Ngày đầu tiên lên lớp của 2 thầy giáo mầm non, giống như… ngày hội bởi bà con trong bản Háng Gàng kéo nhau đứng ngồi chật khoảnh sân điểm trường. Ai cũng bảo: 'Úi! Đàn ông người Mông... làm thế này là không được đâu'.
Thầy giáo Sùng Thào Chinh, giáo viên điểm trường Tà Chử (Phình Hồ, Trạm Tấu) 44 tuổi nhưng vẫn say mê trong buổi dạy hoạt động ngoài trời cho trẻ ẢNH: M.T.H |
Nếu nói Trạm Tấu là sâu xa hẻo lánh khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái thì bản Háng Gàng (xã Pá Hu) cực nhọc số 1. Bản gần 40 hộ dân, nằm cách trung tâm xã 20 km đường núi đi bộ, không điện thắp sáng, không sóng điện thoại và có 2 thầy giáo dạy mầm non.
Học trước quên sau
Đã 6 giờ sáng, nhưng sương mù vẫn đặc quánh trên đỉnh Háng Gàng. Gió lạnh luồn qua khe cửa khiến quầng sáng lờ mờ từ chiếc đèn pin trên tay thầy giáo Giàng A Chu (41 tuổi) cũng run lẩy bẩy. Với tay tắt chuông đồng hồ báo thức, thầy Chu lay vai thầy Hờ A Pha (36 tuổi) đang cuộn tròn trong chiếc chăn bông đen xỉn nằm phía trong: “Dậy thôi! Hôm nay có buổi dạy múa cho trẻ 3 tuổi, phải chuẩn bị nhiều lắm đấy”.
7 giờ, 2 người đàn ông - thầy giáo ngồi xổm bên bếp lửa, đầu gối cao quá tai, im lặng ăn sáng. Bữa sáng của họ là cơm với lạc rang, thứ nước đun sôi với vài cái lá đắng ngoài rừng, màu nâu nhạt, làm canh. Sáng nay lạnh, họ không dám nấu canh rau. Mùa rét, rau trên này chết dần chết mòn vì sương muối. Những cây rau cải kiên cường sống sót, họ dành mỗi ngày hái 3 - 4 lá để nấu canh ăn bữa chính buổi tối, cho đỡ xót ruột.
8 giờ, thầy Chu lên đầu dốc cạnh điểm trường ngồi đợi những đứa trẻ hoặc đi bộ hoặc phụ huynh đưa đến. Tay bế lưng cõng, thầy kiên nhẫn tha những đứa trẻ qua đoạn đường trơn nhẫy, giao cho thầy Pha rửa mặt mũi chân tay và đặt chúng xuống chiếc ghế màu sặc sỡ trong lớp học lúc này, inh ỏi tiếng khóc, tiếng la hét.
Học sinh mầm non Háng Gàng với những túi cơm mang tới lớp ăn trưa |
8 giờ 30, toàn bộ 33 đứa trẻ các độ tuổi nhà trẻ - mầm non bắt đầu vào giờ học chính thức. Do trời lạnh nên thầy Pha chỉ tập trung dạy phần hoạt động với đồ vật, theo đề tài “Bé khám phá hộp giấy”. Kiên nhẫn và tỉ mỉ, thầy rèn kỹ năng cầm, nắm, đặt xếp, di, kéo hộp giấy cho 12 học sinh bé lít nhít như cái nấm. Đánh vật hơn 1 tiếng đồng hồ, những đứa bé người Mông cũng ngọng nghịu nói được mấy câu ngắn như “hộp giấy, ú òa, đùng đùng, gấu, kéo xe”. Toát mồ hôi giữa thời tiết lạnh, thầy Pha lắc đầu: “Nhìn thế thôi nhưng hôm sau lại phải dạy lại vì bọn trẻ nói trước quên sau” và phân trần: “May mình là người Mông, nên nói được với bọn trẻ”.
Đầu lĩnh của bản
Thầy Giàng A Chu, chính gốc người Mông bản Tà Tàu (xã Pá Hu, Trạm Tấu, Yên Bái) vào nghề dạy học từ năm 1995 khi mới tròn 18 tuổi. “Ban đầu mình học 10+3, sau dần dần học trung cấp sư phạm và cả trung cấp mẫu giáo nên khi được chuyển từ dạy tiểu học sang mầm non, cũng không bỡ ngỡ gì mấy”, thầy Chu thật thà và toét miệng cười: “Úi! Chỉ vất vả khi dạy chúng nó múa hát thôi”.
Thầy giáo Giàng A Chu, giáo viên mầm non điểm trường Háng Gàng (Pá Hu, Trạm Tấu, Yên Bái) |
Trưởng bản Mùa A Pó kể: Cả chục năm nay trên bản Háng Gàng có lớp mầm non do các cô giáo dưới xuôi lên dạy. Từ tháng 11.2016, khi bắt đầu thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2016 - 2018 trong toàn tỉnh, học sinh đang học ở điểm trường tiểu học của bản được đưa về trung tâm xã, còn mỗi lớp mầm non. Thầy Giàng A Chu đang cắm bản dạy tiểu học được chuyển sang dạy mầm non cùng với thầy Hờ A Pha mới lên, thay cho 2 cô giáo chuyển sang bản khác, đỡ khó khăn hơn.
Ngày đầu tiên lên lớp của 2 thầy giáo mầm non, giống như… ngày hội bởi bà con trong bản kéo nhau đứng ngồi chật khoảnh sân điểm trường. Ai cũng bảo: “Úi! Đàn ông người Mông lên rừng săn bắn, xuống núi làm nương, về nhà uống rượu. Việc nuôi con, dệt vải là của đàn bà. Làm thế này là không được đâu”, khiến cả hai thầy giáo dù có thâm niên cả chục năm cắm bản dạy học, cũng run. Thầy Chu nói với thầy Pha: “Mình đã nhận nhiệm vụ rồi, phải cố lên thôi” và động viên nhau. Cả tiếng đồng hồ đánh vật theo nội dung giáo án mãi đến khi 2 thầy giáo đưa bọn trẻ ra sân hoạt động ngoài trời và chia nhau ra hướng dẫn học sinh xếp hàng, nắm tay nhau, cùng bập bẹ hát múa theo thầy giáo cong tay, lúc lắc thân hình, dân bản mới ồ lên: “Đàn ông người Mông giỏi quá, biết cả dạy bọn trẻ con”…
“Hồi đầu tiên dạy mầm non, chúng mình phải xuống trường chính học kinh nghiệm các cô giáo” - Giàng A Chu kể và tỉ mẩn: Trước dạy tiểu học, có thể nói to và nhanh nhưng giờ phải nói chậm rãi, nhẹ nhàng và cưng nựng học sinh thì chúng mới không khóc, nghe lời. Việc dạy hát, cũng phải nhờ các đồng nghiệp nữ luyện âm thanh sao cho giọng tự nhiên, nhẹ nhàng, không gào thét và căng thẳng. Thầy Hờ A Pha thì thành thật: “Trước dạy tiểu học, nếu có dạy hát thì chỉ vỗ tay bắt nhịp, giờ còn phải học cả tư thế hát sao cho đẹp”.
“Khó nhất là múa” - cả hai thầy giáo đồng thanh kể vậy với tôi và... trình bày: Giáo trình yêu cầu phải tập cho trẻ vận động theo bài hát đã được học, từ vỗ tay đệm theo bài hát, kết hợp nhún nhảy, lắc lư, giậm chân, múa dẻo múa khéo… Nhưng gần 2 năm theo “nghiệp mới”, các thầy cố lắm cũng làm được động tác vẩy cánh tay, cuộn cổ tay, nhún, đi, chạy... theo lời ca.
Mua mì tôm nấu canh cho con
Háng Gàng xa tít tắp, trừ ngô lúa, mọi thứ đều phải gùi cõng từ ngoài vào. Mỗi chiều chủ nhật lên bản, cả hai thầy giáo lại lúc lỉu gùi cõng đồ ăn cho mình và cho trẻ. Chuyện là: Tiền ăn buổi trưa của học sinh mầm non theo chế độ là 139.000 đồng/tháng. UBND xã phát cho phụ huynh và phụ huynh chuyển lại cho thầy 3.000 đồng/bữa để nhờ mua, nấu thức ăn cho con mình. Thế nên cứ gần buổi trưa là hai thầy lại chia nhau, người trông trẻ, người chụm củi nấu nướng. 3.000 đồng, cũng chỉ đủ cho mỗi đứa mấy hạt lạc rang, con cá khô và muôi canh rau, mì tôm ăn với cơm hoặc mèn mén (bột ngô). Học sinh ăn xong đi ngủ, hai thầy giáo mới nấu ăn cho mình và ăn vội bữa trưa, cũng chỉ lạc rang, cá khô và canh mì tôm. “Không có điện để trữ đông, nên chỉ 2 ngày đầu tuần mới được ăn thịt cá kho. Mấy ngày sau đều đồ khô. Những ngày mưa lũ không ra được, chỉ cơm với măng ớt ngâm và bột canh” - thầy Pha kể và lắc đầu quầy quậy: “Tiền phụ huynh góp cho con ăn chẳng bao giờ đủ, thầy toàn phải chia đồ ăn của mình cho bọn trẻ. Riêng mì tôm làm canh hằng ngày, các thầy tự góp mua. Hôm nào có đứa ốm, lại lấy trứng dự trữ của thầy ra bồi dưỡng trẻ”…
Trong số 6 thầy giáo mầm non ở H.Trạm Tấu thì thầy Sùng Thào Chinh (hiện đang đảm nhận điểm trường Tà Chử, Trường mầm non Hoa Mai ở xã Phình Hồ) là lớn tuổi nhất. 44 tuổi, nhưng thầy Chinh nhìn như trên 50, được cái lúc nào cũng roi rói nụ cười. Sinh ra ở bản Chí Lư của xã Phình Hồ vốn là xứ sở của những cây chè tuyết cổ thụ, thầy Chinh học hết lớp 9 là được đưa đi học sơ cấp, trung cấp sư phạm và trở về dạy tiểu học, toàn lớp 1 - 2 ở mọi thôn bản khó khăn xa xôi vất vả nhất trong huyện, từ Bản Mù, Làng Nhì đi bộ cả ngày đường mới đến điểm trường cho đến Phình Hồ xa hun hút. “Hồi mới chuyển sang dạy mầm non, cứ cuối tuần nghỉ ở bản uống rượu cùng mọi người, ai cũng bảo: Có 4 đứa con, là ông nội ông ngoại rồi mà giờ phải đi làm việc của đàn bà, xấu hổ quá. Tôi mới bảo: Ngày xưa còn trẻ, ta đi dạy con ta. Giờ lớn tuổi rồi, ta dạy cháu ta. Tục lệ người Mông mình dù uống hết chum rượu, ăn hết tảng thịt cũng phải giữ gìn bản làng. Ta dạy con cháu ta giữ núi rừng bản làng, ai bảo là xấu hổ?” - thầy Chinh bật mí. |
(còn tiếp)
Mai Thanh Hải (Thanh Niên)