước, có lẽ nàng công chúa Đại Việt về làm dâu xứ người đã từng đến kalan đầy kiêu hãnh này để dự lễ hội Katê và mở cửa ngôi tháp vào tháng 7 hàng năm cùng với hoàng thân quốc thích của vua Chăm. Rất tiếc, mối lương duyên ngoại tộc này không tồn tại lâu dài vì vị vua Chăm tài hoa kia sớm băng hà, từ đó số phận nàng cũng chịu cảnh cô độc với nỗi buồn như tháp cổ. Vậy nên, người dân trong vùng đến giờ còn nhắc câu: “Thành xưa đã lặn vào non/Cánh Tiên còn đó, dấu son một thời/Thương cho thế sự đổi dời/Bóng Chiêm đã khuất, tháp Hời còn ru…”.
 HOÀNG LINH VIỆT 

Có thể bạn quan tâm